Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không để địa phương nào “trống" trận địa khi thiên tai xảy ra

Bên lề hội nghị toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự chiều 24-7, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn nhanh với đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, về công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Hà Nội MớiHà Nội Mới24/07/2025

ha-noi-pho-chu-tich-nguyen-manh-quyen.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu UBND thành phố. Ảnh: Kim Nhuệ

- Thưa đồng chí, từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã thực hiện công tác phòng, chống thiên tai như thế nào và kết quả nổi bật là gì?

- Thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã chỉ đạo sát sao, quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là của đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố.

Thành phố đã sớm ban hành các phương án phòng, chống thiên tai; kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp; tổ chức tập huấn, diễn tập theo tình huống giả định. Trong đợt bão số 3 (Wipha) vừa qua, nhờ chủ động phương án và sự vào cuộc đồng bộ, thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể. Các xã, phường trọng điểm thiên tai đã triển khai kịp thời phương án sơ tán, cứu hộ, bảo vệ đê điều, kiểm soát ngập úng và không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng.

- Trước diễn biến mới của cơn bão số 4 và đợt mưa lớn đang xảy ra, thành phố đang triển khai những biện pháp gì, thưa đồng chí?

- UBND thành phố yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường trực 24/24 giờ, chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu, rà soát phương án sơ tán dân, bảo vệ trọng điểm đê điều, trạm bơm, hồ chứa.

Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, bảo đảm phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Những khu vực có nguy cơ cao đã được chỉ đạo cắm biển cảnh báo, lên phương án ứng cứu và chủ động thông tin tới người dân.

- Năm 2024 và 7 tháng đầu năm nay, thiên tai diễn biến rất phức tạp, để lại nhiều bài học kinh nghiệm, Thủ đô đã rút ra điều gì từ thực tiễn đó thưa đồng chí?

- Bài học sâu sắc nhất là không được lơ là, chủ quan trong bất kỳ tình huống nào. Thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường. Năm 2024, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại một số địa phương; kéo theo đó là đợt mưa lớn kéo dài, gây sạt lở, ngập úng sâu tại vùng trũng. Năm nay, ngay trong tháng 7, Thủ đô chịu ảnh hưởng của bão số 3, hiện đang chủ động ứng phó với bão số 4.

Từ thực tiễn đó, thành phố đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó sát với điều kiện thực tế, điều chỉnh phương án ứng cứu theo từng đợt mưa bão. Các xã, phường mới thành lập dù còn khó khăn nhưng đã có bước chuẩn bị tích cực, phản ứng linh hoạt.

- Thưa đồng chí, Hà Nội đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thích ứng với mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong công tác phòng, chống thiên tai?

pho-chu-tich-nguyen-manh-quyen.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao đổi về công tác phòng, chống thiên tai của Hà Nội trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Kim Nhuệ

- Ngay sau khi hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, xã, phường rà soát các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã. Đến nay, 100% xã, phường đã kiện toàn xong Ban Chỉ huy, điều chỉnh kế hoạch, phương án sát thực tế địa bàn mới; phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với từng cấp độ rủi ro thiên tai.

Đây là yếu tố then chốt để bảo đảm không để địa phương nào “trống trận” khi thiên tai xảy ra.

- Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, thành phố có điều chỉnh gì về cơ chế chỉ huy, điều hành, thưa đồng chí?

- Đây là điểm rất mới và thành phố đã chuẩn bị kỹ. Chúng tôi đã giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham mưu thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, trong đó Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy thành phố. Các sở, ngành xây dựng phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì. Khi xảy ra tình huống thiên tai, các sở, ngành được giao nhiệm vụ sẽ kích hoạt các phương án, kế hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư và cập nhật số liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung để khi có tình huống xảy ra có thể điều động ngay.

- Thành phố có những định hướng gì để củng cố năng lực phòng, chống thiên tai ở cơ sở trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Trước mắt, chúng tôi tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu số hóa toàn diện về thiên tai, như bản đồ ngập lụt, đê điều, sơ tán dân; dữ liệu lực lượng, vật tư, trang thiết bị ứng phó tại từng xã, phường. Đây là công cụ quản lý, điều hành hiệu quả trong bối cảnh mô hình chính quyền mới.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, hỗ trợ xây dựng kho vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời kiến nghị Trung ương đầu tư nâng cấp công trình trọng yếu, trạm bơm tiêu, kênh tiêu, đê điều và hệ thống cảnh báo sớm đến từng hộ dân.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: https://hanoimoi.vn/khong-de-dia-phuong-nao-trong-tran-dia-khi-thien-tai-xay-ra-710269.html


Chủ đề: Thiên taihà nội

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm