Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ tích hạ tầng giao thông Quảng Nam

Hơn 28 năm sau ngày tái lập, Quảng Nam đã đạt những kỳ tích trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Thành tựu ấy ghi dấu ấn đậm nét của bao thế hệ cán bộ, nhân dân xứ Quảng.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam28/05/2025

ẢNH 1
Cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia, nối vùng B với gần trung tâm huyện Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ

Vận dụng nguồn Trung ương

Sau ngày tái lập, Quảng Nam đối mặt bao bộn bề gian khó, lo toan. Nguồn lực để đầu tư cho “huyết mạch” của nền kinh tế là hạ tầng giao thông rất hạn chế. Xác định muốn phát triển, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, trên cơ sở quy hoạch phù hợp.

Nhiều con đường nội thị tỉnh lỵ hình thành, điển hình như đường Hùng Vương - tuyến kiểu mẫu của việc đầu tư mang tính chiến lược. Kiểu mẫu là bởi chọn cách đầu tư vừa thức thời với dòng vốn ít ỏi, nhưng vừa lâu dài khi chừa mặt cắt dải phân cách giữa đủ diện tích, về sau có điều kiện sẽ mở rộng mặt đường mà không tốn chi phí giải phóng mặt bằng.

Để đầu tư cho hạ tầng giao thông, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân tỉnh đã kiến nghị, đề xuất và vận dụng hiệu quả nguồn lực mà Trung ương hỗ trợ. Điển hình là tuyến đường Võ Chí Công, với điểm nhấn là cây cầu Cửa Đại vươn mình bắc qua sông Thu Bồn như bây giờ.

Dự án cầu Cửa Đại chính thức khởi công xây dựng từ tháng 9/2010; trong đó cầu Cửa Đại dài 1.481m, phần đường dẫn dài 16,8km. Công trình có điểm đầu giao với tuyến ĐT603B (TP.Hội An), điểm cuối tại xã Bình Đào (huyện Thăng Bình).

Tổng mức đầu tư hơn 2.479 tỷ đồng (sau tăng lên 3.450 tỷ đồng); trong đó Trung ương hỗ trợ tỉnh 50% tổng vốn, số còn lại địa phương khai thác quỹ đất và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư.

Ngày 27/3/2016, công trình chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là cơ sở để Quảng Nam tiếp tục triển khai các dự án thành phần đường 129 (nay là đường Võ Chí Công), hoàn thiện “quốc lộ 1 ven biển” kéo dài từ Hội An và đến gần Cảng hàng không Chu Lai.

Nhắc đến cầu Cửa Đại, không thể không nhắc đến hàng loạt cây cầu quy mô lớn xây dựng bắc qua sông Thu Bồn (cầu Cẩm Kim, Văn Ly, Giao Thủy, Sông Thu, Nông Sơn…), sông Vu Gia (cầu An Bình, Tân Đợi…), sông Tam Kỳ (cầu Bàn Thạch, Tam Phú...), sông Cổ Cò (cầu Thôn 3, Nguyễn Duy Hiệu, Nghĩa Tự).

Trong đó, các cây cầu như Cẩm Kim, Văn Ly, Giao Thủy, An Bình đều có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Đáng chú ý, cầu Giao Thủy đã khánh thành vào ngày 24/3/1997 nhằm chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh; cầu An Bình thông xe kỹ thuật nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2025).

Hạ tầng giao thông của Quảng Nam sẽ tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian đến. Theo đó, các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA đang và sẽ triển khai, điển hình như Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam; Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam.

Công trình do Trung ương bố trí vốn và làm chủ đầu tư có Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E. Một công trình khác mà Trung ương phân bổ vốn, giao cho tỉnh làm chủ đầu tư thu hút sự quan tâm của dư luận là Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14D đang thuộc giai đoạn thực hiện các bước hồ sơ thủ tục.

Cộng đồng đồng hành

Hơn 28 năm qua, diện mạo hạ tầng giao thông của Quảng Nam đã “lột xác”. Trục quốc lộ 1 Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đã được nhà đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) mở rộng lên 4-6 làn xe; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác.

ẢNH 2
Nút giao vòng xuyến 2 tầng Chu Lai. Ảnh: CÔNG TÚ

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp có đóng góp quan trọng cho hạ tầng giao thông trên quê hương Quảng Nam. Tiêu biểu có thể kể đến nút giao vòng xuyến 2 tầng Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) do Tập đoàn Trường Hải (THACO) bỏ vốn đầu tư.

Nút giao là một điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, mỹ thuật liên thông cả cao tốc, quốc lộ, đường Võ Chí Công, xuống cảng biển Chu Lai, vượt đường sắt.

Khởi công ngày 10/3/2018, nút giao vòng xuyến 2 tầng Chu Lai có tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Công trình xây dựng cầu xuyến trên tầng 2 đường kính 80m để giải quyết giao cắt với đường sắt cho tất cả hướng ra vào Khu Công nghiệp cơ khí và ô tô Chu Lai - Trường Hải và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; các hướng đi từ đường cao tốc, khu công nghiệp vượt qua đi quốc lộ 1, cảng Chu Lai và ngược lại; đảo xuyến ở phía dưới mặt đất đường kính 50m tại quốc lộ 1 dành cho các hướng đi trên quốc lộ 1 và vào cảng Chu Lai.

Thi công thần tốc, ngày 16/12/2018, lễ khánh thành công trình diễn ra. Điều thật sự ý nghĩa khi công trình này do THACO xây dựng và tặng Quảng Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai.

Từ nút giao vòng xuyến 2 tầng xuống biển, cảng Chu Lai đưa vào hoạt động năm 2012 cũng do THACO đầu tư. Và ngày ra quân đầu năm Ất Tỵ 2025, THACO tổ chức lễ khánh thành bến 5 vạn tấn, cảng quốc tế Chu Lai với tổng vốn đầu tư 1.590 tỷ đồng.

Cảng có vị trí chiến lược, kết nối thông suốt với các tuyến đường huyết mạch của Quảng Nam và khu vực miền Trung. Đây là cửa ngõ quan trọng, kết nối đồng bộ với cả nước theo trục Bắc - Nam và liên vùng quốc tế theo tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cảng là trung tâm trong mô hình vận tải đa phương thức, gồm đường bộ - cảng biển - vận tải biển, kết nối đường sắt và sân bay Chu Lai.

Giao thông trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây muốn liên thông đến các vùng, làm đổi thay bộ mặt làng quê không thể thiếu “cánh tay nối dài” của hệ thống tỉnh lộ, đường huyện và giao thông nông thôn.

Các đề án kiên cố ĐH, kiên cố hóa giao thông nông thôn bài bản, khoa học ra đời đã tiếp tục huy động nguồn lực từ nhân dân, góp phần lớn vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-tich-ha-tang-giao-thong-quang-nam-3155614.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm