Thay vì các đội hình máy bay chiến đấu đối đầu trực tiếp trong các trận không chiến quần vòng, thì khoảng cách chiến đấu đã được kéo giãn ra bằng không chiến ngoài tầm nhìn (Beyond Visual Range - BVR). Điều này được kiểm chứng qua cuộc đụng độ trên không giữa Không quân Ấn Độ và Pakistan. Vậy, BVR là gì? Nó có thực sự thay đổi cách thức không chiến hiện đại?
BVR - Công nghệ làm thay đổi phương thức không chiến?
Khái niệm BVR đã xuất hiện từ thập niên 1950, nhưng sau nhiều thập kỷ thử nghiệm và hoàn thiện, độ tin cậy của các loại vũ khí và radar hàng không hiện đại mới được chứng minh là hiệu quả cho phương thức tác chiến này từ Chiến tranh Vùng Vịnh (1991), khi tên lửa không đối không dẫn bắn bằng radar AIM-7 Sparrow và AIM-120 AMRAAM của quân đội Mỹ chứng minh khả năng tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 50 - 100 km.
Tiến sĩ John Stillion, chuyên gia của RAND Corporation đánh giá, BVR là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Tên lửa tầm xa, radar đa khẩu độ và hệ thống cảnh báo sớm. Công nghệ đã biến các cuộc không chiến từ mặt đối mặt sang “cuộc đấu trí công nghệ".
Tên lửa không đối không tầm xa chính là một trong những yếu tố tạo ra BVR. Ảnh: Defense News |
Cụ thể, radar hàng không đa khẩu độ cho phép máy bay chiến đấu giám sát không gian rộng, theo dõi và bám bắt hàng chục mục tiêu cùng lúc với độ chính xác cao.
Ví dụ, radar AN/APG-81 trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 có tầm quét 150km. Tiếp theo là tên lửa không đối không tầm xa như AIM-120D (Mỹ) tầm bắn 160km, PL-15 (Trung Quốc) 200km, R-37M (Nga) 400km cung cấp khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lớn. Quan trọng nhất chính là hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, máy tính, tình báo, giám sát và trinh sát, giúp tăng khả năng nhận thức tình huống và phối hợp giữa máy bay và trung tâm chỉ huy theo mốc thời gian thực).
Tạp chí quân sự Topwar dẫn lời Đại tá Không quân Mỹ John Boyd, tác giả học thuyết "OODA Loop" (quan sát - định hướng - quyết định - hành động) đăng tải: "BVR tối ưu hóa vòng OODA. Phi công hiện đại không cần thấy đối phương trong tầm nhìn. Họ chiến đấu dựa trên dữ liệu từ cảm biến và sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Chiến thuật không chiến của tương lai?
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), BVR mang lại nhiều ưu thế vượt trội so với cách thức không chiến truyền thống. Điều này đã được minh chứng trong các cuộc xung đột tại Ukraine và mới nhất là xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ.
BVR giúp giảm thiểu rủi ro cho phi công khi tăng khả năng tấn công từ xa, giúp máy bay tránh đi vào ô phòng không của đối phương. Trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria (năm 2018), máy bay chiến đấu Su-35 của Nga nhiều lần dùng radar "khóa" máy bay F-16 của Israel từ khoảng cách 80km để buộc đối phương phải từ bỏ nhiệm vụ.
Việc mang radar có tầm quét lớn không chỉ phục vụ BVR, mà còn giúp máy bay chiến đấu bao quát vùng không phận rộng lớn. Ví dụ máy bay Mig-31 của Nga có thể bao quát vùng không gian rộng tới 400km hay F-22 của Mỹ với radar mảng pha chủ động có thể quét khu vực không gian rộng tới hơn 300km với độ chính xác cao.
Tất cả các máy bay chiến đấu hiện đại đều được trang bị các công nghệ phục vụ BVR. Ảnh: Rian |
Trang tin Lenta của Nga dẫn lời Thiếu tướng Không quân Ấn Độ Rakesh Singh đăng tải: "Trận không chiến năm 2019 giữa Ấn Độ và Pakistan cho thấy, dù F-16 của Pakistan có lợi thế cơ động, nhưng việc thiếu tên lửa BVR đã khiến họ bị Su-30MKI áp đảo về tầm bắn".
Cùng với đó, hệ thống liên kết dữ liệu như Link 16 (NATO) hay Bắc Đẩu (Trung Quốc) cho phép một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AWACS) có thể điều phối nhiều máy bay cùng lúc ở khoảng cách hàng trăm km. Trong diễn tập Red Flag 2022, máy bay F-35 của Không quân Mỹ đã thử đóng vai trò "đầu não", chia sẻ mục tiêu cho F-15EX và UAV Loyal Wingman tấn công các mục tiêu giả lập từ nhiều hướng.
BVR không phải là tất cả
Đúng với quan hệ “mâu-thuẫn” trong phát triển vũ khí, chiến thuật và phương thức ngăn chặn, BVR không phải là không có điểm yếu. Sự ra đời các hệ thống tác chiến điện tử trang bị trên các máy bay chuyên biệt hay các module lắp đặt trên máy bay chiến đấu khiến hiệu quả của BVR giảm đi.
Các hệ thống gây nhiễu như Khibiny-M (Nga) hay AN/ALQ-254 (Mỹ) có thể vô hiệu hóa radar và tên lửa đối phương. Tiến sĩ David Deptula, cựu Tư lệnh Không quân Mỹ, thừa nhận: "Trong thử nghiệm năm 2020, máy bay F-22 gặp khó khăn khi đối đầu với Su-57 được trang bị hệ thống EW L402 Himalayas. Radar AESA của F-22 bị giảm 70% hiệu suất tác chiến".
Cùng với đó, việc phụ thuộc vào công nghệ khiến khả năng nhận diện “bạn-thù” trên chiến trường rất khó khăn. Bất kỳ sai sót nào của máy móc đều có thể dẫn tới thảm họa. Đã có không ít chiến lệ về các hệ thống phòng không hay máy bay chiến đấu bắn nhầm các đơn vị đồng minh, vì hệ thống cảm biến không nhận diện được mục tiêu.
Một yếu tố khác cần nhắc đến là chi phí đắt đỏ. Mỗi tên lửa BVR có giá từ 1 đến 3 triệu USD, trong khi tỷ lệ tiêu diệt thực tế chỉ đạt 30-50%. "Nếu đối phương sử dụng UAV giá rẻ giả lập tín hiệu làm mồi nhử, BVR sẽ trở thành “cú đấm tốn kém vào không khí”, chuyên gia quân sự Justin Bronk nhận định.
Con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong không chiến, dù công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc. Ảnh: Topwar |
Tiến sĩ Lora Saalman, Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đánh giá: "BVR làm thay đổi triết lý chiến tranh: Thay vì tiêu diệt đối phương, nó hướng tới kiểm soát không phận và áp đặt sự răn đe. Tuy nhiên, lịch sử không chiến từ Falklands (1982) đến Nagorno-Karabakh (2020) chứng minh: Công nghệ dù cao đến đâu cũng không thể thay thế kỹ năng của phi công và chiến thuật linh hoạt”.
BVR sẽ tiếp tục là một chiến thuật tác chiến không quân, nhưng để làm chủ nó, các quốc gia buộc phải cân bằng giữa đầu tư công nghệ và con người. Đây bài toán không dễ có lời giải!
TUẤN SƠN (tổng hợp)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.
Nguồn: https://baodaknong.vn/khong-chien-ngoai-tam-nhin-va-ky-nang-cua-phi-cong-trong-tac-chien-khong-quan-hien-dai-252182.html
Bình luận (0)