Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi gốm, văn và cuộc đời hòa nhịp ở thành phố di sản

Mê văn của Nguyễn Huy Thiệp từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường nên khi biết Triển lãm Gốm Thiệp sẽ tổ chức ở Hội An, tôi gần như đến ngay để chạm vào từng câu văn của ông trên những tác phẩm gốm được sáng tạo bởi chính ông cùng hơn 40 họa sĩ.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai05/07/2025

Không gian trưng bày Triển lãm Gốm Thiệp
Không gian trưng bày Triển lãm Gốm Thiệp

Đến không gian trưng bày của Củi Lũ Art Space (sát bên sông Đế Võng, Hội An), tôi vừa nhìn hai người con của nhà văn sắp xếp các tác phẩm gốm được mang từ Hà Nội vào, chìm đắm trong vẻ đẹp gốm hòa nhịp cùng văn chương, vừa nghe những câu chuyện họ kể về việc chuẩn bị triển lãm cùng quá trình sáng tạo.

Từ hành trình của chuyến xe di sản

Hai người con trai Nguyễn Phan Bách, Nguyễn Phan Khoa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng được gọi là những người “chuyển lửa” trên hành trình chuyến xe di sản, là cầu nối đưa di sản nghệ thuật của cha từ Hà Nội vào Hội An - nơi gốm trở thành “đạo” giữa đất và lửa.

Phan Bách tâm sự: “Năm 2025 đánh dấu 75 năm ngày sinh của cha (1950-2025), hai anh em quyết định thực hiện ý nguyện của ông lúc sống đó là đưa nghệ thuật gốm đến không gian di sản. Các phẩm được chọn lọc từ bộ sưu tập gia đình tại Hà Nội và Gallery 39A Lý Quốc Sư, vận chuyển vào Củi Lũ Art Space (Hội An) - địa điểm gần làng gốm Thanh Hà gần 500 tuổi. Chuyến hành trình 1.200km không chỉ vận chuyển các tác phẩm gốm mà còn mang theo “linh hồn” văn chương Thiệp”.

Triển lãm như một nén tâm hương nhân sinh nhật lần thứ 75 của nhà văn. Những ngọn nến gốm ấy, dù không thắp lửa thật, vẫn rực sáng một Nguyễn Huy Thiệp đa chiều: nhà văn - họa sĩ - kẻ dẫn lối cho những cuộc cách tân nghệ thuật không ngừng.

Trong triển lãm, Bách tham gia với vai trò kép - vừa là thành viên tổ chức, vừa là một trong 42 nghệ sĩ sáng tác. Anh vẽ trên chất liệu gốm lam - trắng Bát Tràng, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Tướng về hưu và Con thú lớn nhất, tác phẩm của anh thể hiện lối vẽ “đốn ngộ” (vẽ một nét, không sửa) - triết lý mà Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Vẽ cho Thiệp phải như phiêu - một nét bút định mệnh”.

Khác với các nghệ sĩ khác, Bách tiếp cận văn chương của cha qua ký ức cá nhân. Anh thể hiện nhân vật trong truyện Thiệp bằng những khuôn mặt “u uẩn, trầm tư” - phong cách đặc trưng từ loạt tranh “Vô diện”. Đây cũng là cách anh giải tỏa áp lực: “Gia đình tôi chịu sức ép từ danh tiếng của cha... Trở thành họa sĩ là mong ước cha gửi gắm, nhưng khẳng định được mình mới là điều khó”. Anh nhớ lại lời dặn của cha những ngày cuối khi nằm trên giường bệnh: “Khi cha đi, các con có thể dùng mấy thứ cha viết, cha vẽ để đưa vào di cảo...”.

Đến triển lãm nghệ thuật đa thế hệ

Triển lãm Gốm Thiệp ở Hội An trưng bày gần 200 tác phẩm, chia làm hai nhóm: Nhóm 1 gồm những tác phẩm gốm do chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ trong thập niên 90 (những chân dung bạn văn, tự họa, thơ cổ Hồ Xuân Hương, Bùi Giáng…); nhóm 2 gồm tác phẩm của 42 nghệ sĩ (từ họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Đỗ Hoàng Tường đến nhà văn Nguyễn Quang Thiều) “đọc”  Nguyễn Huy Thiệp qua gốm.

Các tác giả không minh họa, họ “chuyển ngữ” văn của Nguyễn Huy Thiệp trên gốm. Những tác phẩm nổi tiếng trong suốt 3 thập kỷ như Tướng về hưu, Con thú lớn nhất… được tạo tác thành hình khối, mảng màu, nhịp điệu riêng tạo ra đối thoại lặng thầm - giữa men lam cổ điển và phác thảo đương đại. Có những câu văn, tưởng đã yên vị trên trang sách, nay “trở mình thức dậy trên men gốm”.

Nguyễn Phan Bách nâng chiếc đĩa gốm lam trắng, kể: “Đây là bức Tự họa cha tôi vẽ năm 1997. Ngày ấy, ông từng nói với tôi: “Văn với họa như hai con đường chạy song ra biển lớn”. Nay anh em tôi đưa tác phẩm vào Hội An, tôi hiểu đó là cách đưa di sản của ông về với mạch nguồn gốm Việt”.

Bách tâm sự: “Chúng tôi muốn tặng cha một sinh nhật 75 tuổi - nơi văn và gốm hòa làm một. Từng chiếc đĩa, từng mảng men, câu văn đang được sống tiếp - trong một hình thức khác. Văn chương không chỉ để đọc. Có lúc, nó được chạm tay vào”.

Triển lãm Gốm Thiệp ở Hội An không chỉ tôn vinh vẻ đẹp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp mà còn là bản hòa âm giữa các thế hệ trong không gian đa di sản: Củi Lũ Art Space (đường Trường Sa) cách làng gốm Thanh Hà 3km, tạo mạch nối giữa nghề thủ truyền thống và nghệ thuật đương đại. Như lời giám tuyển Lê Thiết Cương: “Phố cổ Hội An là bản giao hưởng của di sản sống. Gốm Thiệp ở Hội An không chỉ là trưng bày các tác phẩm mà còn là những trò chuyện của gốm với gió sông Hoài, với bàn tay làm gốm của các nghệ nhân đến từ làng gốm Thanh Hà nửa ngàn năm tuổi”.

Triển lãm đóng lại ngày 28-6, nhưng cuộc đối thoại giữa văn - gốm - đời dường như chỉ vừa bắt đầu. “Từng mảng men, câu văn đang được sống tiếp” - có lẽ, đây mới là khởi đầu cho một hành trình dài: hành trình đưa di sản văn hóa thoát khỏi viện bảo tàng, để hòa vào nhịp thở đương đại.

Khiếu Thị Hoài

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202507/khi-gom-van-va-cuoc-doi-hoa-nhip-o-thanh-pho-di-san-0b82431/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm