Củng cố tuyến y tế cơ sở
Tại điểm y tế Suối Reo (xã Xuân Sơn, TPHCM), chúng tôi ghi nhận công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh dường như tất bật hơn. Ai cũng háo hức, tin rằng những khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là thiếu hụt đội ngũ thầy thuốc của trạm, sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
BS Lê Quang Phước, Trưởng điểm y tế Suối Reo, cho biết: “Xã Suối Reo sáp nhập với xã Sơn Bình, xã Xuân Sơn, được đổi tên thành xã Xuân Sơn. Điểm y tế được trang bị cơ bản về cơ sở vật chất, thuốc… Nhờ vậy, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lượt người tới khám, chữa bệnh, lấy thuốc BHYT. Từ ngày 1-7 đến nay, số lượt người tới thăm khám các bệnh lý mãn tính không lây như cao huyết áp, tiểu đường tăng khoảng 20%”.
BS Lưu Thị Ngọc Hằng, Trưởng Trạm y tế phường Tam Long (thứ 2 từ phải sang), tư vấn sức khỏe cho người nhà bệnh nhi. Ảnh: TRÚC GIANG
Phường Tam Long (trên cơ sở sáp nhập thêm 2 xã Hòa Long và Long Phước của TP Bà Rịa cũ) hiện có 1 trạm y tế và 2 điểm y tế để chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho trên 41.000 người, trong đó tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 11,6% (70% người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính không lây như xương khớp, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thoái hóa cột sống…).
BS Lưu Thị Ngọc Hằng, Trưởng Trạm y tế phường Tam Long, cho biết: 2 ngày qua, số lượt người dân tới trạm khám chữa bệnh tăng nhẹ, trung bình 18-20 lượt/ngày (trước đó khoảng 15 lượt/ngày), vừa để khám bệnh, vừa đổi thẻ BHYT.
“Toàn bộ các loại thuốc tại trạm y tế đều được cấp theo định mức dân số và tình hình bệnh tật thực tế của địa phương, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị tại chỗ cho người dân và sẵn sàng cấp cứu kịp thời trước khi chuyển tuyến nếu cần”, BS Lưu Thị Ngọc Hằng nói.
BS Tôn Thất Các, Giám đốc Trung tâm y tế khu vực Bà Rịa, thông tin, hiện trung tâm có 10 phòng, ban chuyên môn và 10 trạm y tế đang thực hiện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 135.000 dân trên địa bàn. Theo lộ trình sau sáp nhập, trên địa bàn TP Bà Rịa (cũ) được tổ chức lại còn 1 trung tâm y tế khu vực, 3 trạm y tế và 8 điểm y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Ngày 1-7, ngành y tế TPHCM bắt đầu triển khai đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt với 38 trung tâm y tế khu vực, 168 trạm y tế và 296 điểm y tế. Trước mắt, hệ thống y tế thành phố vẫn duy trì 443 trạm y tế phường, xã hiện hữu. Trong thời gian 60 ngày, Sở Y tế TPHCM sẽ chuyển đổi thành 168 trạm y tế phường, xã tương ứng với các phường, xã mới và 296 điểm y tế. Việc sáp nhập không làm giảm vai trò tuyến y tế cơ sở mà ngược lại, tạo điều kiện để củng cố nhân lực, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân”, BS Tôn Thất Các bày tỏ.
Tương tự, người dân tại các phường, xã của TPHCM cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi thay sau hợp nhất. Bà Ngô Thị Tám (55 tuổi, phường Thuận An) đang ngồi chờ lấy kết quả xét nghiệm tại Trung tâm y tế khu vực Thuận An, nói rằng bà rất phấn khởi khi được là công dân mới của thành phố mang tên Bác Hồ. Bà mong muốn sau hợp nhất, hệ thống y tế cơ sở, trong đó có Trung tâm y tế khu vực Thuận An, sẽ được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế đạt chuẩn để người dân đỡ phải chật vật di chuyển vào trung tâm TPHCM khám, chữa bệnh.
Tăng cường liên kết, nâng cao năng lực điều trị
ThS-BS Nguyễn Chí Phong, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Medic Bình Dương, cho rằng, người dân vùng xa, vùng sâu, đặc khu của TPHCM sẽ được tiếp cận các bệnh viện tuyến cuối nhanh hơn, không còn sự phân tuyến ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Để sớm nắm bắt các cơ hội mới, không chỉ Bệnh viện Medic Bình Dương mà các bệnh viện khác cũng đã có kế hoạch tiếp cận, thực hiện ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật và chuyển giao chuyên môn với các bệnh viện tuyến trung ương tại TPHCM, nhằm nâng cao chất lượng thăm khám, điều trị, qua đó góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế ở trung tâm TPHCM.
Có cùng ý kiến, BS-CKII Lâm Tuấn Tú, Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu, cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong tình hình mới, bệnh viện không chỉ nâng cấp, triển khai một số dịch vụ, kỹ thuật mới mà còn cần sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ từ các bệnh viện tuyến cuối của thành phố, nhằm chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch máu não, tim mạch, ung thư, chấn thương chỉnh hình. Một số bệnh trước đây phải chuyển lên tuyến trên để điều trị thì hiện nay có thể thực hiện điều trị tại bệnh viện.
BS-CKII Trần Ngọc Triệu, Phó Giám đốc Sở Y TPHCM, đánh giá, việc hợp nhất với TPHCM là bước ngoặt mang tính chiến lược, mở ra cơ hội lớn để hệ thống y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) hội nhập sâu hơn với nền y tế hiện đại, đồng bộ của TPHCM (mới). Ngành y tế thành phố sẽ triển khai các mô hình bệnh viện vệ tinh, giúp các cơ sở y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tiếp cận và thực hiện được những kỹ thuật tương đương tuyến cuối.
BS-CKII Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin: “TPHCM (cũ) có 1 Trung tâm cấp cứu 115 và 45 trạm cấp cứu vệ tinh. Theo đề án của sở, trong thời gian tiếp theo, ngành tiếp tục mở rộng mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh để đảm bảo bao phủ toàn bộ địa bàn TPHCM. Người dân ở các xã xa nhất của thành phố như xã Minh Thạnh, xã Trừ Văn Thố, xã Phú Giáo… sẽ được hưởng lợi từ mô hình này. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Thuận An (bệnh viện hạng II, có quy mô 320 giường với 16 khoa và 5 phòng chức năng) hàng năm thực hiện khám, chữa bệnh cho hơn 400.000 lượt ngoại trú và trên 20.000 lượt nội trú. Dự báo đến năm 2030, số lượt người khám ngoại trú sẽ tăng lên 800.000/năm và nội trú là 30.000/năm. Vì vậy, thành phố cần nâng cấp bệnh viện từ hạng II lên thành bệnh viện hạng I (quy mô 33 khoa, phòng/500 giường), nhằm giúp TPHCM nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn này".
TS-BS ĐÀO CẢNH TUẤT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện Vạn Phúc City:
Hệ thống y tế mới sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ
TPHCM sẽ có 162 bệnh viện, trong đó 12 bệnh viện bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa và 90 bệnh viện ngoài công lập. Ngoài ra, có gần 9.886 phòng khám chuyên khoa, 351 phòng khám đa khoa và 15.611 nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược.
Dự báo cho thấy, số lượt khám bệnh ngoại trú sẽ tăng từ 42 triệu lên 51 triệu lượt người/năm. Hệ thống y tế mới sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ về chiều sâu, đặc biệt trong chuyển giao kỹ thuật và liên kết mạng lưới y tế vùng, tạo điều kiện cho người dân Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu tại TPHCM. Đặc biệt, sau hợp nhất trở thành TPHCM mới, người bệnh được khám, chữa bệnh không bị giới hạn ranh giới hành chính.
BS LÊ CÔNG THỌ, Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y đặc khu Côn Đảo:
Tổ chức mô hình cấp cứu chuyên dụng
Trung tâm y tế quân dân y đặc khu Côn Đảo là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho trên 12.000 dân và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên huyện đảo; 4.000-4.500 khách du lịch/ngày tới thăm quan, về nguồn, nghỉ dưỡng. Tháng 4 vừa qua, trung tâm đã được khánh thành đưa vào sử dụng cơ sở mới với quy mô 100 giường nội trú (tương đương bệnh viện hạng III), khang trang, tiện nghi, có tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù có trang thiết bị hiện đại, nhưng đội ngũ kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu, nhân lực mỏng nên hiệu quả vận hành chưa tối ưu. Đặc biệt, công tác vận chuyển cấp cứu người bệnh nặng gặp nhiều trở ngại khi trung tâm hiện sử dụng tàu cao tốc và máy bay thương mại vào đất liền. Cả 2 phương tiện đều phụ thuộc vào thời tiết và lịch trình cố định, trong khi nhiều ca bệnh nguy kịch khẩn cấp, không thể chuyển kịp do biển động, dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Trung tâm rất mong được đầu tư phương tiện vận chuyển y tế chuyên dụng như trực thăng cấp cứu hoặc tàu y tế chuyên dụng. Đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà còn là nhu cầu cấp thiết cho vùng biển đảo, nơi dễ bị cô lập bởi thiên tai, tai nạn hoặc dịch bệnh.
QUANG HUY - TRÚC GIANG - XUÂN TRUNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ky-vong-y-te-vung-xa-hai-dao-dap-ung-nhu-cau-kham-chua-benh-post802211.html
Bình luận (0)