Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiến nghị xem lại mức khoán chi để xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Các đại biểu thảo luận sôi nổi về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đa số các đại biểu đề nghị phải bổ sung thêm đối tượng được hưởng trợ cấp từ nghị quyết, đề nghị quan tâm tới đội ngũ cán bộ thực hiện xây dựng văn bản pháp luật cấp địa phương....

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng16/05/2025

Cần xem lại quy định khoán chi

Sáng 16-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay những cán bộ tham gia trực tiếp xây dựng văn bản pháp luật, tham mưu xây dựng pháp luật rất quan trọng, công việc rất nhiều, đi kèm với đó là các chính sách ưu đãi với đối tượng này.

"Chính sách này được ban hành sẽ kích thích trách nhiệm làm việc của người cán bộ, tránh tình trạng xen kẽ đưa lợi ích nhóm vào chính sách, hoặc xây dựng chính sách pháp luật không ngay ngắn", ĐB nhận định.

PhamVan Hoa.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đi vào cụ thể góp ý, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết, ông cũng ủng hộ việc ngân sách chi hàng năm không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách cho công tác xây dựng văn bản pháp luật, tùy theo từng thời kỳ. Tuy vậy, ĐB băn khoăn về đối tượng được khoán chi được cho là cao trong dự thảo. Theo ĐB, việc khoán chi ở mức 20 tỷ đồng để xây dựng bộ luật mới là cao, điều này cần cân nhắc.

"Đã là cán bộ trực tiếp, đã có chế độ trong công việc mà lại được khoán chi, tôi đồng tình cần có khoán chi, nhưng cân nhắc khoán chi tới 20 tỷ đồng để xây bộ luật mới là hơi cao. Hay như xây dựng văn bản bổ sung, sửa đổi một số điều mà được khoán chi tới 9 tỷ đồng hoặc ban hành nghị định của Chính phủ, chỉ mấy điều Quốc hội giao mà hưởng tới mấy tỷ đồng là không hợp lý", ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị cần thể chế hóa công tác phòng chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật; đồng thời bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương nêu, việc quy định đối tượng được hưởng chính sách đặc biệt trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật cần được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật để xác định đầy đủ vai trò của các đối tượng. ĐB cũng đề nghị xem xét quy định nguyên tắc mức hưởng, hỗ trợ tương ứng với khả năng, kinh nghiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong xây dựng pháp luật.

Đề nghị bổ sung cơ chế đột phá thực thi pháp luật

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, việc có quy định thành lập quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách ngoài ngân sách hoạt động không vì lợi nhuận sẽ đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo tính linh hoạt cho các đề án, dự án mà không được nhà nước cấp kinh phí.

Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực, bởi trên thực tế chúng ta đã thành lập một số quỹ ngoài ngân sách, nhưng khó huy động và triển khai, thực hiện chưa hiệu quả. Cùng với đó, ĐB Nga đề nghị Chính phủ có quy định rõ ràng hợp lý về tỷ lệ, giới hạn sử dụng nguồn tài chính ngân sách Nhà nước trong nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật để đảm bảo cân đối trong sử dụng nguồn lực tài chính.

VietNga.jpg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung thêm 2 đối tượng được hỗ trợ hàng tháng khi xây dựng văn bản pháp luật là đại biểu hoạt động chuyên trách và công chức hoạt động chuyên trách HĐND tỉnh của Ban Pháp chế, Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa và Xã hội, vì họ cũng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo lĩnh vực được phân công; thứ hai, đó là Chánh Văn phòng, 1 Phó Văn phòng phụ trách lĩnh vực công tác Quốc hội và công chức Phòng Công tác Quốc hội.

Tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐB Nguyễn Duy Minh (TP Đà Nẵng) cho biết, trong dự thảo nghị quyết dường như mới tập trung các cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật, còn công tác tổ chức thi hành pháp luật - một trong những khâu yếu hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế chính sách để giải quyết.

Do đó, ĐB Nguyễn Duy Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế, chính sách đột phá để tổ chức thi hành pháp luật tốt hơn. ĐB cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là các ban thuộc HĐND, công chức văn phòng tham mưu, giúp việc cho đoàn đại biểu Quốc hội vào đối tượng được hưởng chế độ chính sách trong dự thảo Nghị quyết.

TU PHAP.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, sẽ cùng với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị quyết một cách có chất lượng, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/kien-nghi-xem-lai-muc-khoan-chi-de-xay-dung-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-post795512.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm