Gieo hạt tri thức trên đất Gia Lai mới
Sáng ngày 1/7, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai (phường Quy Nhơn), Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có buổi tiếp và làm việc với GS Duncan Haldane – nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng của Đại học Princeton (Mỹ), chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2016.
Hoạt động đầu tiên trên cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai mới của ông Phạm Anh Tuấn là tiếp và làm việc với chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 2016.
Đây là hoạt động đầu tiên trên cương vị người đứng đầu tỉnh Gia Lai mới – đơn vị hành chính vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai.
Không chỉ mang tính biểu tượng, buổi làm việc với GS Haldane thể hiện rõ tầm nhìn phát triển dựa trên tri thức và hợp tác quốc tế. “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là những trụ cột chiến lược trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng thời khẳng định chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) về cơ chế, chính sách, ngân sách để thúc đẩy nghiên cứu và lan tỏa giá trị khoa học trong cộng đồng. Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cả trước mắt lẫn lâu dài theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng trân trọng mời GS Haldane đồng hành lâu dài với ICISE, tham gia tư vấn chuyên môn và đề xuất sáng kiến để phát triển khoa học vật liệu lượng tử – lĩnh vực ông là một trong những nhà tiên phong thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mời GS Haldane đồng hành lâu dài với ICISE.
GS Haldane bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu và đánh giá cao những cam kết cụ thể từ chính quyền tỉnh. Ông chia sẻ kỳ vọng ICISE sẽ trở thành điểm hẹn học thuật quốc tế và là nơi truyền cảm hứng khoa học cho thế hệ trẻ, đặc biệt thông qua các chương trình tiếp cận STEM với học sinh Việt Nam, Lào và Campuchia.
Kết nối trí thức, khởi nguồn đổi mới
Buổi tiếp GS Haldane không phải là sự kiện đơn lẻ. Nó là phần tiếp nối logic của một chuỗi hành động cho thấy tư duy điều hành nhất quán của ông Phạm Anh Tuấn: khoa học phải được đối đãi như một nền tảng phát triển, chứ không phải một khẩu hiệu ngoại giao.
Khi là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn đến thăm và làm việc với các nhà khoa học tại Trung tâm ICISE từ lúc sáng sớm.
Trước đó không lâu, khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Tuấn đã có cuộc làm việc đặc biệt lúc 6h30 sáng tại ICISE với Giáo sư Trần Thanh Vân – nhà vật lý gạo cội, sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE.
Cuộc gặp diễn ra bên bờ biển Quy Nhơn trong khung giờ hiếm gặp ở cấp lãnh đạo, nhưng lại mang đậm chiều sâu. Hai bên đã thảo luận nhiều định hướng lớn cho khoa học địa phương: phát triển công nghệ vũ trụ, nâng cấp Viện IFIRSE, thu hút trí thức toàn cầu và đào tạo nguồn lực nghiên cứu trẻ…
Ngay trong ngày hôm đó, các nội dung thảo luận đã được cụ thể hóa bằng kết luận chỉ đạo và kế hoạch hành động. Một cuộc gặp tinh mơ, nhưng mở ra tầm nhìn xa.
Cả hai cuộc gặp, một với GS Trần Thanh Vân, một với GS Duncan Haldane đều xoay quanh một trục tư duy: khoa học không đứng ngoài điều hành, mà nằm trong trung tâm chính sách. Điều đáng nói là không dừng ở lời nói, chính quyền địa phương đã bước đầu biến tầm nhìn ấy thành hành động thực tế.
Gia Lai mới tiếp nối mô hình Bình Định đang nỗ lực tạo điều kiện cho trí thức hiến kế, hỗ trợ thể chế và thúc đẩy ứng dụng khoa học phục vụ phát triển. Đây là tín hiệu tích cực với giới nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao, startup deep-tech và cả thế hệ trẻ đang tìm kiếm môi trường học thuật có chiều sâu.
Một cuộc họp lúc sáng sớm, nhưng mở ra tầm nhìn xa.
Từ một buổi làm việc lúc 6h30 sáng ở TP Quy Nhơn đến cuộc gặp GS Nobel cũng tại Quy Nhơn nhưng nay đã là một phường của tỉnh Gia Lai mới, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đang từng bước thiết lập một chuẩn mực điều hành mới: lãnh đạo bằng tri thức, kết nối bằng niềm tin và hành động bằng tinh thần khoa học.
Không phải nơi nào cũng gặp được các nhà khoa học tầm Nobel. Nhưng không phải nơi nào cũng có người đứng đầu hiểu rằng, muốn đi xa và bền vững, hãy bắt đầu từ gốc rễ của tri thức.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/khi-lanh-dao-khoi-dau-bang-khoa-hoc/20250701071154290
Bình luận (0)