Chiều 21/4, thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đơn vị vừa phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai quật khảo cổ di tích Đại Cung môn - công trình từng giữ vai trò là cửa chính của Tử Cấm thành - Đại nội Huế.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm thực hiện dự án phục hồi công trình di tích quan trọng bên trong Đại nội Huế đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế) thông qua vào cuối năm 2024.
Khai quật khảo cổ di tích Đại Cung môn - Đại nội Huế. Ảnh: Sơn Thùy. |
Đại Cung môn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng, nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, giữa điện Thái Hòa và điện Cần Chánh. Đây từng là công trình kiến trúc tinh xảo với 5 gian và 3 cửa, trong đó cửa chính giữa dành riêng cho vua. Mặt trước được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng, trang trí bằng các đề tài cổ điển và thơ văn. Phía sau là hai hành lang lợp ngói thanh lưu ly nối với nhà Tả Vu và Hữu Vu…
Công trình bị phá hủy vào năm 1947, hiện chỉ còn lại phần nền. Với mục tiêu phục hồi di tích này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép khai quật khảo cổ trên diện tích 60 m2.
Đến nay, trên nền cũ rộng khoảng 23x12 m, các chuyên gia đã mở nhiều hố khai quật ở các góc khác nhau, một số sâu hơn 1-1,2 m nhằm khảo sát địa tầng, thu thập hiện vật và các dấu tích.
Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số lượng hố đào khu vực Đại Cung môn vượt hơn so với kế hoạch do phát sinh yêu cầu từ thực tế. Một số hố có diện tích rộng hơn để thăm dò thêm thông tin về quy mô và kết cấu công trình. Hiện vật thu được không nhiều do khu vực đã từng bị xáo trộn mạnh sau năm 1947.
Đại Cung môn một thời. Ảnh T.L |
Theo Nghị quyết số 91 của HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế), dự án phục hồi di tích Đại cung môn triển khai trong 4 năm, với kinh phí gần 65 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dự án sẽ phục hồi nền móng, kết cấu gỗ, hệ thống mái lợp ngói hoàng lưu ly, các chi tiết trang trí chạm khắc, pháp lam… Đồng thời, sân trước - sân sau, hệ thống chiếu sáng, lan can, bình phong cũng được tu bổ để đảm bảo tổng thể kiến trúc.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết đơn vị hiện hoàn tất các thủ tục để có thể khởi động dự án trong năm 2025. Dự án phục hồi Đại Cung môn không chỉ giúp tái hiện diện mạo kiến trúc Tử Cấm thành - Đại nội Huế mà còn góp phần phát huy giá trị di sản phục vụ du lịch, giáo dục và nghiên cứu.
Nguồn:https://tienphong.vn/khao-co-dai-cung-mon-giup-phuc-hoi-di-tich-quan-trong-thuoc-hoang-thanh-hue-post1735623.tpo
Bình luận (0)