Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không vi phạm vẫn 'dính' phạt nguội, làm gì để tránh mất tiền oan?

Không trực tiếp vi phạm Luật Giao thông nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn bất ngờ khi nhận thông báo phạt nguội từ cơ quan chức năng. Trong trường hợp này, cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cá nhân và tránh mất tiền oan?

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An28/05/2025

Gần đây, nhiều chủ phương tiện bất ngờ nhận được thông báo phạt nguội dù bản thân không điều khiển xe vào thời điểm vi phạm. Có trường hợp cho người khác mượn hoặc gửi ô tô ở gara sửa chữa, thậm chí bị xe khác sử dụng biển số giả... dù không trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm, thông báo xử phạt vẫn được gửi về người đứng tên trên Giấy đăng ký xe.

Tình huống này khiến không ít người hoang mang, đặt câu hỏi liệu mình có phải nộp phạt hay không và cần làm gì để bảo vệ quyền lợi khi có dấu hiệu bị phạt oan?

Nhận thông báo phạt nguội nhưng không vi phạm, cần làm gì?

Theo luật sư Trần Thị Như Mai - Công ty Luật TNHH Trọng Êm và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong những trường hợp người nhận thông báo vi phạm nhưng không trực tiếp điều khiển phương tiện, chủ phương tiện có quyền đề nghị cơ quan công an xác minh lại. Để làm rõ, chủ phương tiện cần liên hệ trực tiếp Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, thành phố nơi gửi thông báo để yêu cầu xem lại hình ảnh hoặc dữ liệu vi phạm đã được camera ghi nhận.

Không vi phạm vẫn 'dính' phạt nguội, làm gì để tránh mất tiền oan? - Ảnh 1.

Chủ phương tiện có quyền đề nghị cơ quan công an xác minh lại nếu cảm thấy bị phạt nguội oan.

Ảnh: V.P

Nếu hình ảnh từ camera ghi lại cho thấy người điều khiển phương tiện không phải là chủ xe, hoặc chủ xe có bằng chứng bản thân không vi phạm vào thời điểm đó thì cần cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin và chứng cứ liên quan để chứng minh. Trường hợp nghi ngờ xe bị làm giả biển số, chủ phương tiện có thể yêu cầu cơ quan chức năng xác minh hình ảnh để làm rõ vụ việc.

Theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Đồng thời, cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để chứng minh mình không thực hiện hành vi vi phạm đó.

Do đó, khi cho rằng, bản thân không vi phạm nhưng vẫn nhận được thông báo phạt nguội, chủ phương tiện có quyền và nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh. Việc hợp tác không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn giúp xác định, xử lý "đúng người, đúng tội".

Dù Nghị định 168/2024/NĐ-CP hiện hành đã không còn giữ quy định tại Khoản 8, Điều 80 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP (vốn yêu cầu chủ xe phải đến làm việc để xác định người vi phạm), nhưng không có nghĩa là người nhận thông báo có thể phớt lờ. Nếu không có sự phối hợp, quá trình xử lý sẽ không thể xác minh rõ, dẫn đến việc lỗi vi phạm vẫn được cập nhật và gây ảnh hưởng khi đăng kiểm hoặc sang tên đổi chủ phương tiện.

Việc bị phạt nguội oan là vấn đề thực tế có thể xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn cho phép người dân chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng cách khiếu nại, cung cấp bằng chứng và yêu cầu xác minh. Sự phối hợp kịp thời, đúng quy định giúp đảm bảo công bằng trong xử phạt hành chính.

Nguồn: https://baonghean.vn/khong-vi-pham-van-dinh-phat-nguoi-lam-gi-de-tranh-mat-tien-oan-10298375.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm