Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lo ngại dầu ăn công nghiệp, nhiều người dùng dầu lạc tự ép

Trước những lo ngại về chất lượng và độ an toàn của dầu ăn công nghiệp, nhiều gia đình lựa chọn phương pháp ép dầu lạc thủ công để sử dụng.

Báo Hải PhòngBáo Hải Phòng20/07/2025

dau-lac-3-.jpg
Cơ sở ép dầu lạc của anh Nguyễn Văn Thuần ở phường Trần Nhân Tông hoạt động hết công suất

Nhu cầu tăng

Những ngày gần đây, nhiều cơ sở ép dầu lạc ở phường Trần Nhân Tông (TP Hải Phòng) hoạt động hết công suất để phục vụ người dân. Là địa phương có vùng trồng lạc truyền thống, người dân nơi đây từ lâu đã có thói quen sử dụng dầu lạc trong chế biến món ăn hằng ngày. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu ép dầu tại nhà hoặc tại cơ sở ép thuê tăng mạnh. Nguyên nhân do tâm lý lo ngại trước tình trạng dầu ăn công nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường.

dau-lac-1-.jpg
Ngoài ép thuê cho người dân, sản phẩm dầu lạc của nhà anh Nguyễn Văn Thuần còn được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước

Tại cơ sở ép dầu của anh Nguyễn Văn Thuần, lượng nguyên liệu người dân mang đến ép đã tăng gấp 2 – 3 lần so với trước. “Có ngày tôi phải làm liên tục từ sáng tới tối mới kịp trả dầu cho khách. Trước đây mỗi người chỉ ép vài lít, giờ có người mang đến cả chục kg lạc, vừng để ép dùng dần”, anh Thuần chia sẻ.

Ngoài dịch vụ ép thuê, cơ sở của anh còn sản xuất dầu lạc đóng chai với chứng nhận OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể so với trước.

Cách đây hơn 1 năm, ông Nguyễn Trọng Đà ở xã Vĩnh Lại cũng đầu tư một chiếc máy ép gần 30 triệu đồng để làm dầu lạc. Ban đầu chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình, sau đó nhà ông sản xuất để kinh doanh. Ngoài việc ép dầu lạc để bán, ông còn nhận ép dầu lạc thuê cho những người có nhu cầu.

Theo ông Đà, sau khi có thông tin nhiều loại dầu ăn kém chất lượng bị phanh phui, lượng khách hàng của nhà ông đã tăng từ 30 – 40% so với trước đó. Dầu lạc được ông Đà bán từ 140.000 – 150.000 đồng/lít. Dù giá dầu lạc ép thủ công cao hơn hẳn so với dầu ăn thực vật sản xuất theo quy trình công nghiệp được bày bán trên thị trường, nhưng nhu cầu sử dụng của người dân vẫn rất lớn. Trung bình 2 kg lạc nhân sẽ ép được khoảng 1 lít dầu. Mặc dù giá thành cao, mất thời gian đi ép nhưng người dân vẫn ưu tiên sử dụng. Nhiều người không chỉ ép để sử dụng trong gia đình mà còn làm sẵn để gửi cho con cháu ở xa hoặc biếu người thân.

Sử dụng an toàn

dau-lac.jpg
Mặc dù giá thành cao nhưng nhiều hộ dân sẵn sàng mua dầu ép thủ công để sử dụng hằng ngày

Bà Nguyễn Thị Chín ở phường Lê Đại Hành chia sẻ: “Khu vực này có vùng trồng lạc lớn nên tôi và nhiều hộ dân ở đây thường dùng dầu lạc ép thủ công. Trước đây, tôi chỉ ép vài lít để ăn dần, giờ mỗi tháng phải ép cả chục lít cho ba thế hệ trong nhà. Dầu lạc tự ép thơm ngon, đậm vị và để được lâu mà không lo hóa chất hay chất bảo quản".

Theo bà Chín, tình trạng dầu ăn công nghiệp bị pha tạp, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc khiến bà và nhiều người khác mất niềm tin vào các sản phẩm đóng chai. Thay vào đó, việc tự tay chọn lạc nhân, mang đi ép hoặc ép tại nhà bằng máy gia đình mang lại sự an toàn cho sức khoẻ.

Bà Vũ Thị Bền ở phường Bắc An Phụ (TP Hải Phòng) cho biết: “Trước đây gia đình tôi vẫn thường mua dầu ăn đóng chai. Nhưng thời gian gần đây, thông tin về dầu giả, không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều nên tôi cảm thấy không yên tâm. Tôi bắt đầu chuyển sang dùng dầu lạc ép thủ công. Loại dầu này có màu vàng nhạt với mùi thơm tự nhiên đặc trưng, khi nấu ăn tôi cảm thấy ngon miệng hơn. Mặc dù, ép dầu lạc tốn công và chi phí cao hơn so với dùng dầu ăn công nghiệp nhưng sử dụng dầu lạc khiến gia đình tôi yên tâm hơn, không lo mua phải dầu ăn giả, dầu ăn bẩn”.

Theo tính toán của người dân, trung bình 10 kg lạc nhân cho ra khoảng 4 – 5 lít dầu, phần bã có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân bón. Với mức giá bán dầu lạc dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/lít, việc ép dầu không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình mà còn mở ra cơ hội kinh doanh nhỏ tại chỗ cho nhiều hộ dân.

Trước tình trạng thị trường thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, việc người dân tự cung tự cấp bằng cách trở về với phương pháp truyền thống đang được xem như một giải pháp bền vững và an toàn. Việc chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

TRANG HIỀN

Nguồn: https://baohaiphongplus.vn/lo-ngai-dau-an-cong-nghiep-nhieu-nguoi-dung-dau-lac-tu-ep-416734.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm