Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lạm dụng công cụ AI, nhiều sinh viên lười tư duy bài tập

(Dân trí) - Các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp sinh viên hoàn thành bài tập nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng đặt ra lo ngại: Liệu AI đang hỗ trợ học tập hay khiến sinh viên lười tư duy?

Báo Dân tríBáo Dân trí06/05/2025

Sinh viên đại học coi AI như "trợ lý học tập"

Trần Hoàng Long - sinh viên ngành Công nghệ thông tin - cho biết: "Mỗi lần được giao bài tập lập trình, em thường copy đề bài vào ChatGPT để xem hướng tiếp cận hoặc nhờ AI gợi ý khung code mẫu. Sau đó em dựa vào đó để triển khai bài của mình, nên tiết kiệm rất nhiều thời gian". Long thừa nhận nhờ công cụ AI, cậu có thể dễ dàng hoàn thành bài tập hơn, thay vì phải ngồi mày mò hàng giờ.

Từ khối ngành xã hội đến khoa học tự nhiên, công cụ AI đang trở thành trợ thủ đắc lực của nhiều sinh viên trong quá trình học tập. Thế nhưng, không phải ai cũng khai thác nó đúng cách. Thay vì sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ tìm hiểu và phát triển tư duy, không ít sinh viên lại lạm dụng để sao chép nguyên văn nội dung do AI tạo ra.

Với sinh viên ngành marketing như Nguyễn Mai Thảo, việc sử dụng AI là điều thường xuyên. "Từ việc viết kịch bản, lập kế hoạch truyền thông đến phân tích SWOT (điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội - thách thức), mình đều dùng ChatGPT để làm. Chỉ trong 15 phút đã hoàn thành đề cương nhóm cho cả tuần", Thảo chia sẻ. Em cũng cho biết nhiều bạn trong lớp tận dụng AI để tạo slide thuyết trình hay biểu mẫu.

Lạm dụng công cụ AI, nhiều sinh viên lười tư duy bài tập - 1
ChatGPT là công cụ không thể thiếu đối với nhiều sinh viên đại học (Ảnh: Pexels)

Ngay cả những ngành đặc thù như Y dược, AI cũng được tận dụng mạnh mẽ. Nhiều sinh viên cho biết thường dùng ChatGPT để tra cứu tương tác thuốc, cơ chế hoạt động hoặc thực hiện các bài nghiên cứu y khoa.

Thực tế cho thấy, dù ở ngành nghề nào từ công nghệ, truyền thông, kinh tế cho đến các lĩnh vực mang tính sáng tạo, việc sử dụng công cụ AI trong môi trường đại học đã trở nên phổ biến.

Tuy nhiên, việc ứng dụng này có thực sự giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn hay chỉ là cách đối phó mang tính hình thức để hoàn thành bài tập vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

AI - Con dao 2 lưỡi

Th.S Trương Quốc Tuấn - giảng viên của một trường đại học tại Đà Nẵng - nhận định, sự bùng nổ của AI trong môi trường giáo dục đại học đang đặt ra một thách thức lớn: Làm sao để khai thác hiệu quả công nghệ này mà không khiến sinh viên đánh mất kỹ năng tư duy độc lập và tinh thần học tập nghiêm túc.

Theo thầy Tuấn, về mặt tích cực, AI đang hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong việc tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và cá nhân hóa quá trình học tập.

"Trước đây, để hiểu một chủ đề, sinh viên có thể mất hàng giờ tìm kiếm tài liệu, đọc sách, tổng hợp thông tin. Nhưng nay, chỉ vài dòng lệnh là có thể nhận được một bản tóm tắt hoặc gợi ý chi tiết, có cấu trúc rõ ràng.

Với các môn học nặng về lý thuyết hoặc ngôn ngữ như văn học, triết học, ngôn ngữ học, AI đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc gợi mở góc nhìn đa chiều, hệ thống hóa kiến thức", thầy chia sẻ.

Lạm dụng công cụ AI, nhiều sinh viên lười tư duy bài tập - 2
Phụ thuộc quá mức vào AI dễ khiến người dùng trở thành "nô lệ số" (Ảnh: Pexels)

Tuy nhiên, AI cũng đặt ra nhiều thách thức đối với giảng viên và sinh viên. "Sự phụ thuộc quá mức vào các công cụ như ChatGPT có thể khiến sinh viên suy giảm khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, thiếu kỹ năng kiểm chứng thông tin, dễ bị dẫn dắt sai lệch, sử dụng nguồn không chính thống. Nhiều em quen với việc gõ vài dòng lệnh là có bài làm, nên dần không còn kiên nhẫn để đọc tài liệu gốc hay phân tích sâu một vấn đề.

Có sinh viên sử dụng nguyên văn nội dung AI trả về mà không đọc lại hay đánh giá tính phù hợp với ngữ cảnh bài tập. Điều này khiến giảng viên rất khó để đánh giá đúng năng lực thực sự của các em, dẫn đến chất lượng học tập bị ảnh hưởng nghiêm trọng", thầy Tuấn nói thêm.

Gợi ý sinh viên sử dụng AI hợp lý

Dưới góc nhìn của giảng viên, ThS. Dương Phi Long - giảng viên ngành Công nghệ Thông tin của một trường đại học tại Hà Nội - cho rằng: "AI không thể thay thế hoàn toàn khả năng tư duy và sáng tạo của con người, tuy nhiên nó sẽ là một công cụ hữu ích nếu được sử dụng đúng cách.

AI có thể giúp tóm tắt tài liệu, kiểm tra lỗi chính tả, gợi ý cấu trúc bài viết hay đưa ra ý tưởng ban đầu, nhưng phần phân tích, đánh giá và liên hệ thực tế thì người học vẫn phải chủ động tư duy. Đó mới là kỹ năng cần thiết trong môi trường đại học và công việc sau này".

Thầy Long chia sẻ thêm: "Sinh viên nên học cách đặt câu lệnh hiệu quả, biết phản biện lại nội dung do AI tạo ra, đồng thời kết hợp kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để tránh phụ thuộc tuyệt đối.

Bên cạnh đó, việc sử dụng AI cần minh bạch, nhất là trong môi trường học thuật, tránh sao chép nguyên văn nội dung mà không có điều chỉnh phù hợp".

"Điều quan trọng, sinh viên cần phải biết làm chủ công nghệ, có thái độ học tập đúng đắn và hiểu rõ giới hạn giữa "hỗ trợ học tập" và "làm hộ bài tập". Nếu khai thác đúng cách, AI sẽ là một người bạn đồng hành hữu ích trong hành trình học tập.

Nhưng nếu lạm dụng, chính sinh viên sẽ là người đánh mất kỹ năng tự học và tư duy phản biện, điều mà mọi nhà tuyển dụng đều tìm kiếm", thầy Long nhấn mạnh.

Vân Anh

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/lam-dung-cong-cu-ai-nhieu-sinh-vien-luoi-tu-duy-bai-tap-20250501165355641.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Chiêm bái 87 bảo vật Phật giáo: Bí ẩn thiêng liêng lần đầu hé mở
Những đảo chè xanh mát
29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm