Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế tư nhân vùng cao, kỳ vọng bứt phá từ ‘Bộ tứ Nghị quyết’

(Chinhphu.vn) - Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ, các hội doanh nhân trẻ từ Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Tuyên Quang và Lạng Sơn đã thẳng thắn phản ánh khó khăn, đồng thời kiến nghị giải pháp thực thi hiệu quả "Bộ Tứ Nghị quyết".

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ13/07/2025

Kinh tế tư nhân vùng cao, kỳ vọng bứt phá từ ‘Bộ tứ Nghị quyết’- Ảnh 1.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ, vòng đối thoại địa phương - Ảnh: VGP/HT

Kinh tế tư nhân - nền tảng cho tăng trưởng vùng biên

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân miền núi Đông Bắc Bộ, vòng đối thoại địa phương ngày 13/7 đã diễn ra sôi nổi, quy tụ hơn 100 doanh nhân trẻ từ các tỉnh Đông Bắc bộ và cả nước.

Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh đã mang đến bức tranh toàn cảnh về khát vọng đổi mới, phát triển của khu vực kinh tế tư nhân miền núi. Nổi bật là vai trò dẫn dắt của "Bộ Tứ Nghị quyết" gồm Nghị quyết 57 (về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo), Nghị quyết 59 (hội nhập quốc tế), Nghị quyết 66 (cải cách pháp luật) và Nghị quyết 68 (phát triển kinh tế tư nhân).

Ông Nguyễn Văn Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn (cũ) khẳng định: Chuyển đổi số chính là "con đường ngắn nhất" để địa phương rút ngắn khoảng cách phát triển. Nghị quyết 57 đã được cụ thể hóa thông qua ứng dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm địa phương như miến dong, trà bí xanh hay việc đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế cũng giúp doanh nghiệp địa phương từng bước tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến đầu tư cấp vùng, hội chợ chuyên ngành được đánh giá là cầu nối hiệu quả để doanh nghiệp nhỏ bắt nhịp thị trường lớn.

Tuy nhiên, điểm then chốt vẫn là Nghị quyết 68 - "trái tim" của Bộ tứ. Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn nhấn mạnh cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ bằng kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực rõ ràng, tránh để chính sách bị "chôn vùi" dưới lớp thủ tục.

Còn ông Đàm Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng chia sẻ: Với đặc điểm địa lý vùng cao biên giới, Cao Bằng có tỷ lệ lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và công nghệ. Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng thẳng thắn chỉ ra điểm nghẽn lớn là thiếu doanh nghiệp đầu tàu, khiến các doanh nghiệp nhỏ không thể bám vào chuỗi giá trị.

Trong khi đó, hệ thống logistics và hạ tầng số tại cửa khẩu còn nhiều bất cập, làm giảm năng lực cạnh tranh. Nghị quyết 68 được kỳ vọng khơi dậy niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng nếu thiếu hành động cụ thể thì những lợi thế từ nghị quyết này sẽ không thể phát huy.

Hội đề xuất 5 trụ cột để cải thiện tình hình, đó là hoàn thiện pháp lý, đầu tư hạ tầng số, hỗ trợ tài chính đặc thù, thu hút doanh nghiệp đầu tàu và phát triển nhân lực theo nhu cầu địa phương.

Kinh tế tư nhân phải song hành với đạo đức doanh nhân

Ông Đỗ Văn Định, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Tuyên Quang đặt vấn đề: Muốn phát triển startup miền núi, cần trả lại sự công bằng trong thực thi chính sách. Theo đó, các startup địa phương đang bị "lấn sân" bởi chính các tập đoàn lớn - những đơn vị vốn được giao nhiệm vụ dẫn dắt đổi mới sáng tạo quốc gia.

Nghị quyết 57 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng, nhưng thực tế cho thấy chỉ có dưới 5% startup hoạt động ở khu vực trung du và miền núi. Do đó, rất cần môi trường phát triển thuận lợi, có thêm sân chơi thử nghiệm, hỗ trợ tài chính và cơ hội tiếp cận thị trường.

Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Tuyên Quang nhấn mạnh, bên cạnh chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cần xây dựng văn hóa kinh doanh bền vững. Hệ sinh thái kinh doanh không thể phát triển nếu tồn tại doanh nghiệp "ma", doanh nghiệp trục lợi chính sách, lách luật hoặc sản xuất hàng kém chất lượng.

Với khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Tuyên Quang cho rằng ba yếu tố (chính sách phù hợp, hạ tầng đủ mạnh và niềm tin vào môi trường kinh doanh) là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng. Hội đề xuất 5 nhóm giải pháp cụ thể từ thể chế, tín dụng, đất đai đến đào tạo nhân lực và đổi mới sáng tạo.

Dưới góc nhìn của một địa phương đã đi qua nhiều giai đoạn phát triển, ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhận định: Nghị quyết 68 là bước ngoặt lịch sử, đặt mục tiêu cụ thể về tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP, ngân sách và việc làm.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất không nằm ở tư duy hay văn bản, mà ở thực thi. Hội chỉ ra 3 lực cản: thể chế không đồng nhất giữa trung ương và địa phương; thị trường trong nước bị các chuỗi phân phối lớn chiếm lĩnh; doanh nghiệp nhỏ không đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng.

Một điểm đáng chú ý là yêu cầu về "tính tuân thủ". Nếu doanh nghiệp nhỏ không minh bạch tài chính, không nâng cấp quản trị, thì sẽ bị loại khỏi sân chơi chính thống khi chính sách được triển khai đồng bộ.

Hội đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm giám sát liên ngành, ưu tiên xúc tiến thương mại và thay đổi tư duy chính sách từ "hỗ trợ" sang "tin tưởng".

Kinh tế tư nhân vùng cao, kỳ vọng bứt phá từ ‘Bộ tứ Nghị quyết’- Ảnh 2.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu - Ảnh: VGP/HT

Đại diện chính quyền, ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là động lực quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ, khai thác tiềm năng vùng biên.

Chương trình đối thoại là một phần trong chuỗi ba vòng kết nối của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, bao gồm cấp địa phương, cấp bộ/ngành và cấp cao. Đây là cầu nối trực tiếp giữa thực tiễn kinh doanh và hoạch định chính sách, cho phép cộng đồng doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc, đồng thời đề xuất chính sách sát thực tiễn.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của 4 Nghị quyết lớn của Trung ương không chỉ định hướng chiến lược quốc gia mà còn mở ra cơ hội thay đổi toàn diện phương thức phát triển cho các địa phương như Lạng Sơn.

Ông Đoàn Thanh Sơn đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, xem đây là cơ sở để địa phương hoàn thiện chính sách và cải thiện môi trường đầu tư. Ông Sơn mong muốn doanh nhân trẻ trong tỉnh mạnh dạn chia sẻ đề xuất, đồng thời tăng cường năng lực chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững.

Trong những năm qua, kinh tế Lạng Sơn đã có bước tăng trưởng tích cực. GRDP năm 2024 đạt 7,8%, riêng 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,37% – vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt trên 80% kế hoạch, còn kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt hơn 40,5 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò rất lớn. Mỗi năm, khu vực này góp khoảng 63% GRDP của tỉnh và 15% thu ngân sách.

Đáng chú ý, Lạng Sơn còn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 4/2025, mở ra triển vọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Với khí hậu ôn hòa, địa hình đặc thù và truyền thống văn hóa lâu đời, tỉnh hội tụ đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp đặc sản, du lịch cộng đồng và công nghiệp chế biến.

Về quy hoạch công nghiệp, tỉnh đã phê duyệt 2 khu công nghiệp lớn là Đồng Bành (162 ha) và VSIP Lạng Sơn (599 ha), cùng 9 cụm công nghiệp với tổng diện tích 373 ha. Mục tiêu đến năm 2030 là hình thành 7 khu công nghiệp (2.055 ha) và 24 cụm công nghiệp (1.158 ha).

Chính quyền tỉnh đang đẩy nhanh triển khai Đề án cửa khẩu thông minh theo định hướng Chính phủ, coi đây là đột phá trong cải cách thủ tục và tăng năng lực thông quan. Các nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng đã ghi nhận kết quả tích cực: Lạng Sơn liên tục duy trì vị trí Top 30 trong 63 tỉnh, thành phố, với thứ hạng 13, 15, 16 trong ba năm gần đây.

Song song với phát triển hạ tầng, tỉnh cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ và thị trường. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết việc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, sẽ là tiêu chí quan trọng để điều chỉnh chính sách, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và sát nhu cầu.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng đưa ra 3 kiến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy vai trò kinh tế tư nhân. Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nhân trẻ, cần chủ động đổi mới mô hình kinh doanh, tích cực chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng; thứ hai, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cần phát huy vai trò nòng cốt trong kết nối, hỗ trợ hội viên, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong giới trẻ; thứ ba, các cơ quan chức năng cần đồng hành cùng DN trong tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến đầu tư. Chính quyền cam kết lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo cải cách.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng hệ sinh thái đầu tư thân thiện, minh bạch và năng động. Đây là lời khẳng định rằng Lạng Sơn không chỉ là điểm đến, mà còn là đối tác chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình phát triển bền vững quốc gia.

Anh Minh


Nguồn: https://baochinhphu.vn/kinh-te-tu-nhan-vung-cao-ky-vong-but-pha-tu-bo-tu-nghi-quyet-102250713191457531.htm


Chủ đề: Tù nhân

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm