
Kể cả chưa xem phim bom tấn “Kung Fu Panda” (nhiều tập, lần nào ra mắt cũng đem lại nguồn thu “khủng”), kể cả chưa từng biết đến tên những bạn gấu trúc đã làm giới trẻ thế giới lên đồng vì say mê, tôi nghĩ, bất cứ cư dân trái đất bình thường nào, khi nhắc đến hai chữ “gấu trúc”, họ đều thấy xốn xang. Đây là loài vật mang tính biểu tượng quốc gia (quốc bảo) của Trung Quốc và được biết tới rộng khắp trên toàn thế giới.
Trong hai chuyến đi Tây Tạng năm 2011 và chuyến đi Cửu Trại Câu - Lạc Sơn Đại Phật - Đô Giang Yển - Thành cổ Tùng Phan năm 2024 của mình, tôi đều được may mắn ngắm và chụp ảnh rất nhiều cá thể gấu trúc khổng lồ, gấu trúc đỏ (hay còn gọi là gấu trúc nhỏ). Tôi để ý, như một hiệu ứng thú vị hình ảnh gấu trúc mũm mĩm, mặt ngơ ngác tươi vui hai màu trắng đen đang tước các thân tre trúc cứng chén ngon lành kia… Chỉ ít phút sau, cuộc “diện kiến”, con vật quốc bảo của Trung Hoa đã đi vào hình nền điện thoại của hầu hết các thành viên trong đoàn khách của hãng lữ hành Vietravel.
Những “bé bự” lười nhác đáng yêu

Lần trước, tôi đi thăm Công viên Gấu trúc ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Lần này là “vương quốc” Panda tại Đô Giang Yển.
Tôi đã gặp vài chục đến cả trăm bạn gấu trúc ở Trung Quốc (nơi duy nhất trên trái đất có sự phân bố tự nhiên của loài này). Cảm giác đầu tiên là chúng to lớn xứng đáng với tên gọi “Giant Panda”, gấu trúc khổng lồ. Có bạn cao tới 1,5 m. Bụng thì trứ danh và ưỡn ra hãnh diện. Trong phim nổi tiếng Kung Fu Panda, gấu trúc luôn có món võ ưỡn ẩy phom bụng làm đối thủ bay dí dị vào một góc.
Quan sát kỹ, hai màu đen trắng khiến gấu trúc lớn ẩn mình ngụy trang vào rừng núi đặc trưng vùng Tứ Xuyên tre trúc rất hiệu quả. Màu đen loang ở hai mắt, ở tai, ở tứ chi… của gấu trúc lớn, một cách rất nghệ thuật, cực kỳ dễ “nhận diện thương hiệu”, không thể nào lẫn được với bất cứ loài vật nào khác trên trái đất.
Gấu trúc lớn lười nhác ngoài sức tưởng tượng của tất cả chúng ta. To lớn, khoẻ dữ dằn thế mà gấu đực gấu cái toàn sống một mình, ít có nhu cầu “hoà hợp trái tim” lắm. Mỗi năm, chúng chỉ gặp nhau một hai lần vào mùa động dục, tháng 3 tới tháng 5.
Gấu trúc lớn hiền và siêu lười. Gấu trúc thường nằm thuồi luồi, ngửa mặt lên giời mà cầm từng túm lá trúc ở tay trái, trong khi tay phải cứ vin từng cọng lá về phía cái miệng to đùng và hàm răng trắng ởn ra mà ăn. Nhai bỏm bẻm. Chả nhìn ai và cũng chả quan tâm đến ai nhìn mình. Tay gấu trúc lớn có 5 ngón, nhưng ngón cái là ngón giả. Bởi nó là khúc thò của xương cổ tay dài hơn mức cần thiết, thêm tí cục sần chai, thêm ít dây chằng lông lá để thành một “ngón cái” siêu khoẻ.
Có người lý giải gấu trúc lớn ăn mỗi lá trúc, thân tre trúc là chính. Ăn trụi cả các vòm trời xanh lá trúc của phim “Thập diện Mai phục” đi nữa, nhưng trơ lơ toàn chất xơ, trong khi cơ thể chúng thì siêu to khổng lồ, nên phải ăn rất nhiều thì mới đủ dưỡng chất nuôi cơ thể. Ít ai ngờ, họ xếp gấu trúc vào họ ăn thịt. Chúng ăn cả thịt chim, thịt thú nhỏ, trứng, hoa quả các thể dạng. Thế nên, chỉ có thể nói thức ăn chính (chứ không phải duy nhất) của gấu trúc là tre trúc mà thôi.
Xem các tập phim “Kung Fu Panda”, nhiều người đôi lúc đã quen miệng gọi các cậu bé to béo vạm vỡ là “Kong Fu Panda” như một tính từ. Cu cậu lộc ngộc, hiền khô, hành động ngơ ngác ngộ nghĩnh nhưng sức mạnh trong chiến đấu thì vô địch. Ngoài đời, với tuổi thọ 20 năm, gấu trúc khổng lồ có thể cao tới 1,5 m.
Dường như gấu trúc là loài được trời sinh ra luôn kèm theo nhiều bất ngờ. Gấu trúc cái gặp bạn trai đã ít, lại mang thai trong thời gian rất ngắn (135 ngày) nên con non sinh ra chỉ có 80 - 120 gam. Tức là chúng chỉ như một cái bút chì hơi to. Con non sơ sinh, trông thấy ánh mặt trời mà chỉ nặng bằng có 1/1.900 của con mẹ. Theo giới nghiên cứu, gấu trúc lớn là loài động vật có vú với con non gần như bé nhất thế giới, khi so với kích cỡ của con bố con mẹ.
Muốn biết thế giới này yêu gấu trúc ra sao hãy xem “phản ứng dư luận” với chiến dịch “ngoại giao gấu trúc” nổi tiếng của Trung Quốc. Tại Mỹ, gia đình gấu trúc khổng lồ của Trung Quốc được đem cho Vườn thú Quốc gia Mỹ (tên là Smith Sonian ở thủ đô Washington) “mượn” suốt 20 năm qua. Vừa rồi, theo cam kết và sau các lần gia hạn, đôi bạn gấu trúc Thiêm Thiêm và Mỹ Hương đã lên máy bay về cố quốc. Trả lời báo chí, người dân thấy “lòng buồn vô hạn”, cán bộ vườn thú thì cảm thấy thật sự “đau lòng”.
Năm 2020, chú gấu trúc nhỏ tên là Tiểu Kỳ Tích đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Có tới 23 quốc gia được người Trung Quốc “cho mượn” gấu trúc, trong kế hoạch “ngoại giao gấu trúc” kể trên. Riêng ở Mỹ, từ năm 1972, tức là hơn nửa thế kỷ trước, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, cặp gấu trúc lớn đầu tiên (tên là Linh Linh và Hưng Hưng) đã tới một vườn thú ở thủ đô Washington. Dĩ nhiên, các vườn thú cũng phải đóng góp tới 500.000 USD mỗi năm để phục vụ cho cái gọi là “bảo tồn gấu trúc khổng lồ ở Trung Quốc”.
Ở Hàn Quốc, gấu trúc Phúc Bảo (Fu Bao) nổi tiếng tới “phát cuồng” với tần xuất hình ảnh nàng xuất hiện ở Hàn Quốc, Trung Quốc dày tới mức kinh điển. Chỉ một video về bạn ấy trên YouTube của sở thú nước này thu hút tới 500 triệu lượt xem. Theo thống kê của hãng thông tấn nổi tiếng Yonhap, có tới 6.000 người đã tập trung từ 4 giờ sáng trong ngày chia tay Fu Bao để bạn ấy bắt đầu lộ trình “hồi hương” sau thời gian dài “cho Hàn Quốc mượn”…
Gấu trúc đỏ còn "hớp hồn" tôi

Sau đây là một câu chuyện khác, ngoài anh bạn “Kung Fu Panda”. Đó là gấu trúc đỏ. Tất nhiên, gấu trúc lớn là loài đặc hữu của thiên nhiên Trung Quốc, còn gấu trúc đỏ thì được tìm thấy ở vài nơi khác trên địa cầu, gồm phía đông Himalaya và tây nam Trung Quốc.
Cả hai loài gấu trúc mà chúng ta đang nhắc đều xác định ngôi nhà đặc biệt của mình là vùng Tứ Xuyên. Tứ Xuyên rộng lớn, có phong cảnh trữ tình, địa hình phức tạp là nơi giao thoa của nhiều yếu tố tự nhiên lạ lùng, quanh năm mây mù bao phủ, lượng mưa dồi dào, thảm thực vật cận nhiệt đới hoàn hảo. Riêng hệ thống núi Nga Mi (nằm ở vùng Tứ Xuyên), cao hơn 3.000 m so với mực nước biển, đã có tới 2.300 loài động vật, trong đó có 29 loài được Trung Quốc “bảo vệ cấp quốc gia”.
Loài gấu trúc đỏ, còn gọi là gấu trúc nhỏ rất dễ thương, đang được xếp vào hàng “đang dần tuyệt chủng” trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế), vì quần thể hoang dã của chúng ước tính chỉ còn hơn 10.000 cá thể trưởng thành và đang tiếp tục suy giảm do môi trường sống bị xâm hại, nạn săn trộm và nạn giao phối cận huyết.

Ngắm hoặc chụp gấu trúc đỏ khó hơn so với làm các việc này cùng gấu trúc lớn. Thứ nhất là vì nó quá nhỏ (với kích thước nhỉnh hơn một con mèo). Một là nằm im rúc đầu vào hai chi trước và phom đuôi nâu đỏ. Hai là thích đi lại hiếu động nhoay nhoáy. Đấy là chưa kể nó lười ăn hơn nhiều so với gấu trúc khổng lồ, anh cùng tên to xác mỗi ngày dành 12 tiếng đồng hồ để ăn kia. Bù lại, gương mặt gấu trúc đỏ vô cùng sinh động, “râu ria” ngộ nghĩnh láu cá, dáng đi lại lạch bạch đáng yêu. Màu lông nâu đỏ mang những sắc thái khá mạnh của thiên nhiên, phom đuôi dài và sinh động. Lông gấu trúc đỏ chủ yếu màu nâu đỏ, lông bụng màu nâu đen trên mặt có đốm trắng tinh nghịch.
Một phần khiến bạn khó quan sát và chụp ảnh đẹp được gấu trúc đỏ vì chúng rất lười vận động vào ban ngày. Chúng sinh động đặc biệt vào thời điểm từ hoàng hôn tới… bình minh. Chúng ăn tre trúc, ăn động vật có vú cỡ nhỏ, ăn chim, trứng và hoa quả. Giới khoa học chia gấu trúc đỏ thành hai loài, gồm gấu trúc đỏ Trung Quốc và gấu trúc đỏ Himalaya. Từ 0,25 triệu năm trước, chúng đã được “phân tách” để khác nhau về mặt di truyền.
Chúng tôi đi lang thang ở các thiên đường gấu trúc, cố lý giải vì sao loài người say mê vẻ đẹp, sự dễ thương của gấu trúc đến thế. Trước mặt, chú gấu trúc đỏ “ngủ ngày cày đêm”, nó cuộn đầu vào trong tứ chi, hai chân trước ôm đầu và dùng phom đuôi to dài lồng phồng để che kín mặt lại. Chắc là cu cậu sợ chói mắt. Mặt gấu trúc đỏ đẹp, dễ thương, hài hước, láu tôm láu cá, những cọng ria dài… như đang vẽ hề. Nhìn vào chúng, người ta thấy đời tươi vui và dễ khiến chúng ta mỉm cười.
Sau khi ăn no, gấu trúc đỏ dùng bàn tay lau mặt và miệng một cách cầu kỳ, dùng lưỡi liếm và làm sạch mép, miệng rất công phu. Vì có trọng lượng bằng một con mèo béo, nên khi cảm thấy bị đe doạ (mà nó thường xuyên cảm thấy thế), gấu trúc đỏ bao giờ cũng ưỡn ngực, cong đuôi, vỗ tay, thủ thế, chi trước giơ lên tận đầu như khoe một thế võ bí truyền, mắt nhìn chằm chằm như hăm doạ đối phương một cách… rất hài hước.
Gấu trúc lớn, là loài riêng có của đất nước Trung Quốc. Trừ một số vườn thú ở hơn hai chục quốc gia đã từng và đang được chương trình “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc mang tới các cá thể gấu trúc ở dạng “cho mượn có thời hạn và có điều kiện”, thì tuyệt nhiên trên địa cầu, ngoài lãnh thổ Trung Hoa không ở đâu có cả. Gấu trúc khổng lồ như một biểu tượng của sự đáng yêu, thân thiện và xinh đẹp, là quốc bảo của Trung Quốc, suốt bao năm đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Các “thiên đường gấu trúc” có chế độ chăm sóc tận tình và khoa học, có khu bán hoang dã rất ổn. Tương lai, người ta còn tính, phục hồi tập tính, bảo đảm cho chúng những điều kiện tốt nhất để trở về hoang dã.
ĐỖ DOÃN HOÀNGNguồn: https://baohaiduong.vn/lac-vao-thien-duong-gau-truc-tu-xuyen-411084.html
Bình luận (0)