Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

La Hà thạch trận, vết tích mưu đồ dang dở của Cao Biền

Không rõ từ bao giờ, ở TT.La Hà (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) xuất hiện 4 khối núi đá trông như một trận đồ bát quái. Người dân địa phương gọi đây là La Hà thạch trận, tương truyền do Cao Biền bày ra với tham vọng trấn yểm đất trời.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên28/05/2025

Ngày nay, trận đồ đá kỳ lạ ấy ít nhiều đã mất đi vẻ hoang sơ, nhưng những ngọn núi và câu chuyện dân gian vẫn còn đó, âm thầm hiện diện như một lớp trầm tích văn hóa không thể xóa nhòa.

La Hà thạch trận, vết tích mưu đồ dang dở của Cao Biền- Ảnh 1.

Từ thạch trận núi Voi nhìn ra xa là núi Thiên Bút

ẢNH: PHẠM ANH

CAO BIỀN CƯỠI DIỀU GIẤY ĐI BÀY TRẬN

Theo sử sách, Cao Biền là tướng thời Đường, từng giữ chức tiết độ sứ, Tĩnh Hải quân, trấn thủ đất An Nam sau khi đánh bại quân Nam Chiếu. Ông nổi danh am hiểu phong thủy và tu luyện đạo pháp. Tương truyền, trong thời gian trấn nhậm Giao Châu, Cao Biền thường cưỡi diều giấy bay khắp sông Trà, núi Ấn để tìm long mạch, địa cuộc phong thủy tốt.

Một buổi chiều, trong lúc mỏi mệt sau hành trình dài, ông phát hiện vùng đất La Hà (H.Chương Nghĩa xưa) có thế đất tuyệt đẹp: phía đông nam là núi Long Phụng, phía đông bắc có núi Thiên Bút, trung tâm là vùng đất Cẩm Thành thuận tiện tiến quân. Ông nhận định, nếu dựng được trận đồ tại đây thì có thể giữ đất này muôn đời, không lo thất bại về sau.

Dựa vào tài năng quân sự và thuật pháp tu luyện lâu năm, Cao Biền bắt đầu dời đá, bày binh, bố trận, tạo nên một bát quái trận đồ bằng đá. Ông biến đá thành quân binh, tượng binh, hùm binh... và dùng phép thuật để đợi ngày "hư hóa thật, đá hóa người", kỳ vọng sẽ có một đội quân bất bại giữa đất trời để mưu đồ xưng bá, xưng vương.

La Hà thạch trận, vết tích mưu đồ dang dở của Cao Biền- Ảnh 2.

Núi Đá Chẻ nằm trong quần thể La Hà thạch trận (ở TT.La Hà, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi)

ẢNH: PHẠM ANH

La Hà thạch trận, vết tích mưu đồ dang dở của Cao Biền- Ảnh 3.

Tảng đá giống hệt con voi ẩn trong rừng cây

ẢNH: P.A

Tuy nhiên, "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", trận đồ chưa kịp phát huy thì đã gặp biến cố. Tương truyền, trong một lần hưởng lạc, Cao Biền bắt hàng trăm thiếu nữ, chọn ra một cô gái xinh đẹp nhất để làm thiếp hầu, với ý định để nàng vĩnh viễn hóa "thần giữ của" ở trận đồ này. Đêm trăng sáng nọ, ông đưa nàng đến trận đồ. Trớ trêu thay, đó là ngày hành kinh đầu tiên của nàng. Trong lúc Cao Biền say rượu, nàng vì tò mò đã leo lên đỉnh cao nhất của trận đồ, vô tình phá vỡ trận đồ "hư hóa thật, đá hóa người" đang chờ biến hóa.

Đến giờ khắc vận trận, Cao Biền phát hiện mọi thứ bất động. Tức giận, ông đi tìm nàng nhưng không bao giờ gặp lại. Một trận mưa lớn trút xuống, cuốn theo tham vọng bá vương của Cao Biền và để lại một miền thạch trận đen tuyền như dấu tích của một giấc mộng dở dang.

MIỀN TRÙNG ĐIỆP ĐÁ

Ngày nay, về TT.La Hà, ai cũng dễ dàng nhận ra đá mọc khắp nơi: từ đồng ruộng đến triền núi, từng cụm đá như đội quân đang sẵn sàng ra trận. Có 4 ngọn núi tạo thành quần thể La Hà thạch trận: núi Cao Cổ, núi Đá Chẻ, núi Voi và núi Hùm.

Núi Cao Cổ cao khoảng 40 m, nổi bật với tảng đá lớn như hình người, phần cổ vươn cao. Núi Đá Chẻ là nơi những tảng đá màu xanh xếp nghiêng, từng đôi đá như lính gác sườn núi phía đông. Núi Voi cao khoảng 50 m, có nhiều thớt đá như đàn voi đang chuẩn bị ra trận. Núi Hùm (hay Báo Sơn) cao 30 m, có tảng đá lớn khoảng 6 m được gọi là đá ông Hùm, sừng sững như mãnh thú phục kích giữa rừng già.

La Hà thạch trận, vết tích mưu đồ dang dở của Cao Biền- Ảnh 4.

Thấp thoáng trong rừng cây là những tảng đá đen nhấp nhô trải khắp ngọn núi

ẢNH: T.PHONG

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi, tên gọi "La Hà thạch trận" có thể xuất hiện từ thời Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767). Khi giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi (khoảng năm 1750 - 1752), ông đã sáng tác tập thơ Quảng Ngãi thập nhị cảnh, trong đó có miêu tả La Hà thạch trận bằng những câu thơ sinh động: Bốn phía ngựa xe đi lại giáp/ Hai bên cây cỏ thảy làm binh/ Đá chồng bóng mát voi nương náu/ Đồn đãi người qua hổ rập rình.

Nhìn theo trục bắc - nam, trận đồ này như một sơ đồ phong thủy: hướng bắc (cung Khảm) là núi Voi, phía tây (cung Đoài) là núi Hùm, phía nam (cung Ly) là núi Đá Chẻ, còn phía đông (cung Chấn) là núi Cao Cổ, tạo nên một bố cục như thế trận chờ thời.

Theo ông Nguyễn Văn Mười (sống tại tổ dân phố 1, TT.La Hà), ngày trước quanh vùng này rất nhiều tảng đá trông giống đàn voi. Nhìn từ núi xuống cánh đồng, từng cụm đá lớn nhỏ bày xếp ngay ngắn như đội hình quân lính, không hề ngẫu nhiên.

Ngày nay, do việc trồng cây keo và các loại cây nguyên liệu, tầm nhìn từ núi xuống cánh đồng bị hạn chế. Nhiều phần của thạch trận đã bị cây cối che phủ. Đáng tiếc hơn, theo ông Mười, một số người dân đã đục đá đem bán, khiến nhiều khối đá quý trong trận đồ bị phá hủy, làm mất đi phần nào dấu tích của một tuyệt tác thiên nhiên.

La Hà thạch trận, dẫu là sự thật lịch sử hay truyền thuyết dân gian, vẫn là một câu chuyện đầy huyền bí, gợi nhiều suy tư về mối liên hệ giữa con người và tự nhiên, giữa tham vọng quyền lực và giới hạn của số mệnh. (còn tiếp) 

Nguồn: https://thanhnien.vn/la-ha-thach-tran-vet-tich-muu-do-dang-do-cua-cao-bien-185250527223053301.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm