Khi tấm bản đồ di sản nhân đôi giá trị
Việc hợp nhất đã tạo nên một bản đồ du lịch độc nhất vô nhị, nơi những “viên ngọc đã sáng” được đặt cạnh những “viên ngọc thô”, hình thành một kho tàng văn hóa - thiên nhiên khổng lồ. Tài sản của Lào Cai vốn đã là thương hiệu mạnh với trục du lịch cao cấp Sa Pa, nơi có đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” hùng vĩ. Nối tiếp là thiên đường mây Y Tý hoang sơ với kiến trúc nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì, hay trục văn hóa Bắc Hà quyến rũ với chợ phiên và lễ hội đua ngựa nức tiếng.

Giờ đây, “tài sản” đó được nhân lên gấp bội với những di sản quý giá mới. Nổi bật nhất là danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Di tích quốc gia đặc biệt được ví như “những nấc thang lên thiên đường”, nơi du khách có thể trải nghiệm bay dù lượn trên đèo Khau Phạ. Mảnh ghép thứ hai là không gian văn hóa Mường Lò tại Nghĩa Lộ - “cái nôi” của nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh. Cuối cùng là không gian khám phá tại Trạm Tấu, Văn Chấn, mở ra thiên đường cho dân trekking với các đỉnh núi huyền ảo, suối khoáng nóng và những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Suối Giàng.
Từ những “điểm” riêng lẻ đến “chuỗi” liên hoàn
Sự kết nối về mặt địa lý mở ra cơ hội vàng để chuyển đổi từ khai thác các “điểm” du lịch riêng lẻ sang xây dựng các “chuỗi” sản phẩm liên hoàn, giữ chân du khách dài ngày hơn, gia tăng trải nghiệm.

Những hành trình mới đầy tham vọng đang được hình thành. Tuyến “Vòng cung di sản ruộng bậc thang” kết nối hai danh thắng hàng đầu là Mường Hoa (Sa Pa) và Mù Cang Chải. Tuyến “Sắc màu văn hóa Tây Bắc” là một hành trình xuyên qua các miền văn hóa đặc sắc từ sự linh thiêng ở đền Thượng, sự náo nhiệt ở chợ phiên Bắc Hà, đến điệu Xòe Thái say đắm ở Mường Lò. Với du khách ưa mạo hiểm, tuyến “Chinh phục và khám phá” kết hợp trekking các đỉnh núi cao như Fansipan, Tà Xùa với thư giãn tại suối khoáng nóng Trạm Tấu.
Bài toán phát triển “bền vững”
Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều. Việc “nối liền miền di sản” đặt ra những bài toán hóc búa về phát triển bền vững. Thách thức đầu tiên là hạ tầng giao thông, vốn đang là “nút thắt” lớn. Thách thức thứ hai, mang tính cốt lõi, là cuộc giằng co giữa bảo tồn và phát triển. Bài học từ sự phát triển nóng ở một số điểm du lịch làm phá vỡ cảnh quan là lời cảnh báo đắt giá.
Tiếng nói của người dân bản địa phản ánh nỗi lo này một cách sâu sắc. Bà Hoàng Thị Loan - một chủ homestay ở Nghĩa Lộ, trăn trở: “Chúng tôi muốn làm du lịch nhưng phải giữ được cái hồn của người Thái, giữ được sự yên ả cho con cháu sau này”.

Tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch... Song song với đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, gắn với phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương trong hoạt động du lịch”.
Tầm nhìn mới cho một trọng điểm du lịch quốc tế
Cuộc hợp nhất lịch sử đã trao cho Lào Cai một “viên ngọc thô” vô giá. Việc mài giũa viên ngọc này đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự kiên định với phát triển bền vững.
Trước vận hội mới, ông Vũ Quốc Trí - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề nghị: “Trong thời gian tới, tỉnh cần định vị lại thương hiệu du lịch, xây dựng Lào Cai thành trọng điểm du lịch của Việt Nam... là điểm nhấn du lịch quốc tế”.
Một hành trình vạn dặm xuyên qua những miền di sản bất tận đã bắt đầu. Thành công không chỉ nằm ở các dự án nghìn tỷ, mà phụ thuộc vào khả năng quản trị thông thái và quan trọng nhất là ý thức gìn giữ văn hóa của mỗi người dân, để cái tên Lào Cai không chỉ là một điểm đến, mà là một hành trình trải nghiệm độc đáo trên bản đồ du lịch thế giới.
Nguồn: https://baolaocai.vn/lao-cai-danh-thuc-sieu-vung-di-san-tay-bac-post649104.html
Bình luận (0)