Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan tỏa ngôn ngữ Việt tại ngôi trường danh tiếng của Malaysia

Việc giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Malaya - ngôi trường lâu đời nhất của Malaysia - không chỉ là hoạt động giáo dục đơn thuần mà còn là cây cầu kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia.

VietnamPlusVietnamPlus24/05/2025

Tại trường Đại học Malaya (UM) - trường đại học quốc gia hàng đầu của Malaysia, tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam được giảng dạy như hai môn học tự chọn thuộc Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học.

Hai môn học này thường xuyên thu hút từ 100-140 sinh viên mỗi khóa, trong đó chủ yếu là sinh viên Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ…

Mặc dù tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam là hai môn học khác nhau, nhưng lại bổ sung cho nhau, tạo nên một không gian học tập thú vị, nơi sinh viên có thể thực hành ngôn ngữ và bồi đắp tình yêu với bộ môn này.

Việc giảng dạy tiếng Việt tại ngôi trường danh tiếng và lâu đời nhất của Malaysia không chỉ là hoạt động giáo dục đơn thuần, mà còn là cây cầu kết nối tình hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia.

Tại buổi giao lưu văn hóa Việt Nam-Malaysia nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học năm 2024, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Malaya, Giáo sư-Tiến sỹ Yvonne Lim Ai Lian khẳng định: “Tại UM, chúng tôi tin rằng giáo dục không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa và lớp học. Giáo dục còn bao gồm sự trân trọng sâu sắc đối với các nền văn hóa đa dạng tạo nên thế giới của chúng ta.

Nhờ sự trân trọng đó, chúng ta có thể xây dựng những cộng đồng mạnh mẽ và nhân ái hơn. Các sự kiện giao lưu văn hóa không chỉ là dịp để kỷ niệm, mà còn là cơ hội quý báu để học tập và kết nối.”

Thật vậy, ngôn ngữ là phương tiện truyền tải văn hóa, còn văn hóa được thể hiện sống động qua ngôn ngữ. Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc lan tỏa ngôn ngữ Việt cũng đồng nghĩa với việc đưa văn hóa Việt vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.

Hiện nay, Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học tại UM cung cấp chương trình cử nhân với chín chuyên ngành ngôn ngữ gồm tiếng Arab, Trung, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật, Tây Ban Nha và Tamil. Bên cạnh đó là một số môn học lựa chọn, trong đó có tiếng Việt, khoa học kỹ thuật và y khoa.

ttxvn-lan-toa-tieng-viet-malaysia-2.jpg
Giới thiệu càphê Việt với Giáo sư Sirinderpal Kaur, Trưởng khoa ngôn ngữ và Ngôn ngữ học trường Đại học Malaya (thứ hai, trái). (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)

Chuyên gia đối ngoại và an ninh thuộc UM, ông Collins Chong Yew Keat, khẳng định ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương.

Ông nhấn mạnh: "Văn hóa và mối quan hệ giữa con người với con người là nền tảng cho mối quan hệ toàn diện giữa hai quốc gia.

Ngoài sự hợp tác học thuật cấp cao, chúng tôi quan tâm tới sự tương tác trong tất cả các lĩnh vực bao gồm giáo dục, thể thao, du lịch cũng như các chương trình văn hóa và ngôn ngữ.

Tất cả những điều này đang được cộng hưởng, được cảm nhận có sự gần gũi hơn, dễ dàng hơn giữa người dân của cả hai quốc gia.

Các chương trình trao đổi và văn hóa mà chúng tôi có ở đây đều hướng đến việc để các sinh viên của chúng tôi có hiểu biết thêm về Việt Nam - về lịch sử và con người, văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực Việt Nam.

Những điều phổ biến này có thể dễ dàng bị bỏ qua nếu chúng tôi không có các nền tảng cần thiết cho sinh viên có thể học hỏi.”

Theo ông, khi người học đã thành thạo hoặc ít nhất biết về ngôn ngữ, họ sẽ dễ dàng tìm hiểu các khía cạnh khác như văn hóa, con người... Ngôn ngữ và văn hóa là điểm khởi đầu cho mọi kết nối.

Tương tự như vậy, đối với sinh viên Việt Nam, hiểu được ngôn ngữ, và con người Malaysia cũng là nền tảng để tăng cường tương tác thực chất và sâu sắc hơn trong tương lai.

Nói về giảng viên tiếng Việt Nguyễn Thụy Thiên Hương, Giáo sư Surinderpal Kaur - Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Ngôn ngữ học tại UM, cho biết trước đây, Khoa có một giảng viên, Giáo sư người Việt đồng hành từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, sau khi giảng viên này nghỉ hưu vào năm 2017, việc giảng dạy tiếng Việt đã tạm ngừng.

Phải đến năm 2023, bộ môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam mới được đưa vào giảng dạy trở lại sau khi Khoa tuyển chọn được một thạc sỹ ngôn ngữ học người Việt, cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương.

Cô Hương được đánh giá là một giảng viên xuất sắc và có nhiều kinh nghiệm. Nhờ có cô, không khí học tập và tình yêu dành cho văn hóa Việt trong sinh viên trở nên sâu sắc hơn. Nhà trường nói chung và Khoa nói riêng rất phấn khởi khi tiếng Việt được đưa trở lại giảng dạy.

ttxvn-lan-toa-tieng-viet-malaysia-3.jpg
Cô giáo Nguyễn Thụy Thiên Hương (thứ tư, phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng sinh viên. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)

Chia sẻ sau tiết học tiếng Việt, sinh viên Muhammad Aimil Iman bin Hamizon người Malaysia hồ hởi nói bằng tiếng Việt rằng bạn mong muốn tìm việc làm tại Việt Nam, do vậy thành thạo ngôn ngữ Việt là điều cần thiết. Ngoài ra, khám phá văn hóa Việt Nam cũng là một trải nghiệm thú vị khiến các buổi học thêm hấp dẫn.

Trong khi đó, sinh viên Ong Zhi Yen tự tin cho biết học tiếng Việt không quá khó. Xuất phát từ mong muốn khám phá ẩm thực Việt vì cho rằng ẩm thực Việt có rất nhiều rau xanh, tốt cho sức khỏe…, bạn đã đăng ký học tiếng Việt và giờ đây bạn đã kết bạn được với nhiều sinh viên Việt Nam trong trường.

Là giảng viên tiếng Việt duy nhất của khoa, mặc dù rất bận rộn với các tiết học nhưng khi chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Kuala Lumpur, cô Hương cho biết cô rất tự hào khi mỗi ngày được lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt và văn hóa Việt đến sinh viên Malaysia và sinh viên quốc tế tại trường.

Cô tâm niệm rằng hành trình lan tỏa này chính là sự lan tỏa vẻ đẹp con người Việt Nam. Cô giáo luôn trăn trở về trách nhiệm của mình trong việc giúp các em sinh viên sử dụng thành thạo tiếng Việt như một công cụ giao tiếp.

Với cô, đây còn là hành trình truyền cảm hứng để sinh viên thêm yêu thích văn hóa Việt qua từng bài học, từng món ăn và phong tục tập quán của người Việt.

Để việc học tiếng Việt và văn hóa Việt đến gần hơn với sinh viên, cô giáo đã luôn lồng ghép yếu tố văn hóa vào các tiết học, đặc biệt là văn hóa ẩm thực, để sinh viên thêm hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia từ ngày 21-23/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại UM trước đông đảo giảng viên, sinh viên nhà trường.

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đại học Quốc gia Malaya không chỉ là biểu tượng của nền giáo dục Malaysia mà còn là một trong những trung tâm tri thức hàng đầu của khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, Đại học Quốc gia Malaya đã trở thành nôi đào tạo của nhiều thế hệ tài năng xuất sắc, trong đó có Ngài Thủ tướng Anwar Ibrahim cùng năm vị thủ tướng khác của Malaysia.

Những thành tựu về đào tạo và nghiên cứu tiên phong của Trường không chỉ đóng góp cho sự phát triển bền vững của Malaysia mà còn mang lại những giá trị thiết thực cho toàn khu vực ASEAN, trong các lĩnh vực từ công nghệ, y dược, môi trường đến nghiên cứu quốc tế.”

Từ năm 2017 đến nay, số sinh viên Việt Nam theo học tại UM hệ sau đại học ngày càng tăng, thúc đẩy sự giao lưu và kết nối văn hóa giữa hai nước ngày càng chặt chẽ và sâu sắc hơn./.

ttxvn-huu-nghi-viet-nam-malaysia.jpg
Tiết mục múa truyền thống dân tộc Việt Nam trong Đêm giao lưu văn hóa kết nối tình hữu nghị Việt Nam-Malaysia, do Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam và Trường Đại học Malaya tổ chức hồi tháng Tám năm ngoái. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/lan-toa-ngon-ngu-viet-tai-ngoi-truong-danh-tieng-cua-malaysia-post1040383.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm