Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khoảng lặng của du lịch Quảng Nam

Việc Quảng Nam nằm ngoài tốp 10 cả nước dịp lễ 30/4 - 1/5 cả về lượng khách lẫn doanh thu du lịch một lần nữa phản ánh thực trạng khai thác chưa tương xứng với giá trị của du lịch địa phương.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam18/05/2025

20250430_085809.jpg
Khách quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Ảnh: QUỐC TUẤN

Không bất ngờ

Theo thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng như con số báo cáo của các địa phương, tốp 10 tỉnh, thành phố đón lượng khách du lịch nhiều nhất dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua lần lượt là: TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Phòng, Đà Nẵng. Xếp thấp nhất trong danh sách trên là TP.Đà Nẵng cũng đã đón đến 610 nghìn lượt khách, hơn gấp đôi so với Quảng Nam (khoảng 282 nghìn lượt).

Tương tự, có 9/10 địa phương đón lượng khách lớn nhất đạt được doanh thu du lịch lớn nhất trong dịp lễ vừa qua, trừ Hải Phòng thay bằng Kiên Giang. Quảng Nam không có số liệu thống kê ở chỉ tiêu này, thực tế nếu không có gì đột biến, việc nằm ngoài danh sách này cũng là tất yếu như nhiều năm vừa qua.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam, các chỉ số thống kê du lịch chỉ là tương đối, thêm nữa công tác thống kê này cũng còn có cách tính khác nhau giữa các địa phương nên rất khó để phản ánh chính xác thực tế, từ đó phân tích đúng thị trường, doanh số du lịch...

Đáng suy ngẫm là trong những năm qua, ở một số chỉ số quan trọng, ngành du lịch Quảng Nam luôn có vị thế khá cao. Đơn cử như việc đón lượng khách quốc tế, nhiều năm liền Quảng Nam nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc.

Hay như với bảng xếp hạng chỉ số phát triển du lịch, Quảng Nam cũng xếp thứ 7. Ngoài ra, nhiều đơn vị, điểm đến ở Quảng Nam là những cái tên quen thuộc của các giải thưởng du lịch cấp độ quốc tế.

Điều này phản ánh thực tế thương hiệu du lịch Quảng Nam rất nổi tiếng, tài nguyên và các yếu tố liên quan của du lịch địa phương cũng đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác có chiều sâu, dẫn đến lợi ích mang lại không tương xứng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, du lịch Quảng Nam có nhiều sản phẩm tương đồng trong khi đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong khu vực và cả nước.

Giải pháp nào để cải thiện?

Nguồn thu từ vé tham quan là đáng kể của các di sản thế giới trên địa bàn tỉnh hiện nay, tuy nhiên hiện gặp không ít khúc mắc, nhất là với Khu phố cổ Hội An.

img_20230623_202809.jpg
Du lịch biển Quảng Nam rất khó tạo ra nguồn thu lớn khi vắng bóng các sản phẩm - dịch vụ giải trí biển đặc sắc. Ảnh: QUỐC TUẤN

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, mức phí tham quan phố cổ Hội An hiện thấp nhất trong các di sản thế giới trên toàn quốc (80 nghìn đồng/khách Việt Nam và 120 nghìn đồng khách quốc tế) trong khi đây là “di sản sống” nên việc quản lý vé gặp nhiều khó khăn dẫn đến thất thoát lớn.

Khu đền tháp Mỹ Sơn gần như chỉ dựa nguồn thu từ vé tham quan (năm 2024 đạt gần 65 tỷ đồng) trong khi chưa tận dụng được lợi thế thu hút khách để dẫn dắt tạo ra các nguồn thu khác. Được biết, tổng các nguồn thu khác trong năm 2024 chỉ hơn 7 tỷ đồng, rất khiêm tốn so với vị thế của một di sản văn hóa thế giới.

Thời gian qua, một số ý tưởng đề xuất từ phía doanh nghiệp du lịch về phát triển thể thao dưới nước, lưu trú trên biển, kinh tế đêm… trên địa bàn tỉnh cũng gặp vướng mắc, chưa thể triển khai vì nhiều lý do khác nhau.

Thực tế từ các địa phương cho thấy, để gia tăng nguồn thu từ du lịch, cần phải cung cấp cho du khách các dịch vụ giải trí đẳng cấp bên cạnh các điểm đến đã tạo dựng thương hiệu.

“Các địa phương bạn hiện xúc tiến du lịch rất mạnh trong khi cơ quan chuyên môn của Hội An thời gian gần đây có tình trạng ngại với các đề xuất về phát triển sản phẩm mới, thí điểm của doanh nghiệp. Nếu không mạnh dạn nghiên cứu triển khai thì sẽ tụt lùi với các điểm đến khác”, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Theo Sở VH-TT&DL, sở đã có văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị Chính phủ và các ban, bộ ngành Trung ương quan tâm, thúc đẩy chủ trương để cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn, mở các đường bay quốc tế đến Quảng Nam; cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời phát triển khoảng 10 sân golf đạt tiêu chuẩn phục vụ thể thao, du lịch trong nước và quốc tế tại Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn.

Khi những kế hoạch này thành hiện thực, năng lực hạ tầng đón khách và dịch vụ du lịch của Quảng Nam sẽ được cải thiện rất lớn, tạo tiền đề để Quảng Nam thu hút các dòng khách chất lượng cao, gia tăng nguồn thu cho du lịch địa phương.


20230719_093601-0-.jpg
Nguồn thu của di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn gần như dựa hoàn toàn vào vé tham quan. Ảnh: QUỐC TUẤN


Nguồn: https://baoquangnam.vn/khoang-lang-cua-du-lich-quang-nam-3155016.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm