Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lý do ông Trump chưa thể khiến Apple 'mang iPhone về nhà'

Thực tế chuỗi cung ứng khiến các thương hiệu công nghệ khó dời dây chuyền sản xuất khỏi châu Á.

Zing NewsZing News09/05/2025

Thuế quan chưa thể khiến Apple sản xuất iPhone tại Mỹ. Ảnh: Nikkei.

Giữa bối cảnh thuế quan bủa vây, phản ứng đầu tiên của Apple không phải đẩy mạnh sản xuất tại Mỹ. Thay vào đó, công ty nhanh chóng chuyển hướng về Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trong tháng 4, Nikkei đưa tin nhiều đối tác của Apple tại Ấn Độ đã mua thêm thiết bị sản xuất iPhone. Kể cả CEO Tim Cook nhấn mạnh phần lớn iPhone bán ở Mỹ sẽ lắp ráp tại Ấn Độ, trong khi “gần như tất cả” thiết bị khác gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods được nhập khẩu từ Việt Nam.

Dù chưa rõ chiến lược dài hạn, thực tế trước mắt cho thấy động thái áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa thể đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ. Viễn cảnh này vẫn rất xa vời bất chấp ông Trump và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick luôn khẳng định điều ngược lại.

Chuỗi cung ứng phức tạp

Tuy được Apple và nhiều công ty tăng cường đầu tư để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Ấn Độ và Đông Nam Á phải vật lộn để cạnh tranh với Trung Quốc - đất nước sở hữu chuỗi cung ứng lớn và hiệu quả.

Apple đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Dù vậy, số liệu của Nikkei cho thấy tính đến năm 2023, khoảng 84% trong 187 nhà cung ứng hàng đầu của Táo khuyết vẫn có cơ sở cung cấp tại Trung Quốc.

Trong cùng giai đoạn, số lượng nhà cung ứng của Apple ở một số quốc gia khác gồm Việt Nam (35), Thái Lan (24) và Ấn Độ (14). Kế hoạch mở rộng bị hạn chế bởi thiếu hụt nhân công, chi phí tăng, khác biệt ngôn ngữ và văn hóa, cũng như động thái thắt chặt kiểm tra hải quan khi xuất khẩu thiết bị, vật liệu sản xuất khỏi Trung Quốc.

MacBook Made in Vietnam,  san xuat Viet Nam,  Apple tang gia iPhone,  Trump thue quan anh 1

Các cơ sở cung ứng của Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Việc chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng rất khó khăn. Ví dụ, một số MacBook, Mac mini và iMac dán nhãn “Made in Vietnam” hay “Made in Thailand” không đồng nghĩa toàn bộ linh kiện được sản xuất và lắp ráp trong nước.

Ví dụ với bảng mạch in (PCB), các nhà cung cấp lớn của Apple đầu tư dây chuyền dán bề mặt (SMT), lắp ráp và thử nghiệm cho MacBook, Mac mini tại Việt Nam, và iMac ở Thái Lan. SMT là quy trình gắn chip xử lý, chip ngoại vi lên PCB - một trong những thành phần đắt nhất của thiết bị.

Dù vậy, nguồn tin trong ngành cho biết bo mạch của một số MacBook, Mac mini và iMac vẫn được chuyển trở lại Thành Đô, Thâm Quyến và Thượng Hải để hoàn thiện lắp ráp. Lý do bởi việc vận chuyển một số thành phần ra khỏi Trung Quốc hiện chưa khả thi, bao gồm vỏ kim loại, bộ phận cơ khí và đầu nối.

“Ví dụ, vỏ kim loại của MacBook sử dụng một mảnh khuôn đúc với chỉ vài con vít, vốn phức tạp và khó lắp ráp hơn những laptop khác.

Điều này đòi hỏi máy đúc kim loại chuyên dụng, cùng kỹ thuật viên và công nhân lành nghề, những yếu tố chỉ có thể đáp ứng tại Trung Quốc với số lượng đạt yêu cầu”, giám đốc một công ty cung ứng linh kiện MacBook cho biết.

Khó khăn về nhân công, chi phí

CEO Tim Cook từng nhấn mạnh lợi thế sản xuất của Trung Quốc không chỉ nằm ở chi phí.

“Tại Mỹ, bạn có thể tổ chức cuộc họp với các kỹ sư gia công, nhưng tôi không chắc thành viên tham gia đủ một căn phòng. Ở Trung Quốc, số lượng có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá”, Cook nhấn mạnh.

Đối với iPhone, thiết bị này chứa ít nhất 1.500 linh kiện và bộ phận, khó lắp hơn MacBook. David Dai, nhà phân tích công nghệ tại Bernstein Research, thừa nhận rất khó để bất cứ nhà sản xuất linh kiện với biên lợi nhuận gộp dưới 20% chuyển sản xuất sang Mỹ. Một trong những lý do đến từ số lượng lao động.

MacBook Made in Vietnam,  san xuat Viet Nam,  Apple tang gia iPhone,  Trump thue quan anh 2

MacBook Air M2. Ảnh: Bloomberg.

“Trên thực tế, bạn không thể tìm đủ người cho những công việc này tại Mỹ. Ấn Độ là ví dụ cho thấy việc chuyển sản xuất sang địa điểm mới rất khó khăn. Apple đã kỳ vọng chuyển một phần iPhone lắp ráp sang Ấn Độ. Nhưng nhiều năm trôi qua, thị phần iPhone đến từ Ấn Độ vẫn chưa đến 20%”, Dai cho biết.

Tiền lương cũng là vấn đề khác. Nhà phân tích Ivan Lam từ Counterpoint Research cho biết chi phí nhân công cao và thuế quan sẽ không đủ thuyết phục Apple sản xuất iPhone tại Mỹ.

“Giai đoạn lắp ráp hoàn thiện iPhone không có khả năng diễn ra tại Mỹ, chưa nói đến toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện điện tử. Chỉ cần so sánh lương trung bình của lao động chân tay tại Trịnh Châu (Trung Quốc) với Detroit (bang Michigan) sẽ thấy chi phí cao hơn nhiều lần”, Lam nhận định.

Thế khó của đối tác

Phần lớn thiết bị điện tử tiêu dùng vẫn sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc. Theo Counterpoint Research, quốc gia này sản xuất 64% smartphone trên toàn cầu vào năm ngoái, cùng 79% laptop và 72% TV.

Trong khi căng thẳng địa chính trị và bất ổn thuế quan dự kiến đẩy nhanh dịch chuyển khỏi Trung Quốc, lý do khác khiến những thương hiệu chưa vội lắp ráp ở Mỹ đến từ sự không ổn định của ông Trump.

Theo Nikkei, một trong những câu hỏi lớn là chuyện gì xảy ra sau khi kết thúc 90 ngày hoãn thuế đối ứng. Các nhà cung ứng vẫn chờ đợi chính quyền ông Trump công bố thuế riêng với smartphone, laptop.

Lãnh đạo các công ty cởi mở nói về thách thức. Paul Peng, Chủ tịch nhà sản xuất màn hình AUO kiêm Chủ tịch Hiệp hội Máy tính Đài Bắc, cho biết chi phí vận hành chuỗi cung ứng đã tăng 10% khi khách hàng yêu cầu xây dựng mạng lưới thay thế tại Việt Nam. Kể từ đó, các cơ sở phải làm rất nhiều việc để giảm chi phí hoạt động.

“Nếu đưa hoạt động sản xuất đến Mỹ, cơ cấu chi phí sẽ không phải 10%, có thể đạt 100% hoặc cao hơn”, Peng cho biết.

MacBook Made in Vietnam,  san xuat Viet Nam,  Apple tang gia iPhone,  Trump thue quan anh 3

iPhone trưng bày trong một cửa hàng Apple tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Theo ông, Mỹ không có nền tảng vững chắc để sản xuất công nghệ hoặc xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ, hiệu quả vận hành cũng không bằng châu Á.

“TSMC là ví dụ điển hình. Họ mất 4 năm để xây dựng nhà máy tại Arizona, trong khi ở Đài Loan chỉ mất 18 tháng”, Peng nhấn mạnh.

T.H. Tung, Chủ tịch Pegatron, công ty lắp ráp iPhone, cho rằng Mỹ là thị trường quan trọng nhưng không đại diện cả thế giới.

“Chúng ta không nên để bất ổn thuế quan làm gián đoạn chiến lược chuỗi cung ứng tại những thị trường khác”, Tung nói thêm.

Stan Shih, nhà sáng lập hãng máy tính Acer, nhớ lại khi mới thành lập công ty, ông được khách hàng yêu cầu sản xuất một số sản phẩm tại Mỹ. Dù vậy, công ty đã từ chối do không thể kiếm lợi nhuận.

“Các nhà cung ứng nên bình tĩnh. Bạn có thể không lựa chọn chiến lược này nếu việc sản xuất tại Mỹ gây thua lỗ”, Shih nhấn mạnh.

Nguồn: https://znews.vn/ly-do-ong-trump-chua-the-khien-apple-dua-iphone-ve-nha-post1550662.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm