Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong ảnh: một chung cư tích hợp nhà ở xã hội và thương mại tại quận 8, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sửa Hiến pháp 2013, sửa đổi các luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cùng nhiều nội dung khác.
Sửa những gì trong Hiến pháp 2013?
Theo dự kiến, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ nghe tờ trình, thảo luận tại tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình gửi đại biểu và sẽ báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc về nội dung sửa Hiến pháp. Cụ thể theo tờ trình, việc sửa đổi sẽ tập trung vào hai nhóm nội dung.
Thứ nhất, các quy định của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, bảo đảm hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn.
Thứ hai, các quy định tại chương 9 của Hiến pháp để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (gồm cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện). Đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Số điều của Hiến pháp có khả năng sửa đổi khoảng 8/120 điều.
Tại báo cáo rà soát, đánh giá việc thực hiện một số quy định của Hiến pháp 2013 về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đưa ra các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Theo đó, với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều của Hiến pháp 2013 theo hướng sửa đổi, bổ sung điều 9 quy định bao quát, toàn diện hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên theo mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp.
Theo đó, dự kiến được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định khái quát các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam nhưng vẫn giữ tính độc lập tương đối.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sửa đổi, bổ sung điều 10 để bảo đảm kế thừa vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, thống nhất với điều 9 sau sửa đổi, bổ sung, quy định về vai trò đại diện người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế. Sửa đổi, bổ sung điều 84 theo hướng không tiếp tục quy định các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật, pháp lệnh...
Với chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 110. Cụ thể theo hướng không quy định chi tiết hệ thống đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị theo ba cấp, mà chỉ quy định khái quát hai cấp là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ quy định cụ thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh (xã, phường, đặc khu) để đáp ứng yêu cầu thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính kỹ thuật tại các điều 111, 112, 114, 115 theo hướng không sử dụng thuật ngữ "cấp chính quyền địa phương" để thể hiện tính thống nhất mô hình (gồm HĐND và UBND), tránh nhầm lẫn, chỉnh lý quy định phù hợp mô hình tổ chức mới.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp lộ trình sắp xếp.
Dữ liệu: THÀNH CHUNG - Trình bày: N.KH
Xem xét, quyết định sáp nhập từ 63 xuống 34 tỉnh thành
Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nội dung này được đánh giá rất quan trọng, lịch sử khi dự kiến sẽ "vẽ lại bản đồ Việt Nam".
Theo nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương 11 đã thống nhất chủ trương sáp nhập từ 63 tỉnh, thành phố còn 34 tỉnh thành (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Trong số này có 11 tỉnh thành giữ nguyên trạng, còn lại 54 tỉnh thành dự kiến sáp nhập, hợp nhất còn 23 tỉnh thành.
Bà Nguyễn Phương Thủy cho hay ngay sau khi Trung ương có nghị quyết 60 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 76 về sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2025. Tại nghị quyết này đã quy định cụ thể về nguyên tắc, yêu cầu, xây dựng đề án liên quan sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn các địa phương thực hiện.
"Trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ hoàn thiện các đề án gửi đến Quốc hội. Trước khi Quốc hội xem xét thì Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ tổ chức thẩm tra. Dự kiến, trong đợt 2 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các đề án sáp nhập cấp tỉnh và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đề án sáp nhập cấp xã.
Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành các nghị quyết sắp xếp đơn vị cấp xã gắn với 34 tỉnh thành hình thành sau sắp xếp. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương triển khai công tác hoàn thiện tổ chức bộ máy, tiến hành các công việc, ổn định, tổ chức đại hội Đảng các cấp", bà Thủy thông tin thêm.
Lấy ý kiến toàn dân về sửa Hiến pháp trong một tháng
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra - Ảnh: HỮU HẠNH
Bà Thủy thông tin sau khi Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 được thành lập sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết. Dự thảo sẽ được công bố lấy ý kiến toàn dân.
Dự kiến từ ngày 6-5, tức sau khi Ủy ban được thành lập sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến trong khoảng một tháng. Ủy ban sẽ tổng hợp tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu tại kỳ họp để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết chậm nhất trước ngày 26-6, làm cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương hai cấp.
Trong lần lấy ý kiến nhân dân lần này, Chính phủ đề xuất ngoài hình thức tổ chức lấy ý kiến truyền thống, có thể áp dụng hình thức tham gia ý kiến, lấy ý kiến thông qua app VNeID...
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/ky-hop-thu-9-cua-quoc-hoi-ve-lai-ban-do-dinh-hinh-tuong-lai-20250505080653496.htm
Bình luận (0)