Ông Lê Minh Nhân, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBMTTQVN, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Huế

Sau khi sáp nhập vào Ủy ban MTTQVN thành phố Huế, bộ máy tổ chức của LĐLĐ thành phố đã được tinh gọn ra sao? Những thay đổi nào là đáng chú ý nhất, thưa ông?

Bộ máy tổ chức của LĐLĐ thành phố Huế được sắp xếp tinh gọn, tập trung hợp nhất các đầu mối, giảm sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hiện không còn phòng, ban riêng lẻ; toàn thể gọi chung là Ban Công tác công đoàn. Đáng chú ý, không còn mô hình công đoàn cấp huyện, công đoàn ngành địa phương và công đoàn khu kinh tế, khu công nghiệp. Công đoàn chủ yếu tập trung hoạt động tại doanh nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng lương 100% từ ngân sách nhà nước; đồng thời điều chỉnh biên chế phù hợp với mô hình mới nhưng vẫn đảm bảo chức năng, nhiệm vụ cốt lõi. Chúng tôi đã trình đề án thành lập công đoàn tại các xã, phường để tăng cường kết nối tại cơ sở.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức Công đoàn đã tác động như thế nào đến quá trình triển khai, nhất là tại các công đoàn cơ sở (CĐCS)? Có những yếu tố nào hỗ trợ và những vấn đề nào cần được lưu ý, tháo gỡ?

Thuận lợi lớn nhất là tổ chức Công đoàn thống nhất cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác, tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tuy nhiên, địa bàn rộng, đối tượng đa dạng nên LĐLĐ thành phố phải quản lý trực tiếp CĐCS trong khi chưa thành lập được công đoàn xã, phường làm cầu nối cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Một số cán bộ còn thiếu kinh nghiệm khi chuyển vị trí, nhiệm vụ; một số CĐCS còn lúng túng trong phương thức hoạt động mới, cần thêm thời gian để thích ứng.

Trước những thay đổi về tổ chức, LĐLĐ thành phố đã có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi, ổn định tâm lý cho cán bộ, đoàn viên bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp, tinh gọn?

Mọi sự thay đổi tổ chức đều tác động đến con người. Việc sắp xếp lại hệ thống công đoàn làm thay đổi nhiệm vụ, vị trí công tác, đòi hỏi thích nghi với phương thức hoạt động mới. Ngay từ đầu, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị, họp chuyên đề giải thích rõ lộ trình, mục tiêu, lợi ích lâu dài của việc sắp xếp. Đồng thời, chúng tôi rà soát kỹ từng vị trí, cá nhân để bố trí phù hợp, phát huy thế mạnh, hỗ trợ chuyển đổi trạng thái, thích ứng với điều kiện mới. Đối với trường hợp có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, LĐLĐ thành phố phối hợp các cơ quan chức năng giải quyết hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi công tác. Chính sự minh bạch, cầu thị đã giúp đội ngũ cán bộ nhanh chóng ổn định tâm lý, thích nghi với môi trường mới.

Ngay sau khi kiện toàn tổ chức, LĐLĐ thành phố đã triển khai những giải pháp cụ thể nào nhằm đảm bảo hoạt động công đoàn không bị gián đoạn và tiếp tục phát huy vai trò kết nối với người lao động?

Tinh gọn bộ máy là cần thiết, nhưng điều quan trọng là giữ được “mạch sống” của phong trào công đoàn, các hoạt động gắn bó mật thiết với người lao động như đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, tổ chức phong trào thi đua, hỗ trợ đoàn viên khó khăn… Ngay sau sắp xếp, LĐLĐ thành phố đã rà soát, phân công lại cán bộ phụ trách lĩnh vực, tổ chức các đoàn công tác nắm tình hình, đời sống việc làm, thu nhập, thực hiện chế độ chính sách tại các doanh nghiệp để đảm bảo hoạt động CĐCS không bị gián đoạn. Các bộ phận chuyên trách được thiết kế lại sát thực tiễn, tập trung hỗ trợ CĐCS thực hiện nhiệm vụ. Các hoạt động giám sát, phong trào thi đua yêu nước, tuyên dương điển hình, tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS… vẫn duy trì đều đặn. Các chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động vào dịp lễ, kỷ niệm, ngày thành lập Công đoàn vẫn triển khai đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ và phù hợp tình hình thực tiễn.

Trước yêu cầu đổi mới, Công đoàn thành phố Huế sẽ tập trung vào những nội dung gì để tiếp tục là lực lượng tiên phong trong chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động?

Trọng tâm sắp tới là nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể; thương lượng tiền lương, đối thoại tại nơi làm việc, tăng cường chăm lo đời sống vật chất - tinh thần cho đoàn viên. Chúng tôi cũng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thích ứng, hỗ trợ người lao động trong bối cảnh việc làm biến động. Phong trào công đoàn tiếp tục đổi mới theo hướng thực chất, thiết thực và gần gũi hơn với đoàn viên.

Trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, LĐLĐ thành phố đã và sẽ ứng dụng các nền tảng công nghệ như thế nào để kịp thời nắm bắt tâm tư người lao động và xây dựng chính sách sát thực tiễn, hiệu quả hơn?

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động công đoàn hiện nay. LĐLĐ thành phố đã triển khai các công cụ khảo sát trực tuyến để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người lao động, làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn. Đồng thời, chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu về CĐCS, đoàn viên để quản lý, kết nối hiệu quả hơn. Các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook cùng phần mềm điều hành nội bộ đã được ứng dụng tăng cường tương tác, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian phản hồi, ra quyết định sát thực tế hơn. LĐLĐ thành phố tiếp tục cập nhật, tích hợp các giải pháp công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong thời đại số.

Xin cảm ơn ông!

HẢI THUẬN (thực hiện)

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/kien-toan-to-chuc-dam-bao-mach-hoat-dong-cong-doan-156129.html