Sao phải quát nạt, phản ứng căng thẳng với người bệnh?
Tôi đã tận mắt thấy có điều dưỡng giao lại nhiệm vụ theo dõi và điều chỉnh tốc độ dịch truyền cho người nhà bệnh nhân trong đêm với lý do bận viết hồ sơ.
Thử hỏi người nhà bệnh nhân làm sao có nghiệp vụ y học để thực hiện việc này.
Rồi khi dịch truyền xuống chậm, nhanh quá hay hết, người nhà không biết xử lý, đến báo thì điều dưỡng bảo cứ từ từ, chưa đáp ứng kịp thời nên xảy ra cự cãi, la lối mất trật tự...
Tại khu khám bệnh, có nhân viên phụ trách quát người bệnh khi họ đề nghị được gặp thầy thuốc ở phòng khám từng điều trị cho mình trước đó.
Lý do là giờ bệnh án đã nhập vào máy tính, thầy thuốc nào khám cũng tiếp cận tốt, yêu cầu làm gì, cần thì đăng ký khám dịch vụ.
Bệnh nhân nhỏ nhẹ nói cần gặp bác sĩ lần trước để dễ trình bày diễn biến của bệnh, cũng như lắng nghe hướng dẫn khi sử dụng thuốc hay thay đổi phác đồ nếu cần thiết.
Nhưng người phụ trách vẫn không thay đổi.
Biết là bệnh án giờ đây đã có trên máy tính, bác sĩ nào cũng tiếp cận và nắm chắc bệnh án của bệnh nhân, nhưng đề nghị của bệnh nhân cũng có lý nếu xét về mặt tình cảm và có thể đáp ứng nếu thật sự phòng khám không quá tải.
Trường hợp không giải quyết được, nhân viên y tế cũng nên giải thích cho bệnh nhân hiểu thay vì quát nạt.
Một người bạn tôi chưa bao giờ phải làm xét nghiệm nên khi vào bệnh viện, bạn bối rối lắm.
Lần đó bạn bị đau dữ dội không ăn uống không ngủ được, người nhà đưa vào bệnh viện. Vì không là ca cấp cứu nên bạn phải ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ, căng thẳng, mệt, đói... mới đến lượt khám.
Khi nghe điều dưỡng đưa bạn đi lấy máu xét nghiệm với nhiều mục để định bệnh, bạn rất sợ.
Phần vì cơn đau chưa lui, phần bạn mất sức cả tuần, khi vào phòng xét nghiệm bạn tỏ ra lo lắng thấy rõ.
Cô nhân viên phòng xét nghiệm quát một câu vào mặt: "Sợ thì nắm tay vào cạnh bàn". Bạn nghe vậy hết cả đau. May mắn là lượng máu lấy ra chỉ vài cc.
Bạn chia sẻ biết thế đâu sợ đến độ làm cô nhân viên căng thẳng như vậy.
Giá như nhân viên chỉ nói một câu rằng chỉ lấy rất ít máu thôi và rất nhanh, không đau đớn gì thì hay biết bao nhiêu. Bạn không phải lo mà cô nhân viên không phải cáu gắt.
Không ít người bị lâm vào hoàn cảnh như vậy. Tiếc làm chi một câu trấn an bệnh nhân và càng làm người bệnh sợ hãi, mất đi cảm tình với bệnh viện.
Hoặc có bệnh nhân khi được bác sĩ ra đơn thuốc điều trị đã trình bày rằng đơn thuốc này đã được bác sĩ lần khám trước điều chỉnh, xác định có thuốc không còn phù hợp, cần đổi và bệnh nhân đã sử dụng hiệu quả.
Nay bác sĩ khám lần này lại kê đơn giống đơn đã bị thay đổi, liệu có hợp không.
Bác sĩ trừng mắt: Bác sĩ cho thuốc thì cứ uống, đừng thắc mắc gì cả. Bệnh nhân đành nín thinh ra về, mang theo sự lo lắng vì phải điều trị với một đơn thuốc không còn hiệu quả.
Nhưng người thầy thuốc cũng bị làm khó
Nói đi cũng phải nói lại. Có lúc ứng xử của nhân viên y tế đến từ việc không giữ được bình tĩnh trước thái độ, hành vi của thân nhân người bệnh.
Tôi từng chứng kiến cha của một bệnh nhi đã dỗ dành con khi bé khóc vì đau lúc điều dưỡng tiêm thuốc cho bé.
Thay vì ổn định tâm lý cho con, người cha nói: "Bác sĩ làm con đau, chút nữa ba sẽ đánh bác sĩ cho con xem. Ai dám động đến cục vàng của ba!".
Nghe vậy bé không khóc nữa.
Lần khám tiếp theo vừa thấy bóng bác sĩ và điều dưỡng đến bên giường, bé thét lớn: "Ba ơi, đánh bác sĩ đi!".
Một bệnh nhân nữ đến khám tại cơ quan y tế của chị bạn tôi. Mặc dù đã được nhân viên hướng dẫn phải thay trang phục của bệnh viện cho phù hợp với việc thăm khám, bệnh nhân này vẫn không làm theo.
Khi vào phòng khám bác sĩ nhắc nhở nên thực hiện đúng quy định an toàn vệ sinh y tế, bệnh nhân không tuân theo. Lý do là không quen mặc trang phục của bệnh viện.
Bác sĩ mời ra nhường chỗ cho người khác. Bao giờ bệnh nhân làm đúng thì mời vào.
Ấy thế mà bệnh nhân lớn tiếng rằng bác sĩ gây khó khăn cho người bệnh. Trang phục nào chẳng được! Bệnh nhân còn dọa viết bài đăng mạng xã hội nữa.
Thế mới biết việc ứng xử của nhân viên y tế và bệnh nhân quan trọng biết chừng nào. Một lời giải thích nhẹ nhàng, một cử chỉ ân cần quan tâm chia sẻ với bệnh nhân và người thân, một hành động lắng nghe đề xuất của bệnh nhân sẽ mang lại hiệu quả biết bao.
Những ai có hành xử thiếu tôn trọng nhân viên y tế sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Và nếu nhân viên y tế có ứng xử đúng mực với bệnh nhân thì những vụ việc xấu cũng sẽ giảm đi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lan-dau-lay-mau-xet-nghiem-bi-nhan-vien-y-te-quat-so-thi-nam-vao-canh-ban-20250523141020999.htm
Bình luận (0)