Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoa học tiếp sức phục hồi chức năng

Ngành y tế Đà Nẵng dần khẳng định bước tiến vững chắc trong việc đưa khoa học hiện đại vào các quy trình điều trị. Tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện C Đà Nẵng, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và robot thông minh góp phần tạo nên không gian trị liệu hiện đại, sinh động và hiệu quả, khơi dậy niềm tin phục hồi từ chính mỗi chuyển động.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng20/07/2025

12_khoahoc1.jpg
Nhiều hệ thống phục hồi chức năng hiện đại, tích hợp trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và robot thông minh được Bệnh viện C Đà Nẵng ứng dụng trong điều trị. Ảnh: VĂN HOÀNG

Bước đi mới trong phục hồi chức năng

Tại khu vực điều trị phục hồi chứng năng ở Bệnh viện C Đà Nẵng, bệnh nhân Mai Quý Trung (trú phường Sơn Trà) chậm rãi đưa tay về phía màn hình hướng dẫn của hệ thống thực tế ảo cảm biến từ 3D - VRRS EVO.

Từng cử động nhỏ nhất của ông Trung được hệ thống ghi nhận chính xác và phân tích tỉ mỉ nhờ công nghệ cảm biến và AI tích hợp. Nhờ đó, bác sĩ sẽ có cái nhìn trực quan về quá trình tập luyện, thu thập được dữ liệu khách quan, chi tiết về biên độ cử động, tốc độ và độ chính xác của từng động tác, giúp người bệnh đạt được kết quả tốt hơn.

Điều thú vị là thay vì những bài tập đơn điệu dễ khiến người bệnh mỏi mệt, hệ thống thực tế ảo cảm biến được thiết kế như một trò chơi đa giác quan, kết hợp vận động, nhận thức và chức năng tay trong cùng một quá trình. Không còn là hình ảnh quen thuộc của những chiếc giường trắng và thiết bị nặng nề, người bệnh đang “tập mà như chơi”, “chơi mà đang hồi phục” với hệ thống này.

Người bệnh không chỉ rèn luyện cơ thể mà còn được kích thích não bộ, từ đó nâng cao khả năng phục hồi toàn diện.

“Nếu chỉ tập bình thường thì tay chân mình hoạt động máy móc thôi, không cần nghĩ. Còn khi tập với máy cảm biến, tôi phải dùng cả tay, cả trí não. Phải suy nghĩ, phối hợp, nên tôi cảm thấy hiệu quả rõ ràng hơn, đỡ nhàm chán và tiến bộ nhanh hơn”, ông Trung vui mừng chia sẻ.

Theo khoa Phục hồi chức năng, với hệ thống thực tế ảo cảm biến từ 3D - VRRS EVO, người bệnh được tiếp cận với quy trình tập hết sức sinh động và hứng thú. Người bệnh ở trong tâm thế cố gắng tập với sự hứng thú cao nhất, giúp cải thiện nhanh chóng sự vận động cũng như tri giác nhận thức.

Không dừng lại ở công nghệ thực tế ảo, Bệnh viện C Đà Nẵng còn trang bị hàng loạt thiết bị công nghệ cao như robot tập dáng đi MRG-P100, hệ thống lượng giá và tập chức năng thăng bằng Gamma…

Trong đó, robot MRG-P100 được xem là một bước tiến đáng kể, hỗ trợ người bệnh đứng lên, tập đi an toàn và sớm nhất có thể. Robot này hỗ trợ tại ba điểm khi tập đứng: khung chậu, bụng và đầu gối, tạo cảm giác vững vàng cho bệnh nhân bị tổn thương tủy, đột quỵ hay bệnh lý thần kinh cơ. Đặc biệt, hệ thống này có thể thiết lập ba kiểu dáng đi chức năng, điều chỉnh theo từng thể trạng bệnh nhân.

Hay hệ thống tập thăng bằng Gamma với các trò chơi giúp bác sĩ đánh giá chi tiết tình trạng rối loạn thăng bằng của người bệnh. Dữ liệu từ những lần tập luyện được tổng hợp, phân tích, từ đó, bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ thiết lập chương trình điều trị sát với thực tế của từng cá nhân.

Hướng đến y tế thông minh

Theo bác sĩ Bùi Văn Hội - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, AI đang dần được tích hợp sâu vào các quy trình phục hồi chức năng, chủ yếu thông qua sự kết hợp với những thiết bị y tế hiện đại.

Chẳng hạn, AI phối hợp robot phục hồi chức năng để “đọc hiểu” những điểm hạn chế trong vận động của người bệnh, từ đó hỗ trợ các bước tập luyện chính xác và hiệu quả hơn. AI cũng có thể kết nối hệ thống thực tế ảo, tiếp nhận và phân tích tín hiệu thần kinh từ vỏ não, từ đó điều chỉnh hoạt cảnh trị liệu phù hợp từng chức năng đang khiếm khuyết của người bệnh.

Đồng thời AI hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, tiên lượng bệnh và can thiệp điều trị.

Bệnh nhân cũng có thể sử dụng điện thoại di động thông minh với những phần mềm cài đặt để tập luyện tại nhà. Bác sĩ có thể giám sát từ xa và điều chỉnh bài tập phù hợp.

Bệnh viện C Đà Nẵng trong thời gian qua đã được đầu tư đồng bộ nhiều hệ thống phục hồi chức năng tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, rút ngắn thời gian hồi phục và giúp người bệnh sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Những thiết bị công nghệ cao đang triển khai tại đây được đánh giá thuộc nhóm tiên tiến bậc nhất trong khu vực và trên cả nước.

“Chúng tôi xác định việc ứng dụng công nghệ không chỉ là xu hướng, mà là nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe hiện đại. Sắp tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh đào tạo nhân lực để làm chủ các thiết bị mới, đồng thời tăng cường nghiên cứu khoa học, hợp tác trao đổi với các đơn vị trong và ngoài nước. Mục tiêu là để người bệnh tại Đà Nẵng tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả với các thiết bị y học tiên tiến nhất, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và AI đang phát triển mạnh mẽ”, bác sĩ Hội chia sẻ.

Nguồn: https://baodanang.vn/khoa-hoc-tiep-suc-phuc-hoi-chuc-nang-3297336.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm