Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mái nhà của những mảnh đời kém may mắn

Suốt hơn 2 thập kỷ, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Long An trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hàng trăm người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật, người bệnh tâm thần, trẻ mồ côi và cả những ai từng lạc bước trong hành trình cuộc sống. Trung tâm như một mái nhà tràn đầy tình thương của những phận đời kém may mắn.

Báo Long AnBáo Long An28/05/2025

85_571_ba-luy.jpg

Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chăm sóc bà Nguyễn Thị Lũy, người đã gắn bó tại đây suốt 26 năm

Vun đắp yêu thương

Bà Nguyễn Thị Lũy (SN 1952) bị sốt bại liệt vào năm 2 tuổi, di chứng khiến bà đi lại trở nên khó khăn. Khi được Trung tâm CTXH tỉnh nhận và chăm sóc, với sự kiên trì, ân cần của đội ngũ nhân viên, bà Lũy dần mở lòng, gác lại những mặc cảm trước đó.

Suốt 26 năm sống tại Trung tâm, bà không còn phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Những sinh hoạt thường nhật, những lần trò chuyện với nhân viên tại Trung tâm, dần trở thành sợi dây gắn kết giữa bà và những người xung quanh.

Tuổi cao, sức khỏe không còn như trước nhưng nụ cười vẫn luôn hiện hữu trên gương mặt bà. Mỗi lần có buổi sinh hoạt chung hay văn nghệ, bà đều cố gắng ngồi xe lăn tham gia, không chỉ để vui mà còn để lan tỏa năng lượng tích cực đến những người cùng cảnh ngộ.

Ở tuổi xế chiều, đáng lẽ được sống bên con cháu, những con người nơi đây lại lặng lẽ gắn bó với Trung tâm - nơi họ gọi là “ngôi nhà thứ hai”. Họ không cảm thấy cô đơn vì nơi đây, họ tìm thấy nhau giữa những câu chuyện đời, những bài ca xưa cũ được cất lên trong các buổi sinh hoạt chung.

Ông Trần Chí Dũng - người đã gắn bó với Trung tâm hơn 13 năm qua, chia sẻ: “Ở đây, tụi tôi được trò chuyện, ca hát, chơi thể thao. Dù không phải ruột thịt nhưng mọi người rất thân thiết. Bản thân tôi trước đây hay bị đau đầu, mất ngủ. Vậy mà nhờ sinh hoạt điều độ, ăn uống đúng giờ, tôi thấy khỏe hơn, bệnh tình cũng thuyên giảm”.

Trung tâm như một chốn bình yên, nơi những phận đời yếu thế được chăm sóc bằng tất cả sự tử tế, yêu thương và sẻ chia chân thành. Nhiều người trong số họ từng đi qua những tháng ngày thiếu thốn tình thân, không nơi nương tựa nhưng tại đây, họ được đón nhận, được lắng nghe và từng bước tìm lại cảm giác được sống trong vòng tay của một đại gia đình.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

85_323_cau-long.jpg

Các “học viên” chơi cầu lông trong hoạt động thể dục buổi sáng

Những năm qua, Trung tâm CTXH tỉnh luôn duy trì hoạt động thể dục buổi sáng cho người cao tuổi và người bệnh tâm thần, giúp họ tăng cường thể lực, ổn định tinh thần. Từ đầu năm 2025, công tác tập vật lý trị liệu được tổ chức thường xuyên với gần 400 lượt, hỗ trợ hiệu quả quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Theo Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh - Lê Văn An, Trung tâm đang chăm sóc hơn 420 người, trong đó có 371 người bị khuyết tật thần kinh tâm thần. Bên cạnh theo dõi diễn biến sức khỏe hàng ngày, đưa đối tượng đi khám bệnh định kỳ và làm các xét nghiệm, công tác chăm lo đời sống tinh thần được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Trong đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để giúp các đối tượng sống vui, sống khỏe và có thêm nghị lực trong cuộc sống.

Trung tâm cũng đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa nhằm huy động thêm nguồn lực hỗ trợ các hoạt động chăm lo đời sống người yếu thế. Quí I/2025, Trung tâm tiếp đón hơn 340 lượt tổ chức, cá nhân đến thăm và tặng quà với tổng số tiền và hiện vật quy đổi trị giá hơn 1,8 tỉ đồng. Các hoạt động không chỉ là nguồn hỗ trợ thiết thực về vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm, lan tỏa tình thương của cộng đồng đối với những phận đời kém may mắn.

Chị Nguyễn Phương Thùy (phường 1, TP.Tân An) là một trong những người thường xuyên đồng hành cùng Trung tâm. Chị chia sẻ: “Mỗi lần đến Trung tâm, nhóm chúng tôi không chỉ đến để trao vài phần quà, suất ăn mà còn mang theo tấm lòng, để cô chú cảm nhận rõ rằng xã hội vẫn có người dõi theo, yêu thương và sẵn sàng sẻ chia. Chỉ mong sao các cô chú luôn khỏe mạnh và nếu có thể, có ngày được trở về đoàn tụ với người thân”.

Từ sự đổi mới trong công tác lãnh, chỉ đạo của Ban Giám đốc đến sự nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên, đến nay, công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng tại Trung tâm CTXH tỉnh được thực hiện một cách khoa học và hiệu quả, góp phần quan trọng từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng.

Trung tâm vẫn lặng lẽ làm “điểm tựa” cho những phận người kém may mắn, nơi mà mỗi người, dù từng lạc lõng hay tổn thương, vẫn có thể tìm lại nụ cười, nuôi dưỡng sự lạc quan, có thêm động lực để vươn lên và từng bước hòa nhập với cộng đồng./.

Mỹ Uyên

Nguồn: https://baolongan.vn/mai-nha-cua-nhung-manh-doi-kem-may-man-a196051.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm