Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không còn phòng Giáo dục - Đào tạo, quản lý dạy thêm, học thêm có gì khác?

Hiện nay cả nước áp dụng chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), không còn phòng Giáo dục - Đào tạo thuộc cấp huyện. Vậy việc phụ trách quản lý dạy thêm, học thêm có gì khác?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên15/07/2025

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 hướng dẫn tổ chức dạy thêm, học thêm đúng quy định. Đồng thời, Thông tư 29 cũng quy định rõ trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm của UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT, UBND cấp huyện, phòng Giáo dục - Đào tạo, UBND cấp xã, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục và các cơ sở dạy thêm, học thêm.

Từ ngày 1.7.2025, áp dụng chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước, không còn phòng Giáo dục - Đào tạo thuộc cấp huyện. Bạn đọc quan tâm vậy trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm do những cơ quan, đơn vị nào thực hiện?

Không còn Phòng Giáo dục - Đào tạo, quản lý dạy thêm học thêm có gì khác? - Ảnh 1.

Học sinh ra về tại một trung tâm dạy thêm học thêm tại TP.HCM

ẢNH: NHẬT THỊNH

UBND cấp xã có nhiều thẩm quyền trong quản lý dạy thêm, học thêm

Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 12.6.2025, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 (gọi tắt là Thông tư số 10) quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông.

Việc tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm được quy định tại điều 16 của Thông tư số 10.

Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định: "Thẩm quyền quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường quy định tại điều 10 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12. 2024 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm  do UBND cấp xã thực hiện".

Đồng thời, điều 11, điều 12 tại Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm được Bộ GD-ĐT bãi bỏ. (Điều 11 quy định trách nhiệm của phòng Giáo dục - Đào tạo. Còn điều 12 quy định trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định dạy thêm học thêm; cũng như thực hiện chỉ đạo của UBND cấp huyện theo quy định khoản 3 điều 10 Thông tư 29).

Bên cạnh đó, căn cứ theo Thông tư số 10, có một số từ ngữ được điều chỉnh tại Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT.

Cụ thể, thay thế cụm từ "Ủy ban nhân dân các cấp" bằng cụm từ "Ủy ban nhân dân cấp xã"; cụm từ "các cơ quan quản lý giáo dục" bằng cụm từ "cơ quan quản lý giáo dục" tại điểm a khoản 2 điều 8; từ "huyện" bằng từ "xã"; cụm từ "phòng Giáo dục và Đào tạo" bằng cụm từ "Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu" tại tiêu đề và mục ghi chú số 4 của mẫu số 03 tại Phụ lục; bỏ cụm từ "Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã" tại khoản 3 điều 10 của Thông tư 29.

Không còn Phòng Giáo dục - Đào tạo, quản lý dạy thêm học thêm có gì khác? - Ảnh 2.

Học sinh TP.HCM ra về sau giờ ôn tập tại trung tâm dạy thêm, học thêm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Phụ huynh mong việc quản lý dạy thêm, học thêm tiếp tục được sát sao, không 'bắt cóc bỏ đĩa'

Từ ngày 14.2.2025, Thông tư 29 quy định dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT chính thức có hiệu lực. Theo các thông tư của Bộ GD-ĐT, bên cạnh trách nhiệm quản lý của UBND cấp tỉnh, sở GD-ĐT, UBND cấp xã, việc quản lý dạy thêm, học thêm còn có trách nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục, các cơ sở dạy thêm học thêm.

Từ 1.7.2025, khi chính quyền địa phương 2 cấp được áp dụng trên cả nước, phụ huynh mong việc quản lý dạy thêm, học thêm đúng quy định tiếp tục được sát sao, không buông lỏng, không "bắt cóc bỏ đĩa".

Đồng thời, cần thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được nêu rõ tại Thông tư 29: "Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước theo quy định của pháp luật; Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước các cấp theo phân cấp".

Và "Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật".

Nguồn: https://thanhnien.vn/khong-con-phong-giao-duc-dao-tao-quan-ly-day-them-hoc-them-co-gi-khac-185250715134028846.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm