Lễ mừng mùa là một lễ hội quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người M’nông, thường diễn ra vào mùa khô từ tháng 1 đến 3 dương lịch, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong.
Lễ hội quy mô lớn thường được tổ chức 3–5 năm một lần, quy tụ sự tham gia của nhiều bon làng.

Theo truyền thống, trước lễ, già làng và các bon trưởng họp bàn thống nhất ngày tổ chức, lễ vật và quy mô tùy theo sự đóng góp của cộng đồng. Mỗi bon mang sản vật như heo, gà, rượu cần… đến dự, bon chủ nhà cũng chuẩn bị tương tự để đãi khách.

Sau đó, già làng phân công mọi người chuẩn bị: người lớn ủ rượu, nghệ nhân tập chiêng múa, thanh niên thi tài, phụ nữ lo cơm lam, cây nêu…

Lễ mừng mùa diễn ra với các nghi thức: lễ đón bạn, nghi thức chính, nghi thức khai rượu và mời rượu, nghi thức đốt lửa và giao lưu văn hóa dân gian.

Lễ mừng mùa mang ý nghĩa cảm tạ thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu, đồng thời là dịp cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi, tái hiện đời sống văn hóa, tâm linh phong phú.

Qua các nghi lễ góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung.

Nguồn: https://baodaknong.vn/le-mung-mua-cua-nguoi-dan-toc-m-nong-huyen-tuy-duc-252573.html
Bình luận (0)