Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khảo sát năng lực tiếng Anh 73.000 giáo viên: Làm vội vã để 'tiếp thị'?

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên là chủ trương đúng, cần thiết. Nhưng cách thực hiện đang bộc lộ nhiều bất cập.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ26/04/2025

tiếng Anh - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên bức xúc với việc khảo sát năng lực tiếng Anh mà Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang thực hiện - Ảnh chụp trang báo Tuổi Trẻ số ra ngày 25-4

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thực hiện khảo sát năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) đối với 73.000 giáo viên trên toàn TP đang gây ra những bức xúc và quan ngại về cách thức triển khai vội vàng, thiếu mục đích rõ ràng và khó đạt tới hiệu quả thực chất.

"Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045" là một chủ trương, định hướng đổi mới với mục tiêu chung là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, thường xuyên trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu, làm việc... Tuy nhiên cần có một lộ trình và các bước chuẩn bị kỹ lưỡng, không thể làm nóng vội hoặc duy ý chí.

Cần chuẩn bị kỹ và có lộ trình

Việc khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên là chủ trương đúng, cần thiết. Nhưng cách thức thực hiện đang bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, đối tượng khảo sát là giáo viên ở tất cả các bộ môn, cùng làm chung một bài khảo sát có hai phần: Reading (đọc) với thời gian 90 phút và Listening (nghe) với thời gian 45 phút. Nghĩa là một đề khảo sát chung cho tất cả giáo viên nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu CEFR (từ A1 - C2). Vậy thì ngưỡng đánh giá của khảo sát là gì, mức độ yêu cầu cần đạt ra sao?

Theo nhận định của nhiều giáo viên, bài khảo sát tiếng Anh quá khó, không phù hợp để đánh giá trên bình diện chung. Tôi cho rằng thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo nên công bố nội dung đề khảo sát và phổ điểm đánh giá khảo sát.

Thứ hai, nội dung bài khảo sát tiếng Anh chưa phù hợp, chưa đúng chuẩn. Trong phần Reading có nội dung cho trước đoạn văn và yêu cầu chọn câu trả lời với nhiều ý hỏi từ đoạn văn. 

Thay vì chia làm hai cửa sổ trên màn hình máy tính để giáo viên có thể đọc đoạn văn cùng lúc đối chiếu câu hỏi thì hệ thống khảo sát để đoạn văn và câu hỏi chung một trang, buộc lòng giáo viên phải rê chuột lên xuống liên tục để đọc câu hỏi rồi đối chiếu đoạn văn, rất thiếu chuyên nghiệp và gây bất lợi cho giáo viên.

Một số thầy cô giáo có nhờ giáo viên tiếng Anh bản ngữ tham khảo phần Listening thì họ cho biết không chắc với câu trả lời vì nội dung khó!

Thứ ba, việc triển khai vội vã, thiếu sự chuẩn bị. Vì sao sở không thực hiện khảo sát, bồi dưỡng, tập huấn trong thời gian nghỉ hè mà lại chọn thời điểm cuối học kỳ 2 khi thầy và trò đang ráo riết ôn tập? Cũng như việc khảo sát trực tuyến liên quan đến hệ thống xử lý thông tin và đường truyền tín hiệu chưa tốt, dẫn đến tình trạng nghẽn mạng khi giáo viên đang làm bài khảo sát hoặc không thể truy cập.

"Tiếp thị" phản cảm

Điều đáng nói, việc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM "tiếp thị" Trung tâm Ngoại ngữ - tin học Sở Giáo dục và Đào tạo qua thông báo số 1897/TB-SGDĐT ngày 15-4-2025 với quy định từng mức học phí, lệ phí là một điều phản cảm, có phần lạm dụng quyền hạn.

Cũng mới đây thôi, vào đầu năm học 2024 - 2025 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đều phải thực hiện bài khảo sát "HCM - Khảo sát kiến thức chuyển đổi số" trên trang web https://chuyendoiso.hcm.edu.vn. Những thầy cô giáo chưa đạt thì phải tham gia các khóa học do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức với khung giờ các buổi sáng, chiều, tối thứ bảy và chủ nhật đã ít nhiều gây khó khăn cho các thầy cô giáo.

Liệu rằng có nhất thiết phải tham gia các lớp tin học này mới được gọi là "đạt chuẩn"? Lộ trình "chuyển đổi số" có phải cứ bắt buộc giáo viên xách cặp đi học là thành công?

Với đề án "đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai", phải chăng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang nóng vội, buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình triển khai? 

Tôi cho rằng sở nên xem xét, học tập kinh nghiệm từ các đối tác, từ chính sách giáo dục của các nước để thận trọng lựa chọn những hướng đi phù hợp và nhất là phải đi chung với dòng chảy của ngành giáo dục cả nước.

Bước đi đột phá nhưng đừng bột phát!

Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nhằm xây dựng đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", sở tổ chức khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo TP.

Đồng thời sở cũng thông tin về các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn với mức học phí 4,2 triệu đồng cho lớp bồi dưỡng tiếng Anh 3 tương đương bậc 3, bậc 4 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam và mức lệ phí thi (cấp chứng chỉ) là 2 triệu đồng của Trung tâm Ngoại ngữ - tin học Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
LÂM VŨ CÔNG CHÍNH (GIÁO VIÊN TẠI TP.HCM)

Nguồn: https://tuoitre.vn/khao-sat-nang-luc-tieng-anh-73-000-giao-vien-lam-voi-va-de-tiep-thi-2025042608484399.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm