Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số

(Dân trí) - Trong bối cảnh công nghệ chuyển mình mạnh mẽ, khái niệm "khoa học công nghệ vị nhân văn" ngày càng trở nên quan trọng.

Báo Dân tríBáo Dân trí09/05/2025

Không đi theo lối mòn mạng xã hội giải trí, YooLife lựa chọn một hành trình thách thức hơn: Làm sống dậy văn hóa, lịch sử dân tộc bằng công nghệ AI, IoT và VR360, phục vụ cộng đồng học tập, trải nghiệm và gìn giữ bản sắc Việt để đúng với tinh thần một nền tảng công nghệ Make in Vietnam vì người Việt. 

Phóng viên báo Dân trí đã trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Tùng, người sáng lập mạng xã hội này để tìm hiểu triết lý công nghệ vị nhân văn mà đội ngũ khởi nghiệp này đang theo đuổi.

 Hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam"

Ông có thể chia sẻ về bối cảnh và ý tưởng đột phá dẫn đến sự ra đời của nền tảng số YooLife không?

- Vào khoảng đầu năm 2020, chúng tôi bắt đầu tự đặt ra một câu hỏi lớn: "Nếu không phải người Việt, thì ai sẽ là người dùng công nghệ để kể lại câu chuyện Việt Nam - với 4.000 năm lịch sử và một nền văn hóa phong phú đến vậy?"

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 1

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhà sáng lập mạng xã hội thực tế ảo YooLife - sản phẩm trong hệ sinh thái của YooTek Holdings.

Chúng tôi tin rằng, công nghệ không chỉ là công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn có thể trở thành một cây cầu kết nối quá khứ với tương lai - giúp thế hệ trẻ hôm nay không bị đứt gãy khỏi dòng chảy văn hóa dân tộc.

Cũng vào thời điểm đó, chủ trương "Make in Vietnam" bắt đầu được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, với thông điệp rất rõ: không chỉ làm ra sản phẩm, mà phải làm chủ được tư duy thiết kế, công nghệ lõi và toàn bộ chuỗi giá trị.

Chính định hướng này đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và động lực để chuyển mình - từ vai trò tích hợp hệ thống sang khát vọng kiến tạo, từ việc triển khai công nghệ nước ngoài sang tự xây dựng những nền tảng công nghệ thuần Việt.

Và YooLife được hình thành từ chính khát vọng ấy: sử dụng công nghệ để bảo tồn và làm sống lại những giá trị văn hóa đang dần mai một - từ lịch sử, di sản, kiến trúc, âm nhạc, ký ức cộng đồng, hướng tới xây dựng xã hội thông minh. Đây là một nền tảng số "thuần Việt" đúng nghĩa, phản ánh trọn vẹn tinh thần "Make in Vietnam vì người Việt" mà chúng tôi luôn hướng tới.

Vậy định hướng công nghệ lõi ban đầu của YooLife là gì, thưa ông?

- Ngay từ khi bắt đầu xây dựng YooLife, điều khiến chúng tôi trăn trở nhất không phải là công nghệ nào tiên tiến nhất, mà là công nghệ đó có thể tạo ra ý nghĩa lớn như thế nào. Với chúng tôi, ý nghĩa lớn nhất chính là làm sao gìn giữ, phục dựng và lan tỏa được dòng chảy văn hóa - lịch sử của dân tộc đã kéo dài suốt 4.000 năm.

Chúng tôi không lựa chọn AI, IoT hay VR360 chỉ vì đó là những công nghệ "hot". Điều khiến chúng tôi gắn bó với chúng, là vì chúng mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới, cho phép người Việt - đặc biệt là thế hệ trẻ - "chạm" vào văn hóa dân tộc bằng trải nghiệm thật sự sống động.

Thay vì chỉ đọc vài dòng sách về một trận đánh hào hùng, hay nhìn lướt qua bức ảnh tĩnh của một di tích cổ, người dùng có thể trực tiếp "bước vào" không gian ấy. Họ có thể đứng giữa điện Thái Hòa, nghe tiếng trống hội vang lên, cảm nhận kiến trúc, màu sắc, không khí như đang sống trong một buổi thiết triều được tái dựng bằng công nghệ 3D/VR, AR. Đó là thứ trải nghiệm mà sách vở hay hình ảnh 2D không thể mang lại.

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 2

YooLife đạt giải bạc Make in Vietnam hạng mục sản phẩm công nghệ số tiềm năng 2024.

Với chúng tôi, YooLife không phải là một nền tảng kỹ thuật số đơn thuần. Chúng tôi mong muốn nơi đây trở thành một không gian văn hóa sống, nơi những ký ức tưởng chừng đã bị lãng quên được kể lại bằng ngôn ngữ công nghệ, nơi người trẻ có thể vừa học, vừa cảm, vừa kết nối.

Chúng tôi gọi đó là cách "kể chuyện Việt Nam bằng công nghệ Việt" - cũng chính là tinh thần mà Make in Vietnam đang theo đuổi. Bởi một khi công nghệ xuất phát từ nhu cầu gìn giữ bản sắc dân tộc, nó sẽ mang trong mình một sức sống rất khác: bền bỉ hơn, sâu sắc hơn và lan tỏa lâu dài hơn.

Từ một nền tảng kỹ thuật số, điều gì đã thúc đẩy YooLife phát triển thành một mạng xã hội như hiện nay?

- Khi bắt đầu phát triển YooLife, chúng tôi định hướng, đây sẽ là một nền tảng số mở AIoT Platform - nhằm số hóa căn hộ, tòa nhà, khu đô thị, và từng bước xây dựng nên các cộng đồng cư dân thông minh.

Tuy nhiên, càng đi sâu, chúng tôi càng nhìn thấy một khoảng trống lớn hơn và quan trọng hơn: sự thiếu vắng các nền tảng Việt có khả năng gìn giữ và kể lại các giá trị văn hóa, lịch sử một cách đúng nghĩa trong thời đại số.

Hiện nay, phần lớn các mạng xã hội đều tập trung vào nội dung giải trí nhanh, đặc biệt là short video (video ngắn). Không khó để nhận ra rằng phần lớn trong số đó là nền tảng ngoại, và kéo theo là sự lan tỏa mạnh mẽ của nội dung, thẩm mỹ và tư duy văn hóa ngoại nhập. Trong bối cảnh đó, bản sắc văn hóa Việt nếu không được bảo vệ và làm mới bằng chính công nghệ Việt, thì rất dễ bị lãng quên hoặc lu mờ.

Chúng tôi hiểu rằng việc xây dựng một mạng xã hội cạnh tranh trực diện với những "gã khổng lồ" như Facebook, TikTok hay YouTube là điều gần như không khả thi.

Thực tế, các start-up Việt Nam đã từng có những nỗ lực, nhưng kết quả còn khá khiêm tốn. Vì thế, chúng tôi chọn một hướng đi khác: Không cạnh tranh về độ giải trí, mà tập trung vào những giá trị lâu dài mà các nền tảng lớn chưa khai thác - đó là văn hóa, lịch sử và ký ức cộng đồng Việt Nam theo một hình thái thể hiện nội dung hoàn toàn mới.

YooLife phát triển dựa trên ba trụ cột công nghệ là AI, IoT và VR360. Với nền tảng này, chúng tôi không chỉ tái hiện một không gian sống hay một địa điểm du lịch, mà có thể số hóa cả một làng nghề truyền thống, một lễ hội cổ truyền, hay thậm chí là một lối sống đã tồn tại qua nhiều thế hệ.

Bên cạnh đó, người dùng còn có thể trải nghiệm, tương tác, và hiểu sâu hơn về những giá trị đang dần mai một - điều mà sách vở hay ảnh tĩnh khó có thể truyền tải hết được.

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 3
Chỉ khi văn hóa được kể lại bằng công nghệ theo cách gần gũi, sống động và có chiều sâu, thì những giá trị ấy mới có thể chạm tới người trẻ, được gìn giữ một cách tự nhiên, không áp đặt, và sống tiếp trong đời sống số hôm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng Nhà sáng lập mạng xã hội thực tế ảo YooLife - sản phẩm trong hệ sinh thái của YooTek Holdings.

Chúng tôi tin rằng, chỉ khi văn hóa được kể lại bằng công nghệ theo cách gần gũi, sống động và có chiều sâu, thì những giá trị ấy mới có thể chạm tới người trẻ, được gìn giữ một cách tự nhiên, không áp đặt, và sống tiếp trong đời sống số hôm nay.

Hành trình định hình sản phẩm YooLife từ ý tưởng đến thực tế đã diễn ra như thế nào, có khác biệt gì so với hình dung ban đầu không, thưa ông?

- Chắc chắn là có sự khác biệt và tiến hóa trong suốt quá trình phát triển. Sản phẩm công nghệ không thể đóng khung ngay từ đầu, mà phải được đưa ra thị trường, thử nghiệm thực tế, lắng nghe phản hồi, rồi liên tục điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu người dùng và bối cảnh xã hội.

Phiên bản đầu tiên của YooLife tập trung vào bài toán số hóa cho căn hộ, tòa nhà và khu đô thị, hướng đến việc xây dựng các cộng đồng cư dân thông minh.

Đây cũng là xu hướng mà nhiều chủ đầu tư lớn theo đuổi, nhằm phát triển những công trình bền vững theo chuẩn ESG. Ở giai đoạn đó, công nghệ lõi mà chúng tôi ưu tiên là IoT, nhằm kết nối thiết bị, quản lý dữ liệu và tối ưu vận hành trong môi trường sống.

Tuy nhiên, khi sản phẩm được triển khai thực tế, chúng tôi nhanh chóng nhận ra một nhu cầu lớn hơn nhiều: người dùng không chỉ muốn kết nối trong không gian sống vật lý, mà còn mong muốn kết nối sâu hơn với xã hội, với cộng đồng, với văn hóa và các giá trị tinh thần.

Họ dành nhiều thời gian trên các mạng xã hội, nhưng phần lớn chỉ tiếp cận được nội dung giải trí nhanh, thiếu chiều sâu. Điều đó khiến chúng tôi đặt lại câu hỏi về vai trò thực sự của nền tảng số - và bắt đầu định hình lại YooLife theo hướng rộng mở hơn.

Từ đó, chúng tôi phát triển một tư duy mới: xây dựng một nền tảng số hợp nhất - số hóa từ nhà ra phố, lấy AI, IoT và công nghệ 3D/VR làm trụ cột, để tạo nên một mạng xã hội thực tế ảo tiên phong do người Việt phát triển. Nhưng điều quan trọng nhất không nằm ở công nghệ, mà ở cách công nghệ được sử dụng để phục vụ con người và gìn giữ bản sắc.

Hiện nay, YooLife không chỉ tái dựng lại những không gian 3D đẹp mắt, mà tìm đến những địa điểm mang dấu ấn lịch sử, văn hóa - từ di tích quốc gia, làng nghề truyền thống, bảo tàng cho đến các công trình tâm linh - để thổi hồn vào công nghệ, đưa trải nghiệm trở nên sống động và có chiều sâu.

Đặc biệt, YooLife không đi một mình. Chúng tôi chủ động phối hợp với các địa phương, trung tâm bảo tồn, trường học, bảo tàng và doanh nghiệp, để cùng nhau số hóa di sản trên khắp bản đồ chữ "S".

Tại nhiều nơi, chúng tôi không chỉ thực hiện dự án mà còn hướng dẫn đối tác địa phương cách dựng nội dung, cách kể lại câu chuyện văn hóa bằng công nghệ, và chuyển giao công cụ cần thiết - để họ có thể tự chủ động số hóa chính di sản của mình, rồi chia sẻ lên YooLife.

Chúng tôi muốn YooLife trở thành một không gian văn hóa mở, nơi mọi người có thể cùng nhau góp phần giữ gìn bản sắc Việt - bằng chính công cụ của thời đại số. Công nghệ, trong trường hợp này, không đứng ngoài văn hóa; mà trở thành một phần của văn hóa, là cách để di sản tiếp tục sống, lan tỏa, và được thế hệ trẻ hiểu, tiếp nhận theo cách của chính họ.

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 4

Công cụ sáng tạo nội dung ảo hóa YooStudio phục vụ cộng đồng sáng tạo nội dung số theo xu hướng marketing 6.0.

Ứng dụng AI, IoT và VR360 làm sống dậy lịch sử, bản sắc Việt

Ông đánh giá thế nào về việc đón nhận và sử dụng các công nghệ mới như AI của người Việt Nam hiện nay?

- AI thực sự là một phát minh lớn, tạo đột phá gần đây. Sự phổ biến nhanh chóng của nó đến từ mấy yếu tố:

Điển hình như ChatGPT rất đơn giản, ai cũng dùng được, nó như mô phỏng bộ não con người với kho kiến thức khổng lồ và khả năng suy luận logic, đưa ra câu trả lời hữu ích.

Đặc biệt, AI ngày càng có khả năng xử lý dữ liệu, phân tích hình ảnh, video, văn bản (computer vision, natural language processing) và tự học tốt hơn.

Tuy nhiên, cần phân biệt AI tổng quát (General AI như Chat GPT) và AI tạo sinh (AI Agents). YooLife tập trung vào AI ứng dụng tạo sinh, tức là đưa các mô hình AI (mã nguồn mở và tự phát triển) vào giải quyết các bài toán cụ thể trong nền tảng của mình để nâng cao giá trị sản phẩm.

Người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, rất nhanh nhạy với công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Họ đón nhận và tìm cách ứng dụng vào công việc, cuộc sống.

Với các sản phẩm như YooLife, khi người dùng thấy được lợi ích thiết thực và trải nghiệm độc đáo mà AI, 3D/VR mang lại, họ sẽ sẵn sàng đón nhận. Quan trọng là sản phẩm phải thực sự giải quyết được vấn đề hoặc mang lại giá trị mới mẻ.

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 5

Những đứa trẻ thích thú khi trải nghiệm YooLife.

Trên tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển đột phá công nghệ, theo ông, đâu là những khó khăn về chính sách mà các công ty khởi nghiệp như YooLife đang gặp phải và cần tháo gỡ?

- Khó khăn lớn nhất của các startup, theo chúng tôi, vẫn là nguồn lực - đặc biệt là vốn và con người. Khác với doanh nghiệp truyền thống, mô hình startup gần như đi ngược: phải đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, phát triển và xây dựng đội ngũ trước khi có thể tạo ra sản phẩm, rồi mới bắt đầu tính đến doanh thu.

Hiện tại, dù đã có một số quỹ đầu tư dành cho khởi nghiệp, nhưng vướng mắc lớn nhất lại nằm ở cơ chế giải ngân. Vốn có thể sẵn, nhưng gần như "khó tiêu" cho các hoạt động R&D hay đổi mới sáng tạo, vì còn tâm lý e ngại rủi ro và trách nhiệm giải trình nếu dự án thất bại - trong khi ai cũng hiểu, startup là lĩnh vực mà rủi ro và thất bại là một phần của hành trình đi đến cái mới.

Chúng tôi cũng nhận thấy thiếu hụt các cơ chế khuyến khích mạnh mẽ, như sandbox (khung thử nghiệm pháp lý) hay các chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm "Make in Vietnam" trong thị trường nội địa. Đây lẽ ra phải là "vườn ươm" ban đầu giúp sản phẩm công nghệ Việt có cơ hội được kiểm chứng, ứng dụng thực tế và trưởng thành ngay tại chính sân nhà.

Điều chúng tôi kỳ vọng là Nhà nước có thể sớm xây dựng một cơ chế quỹ đầu tư mạo hiểm minh bạch, linh hoạt, với tư duy chấp nhận rủi ro trong giai đoạn đầu của startup, đặc biệt là với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghệ lõi.

Cần có các tiêu chí rõ ràng, chương trình công khai, và đầu mối cụ thể để startup dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, cần triển khai mạnh mẽ các mô hình sandbox, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong không gian được pháp lý bảo hộ, thay vì bị bó buộc bởi những quy định vốn dành cho mô hình truyền thống.

Cũng rất cần có chính sách "vườn ươm" bài bản hơn: lựa chọn, đánh giá, sàng lọc các startup tiềm năng như cách tổ chức thi học sinh giỏi - sau đó có quy trình đầu tư, hỗ trợ bài bản để từng bước tạo ra những "kỳ lân công nghệ" Việt có khả năng cạnh tranh quốc tế. Điều quan trọng là phải quan tâm đến cộng đồng startup nhỏ và vừa, vì đây mới là nơi các ý tưởng đột phá thường nảy sinh - chứ không chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn đã định hình.

Tôi cho rằng, Nghị quyết 57 là một tín hiệu rất tích cực - nó cho thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thực sự nhìn nhận đúng vấn đề và đặt ra những định hướng tháo gỡ rất rõ ràng.

Điều chúng tôi mong chờ nhất lúc này là những chính sách cụ thể sớm được ban hành, triển khai nhanh và đi vào thực tiễn, để cộng đồng startup công nghệ có thể yên tâm theo đuổi hành trình dài hơi - hành trình làm ra sản phẩm Việt bằng công nghệ Việt, cho các vấn đề của người Việt.

Theo ông, đâu là những lĩnh vực công nghệ chiến lược mà Việt Nam có tiềm năng và nên tập trung phát triển trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng có một số lĩnh vực công nghệ lõi mà Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để phát triển và tạo ra sự bứt phá thực sự:

Thứ nhất là AI, Việt Nam có lợi thế rõ rệt về nguồn nhân lực toán học và khoa học tự nhiên, một phần nhờ vào truyền thống hiếu học lâu đời, phần khác là nhờ sự đầu tư sớm vào giáo dục STEM trong những năm gần đây. Thêm vào đó, việc các tập đoàn công nghệ lớn đặt trung tâm R&D tại Việt Nam cũng mở ra cơ hội tiếp cận kiến thức, công nghệ và hệ sinh thái toàn cầu cho đội ngũ kỹ sư trong nước.

Thứ hai là IoT và 5G - được xem là huyết mạch của hạ tầng số, với phạm vi ứng dụng cực kỳ rộng: từ đô thị thông minh, công nghiệp 4.0, đến nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam đang chuyển đổi rất mạnh ở những lĩnh vực này, nên dư địa phát triển cho IoT và 5G vẫn còn rất lớn, đặc biệt nếu được hỗ trợ bởi các chính sách mở và khung thử nghiệm linh hoạt.

Mạng xã hội YooLife và lối đi thách thức giữa bão chuyển đổi số - 6
Công nghệ 3D/VR/AR vốn mới mẻ, nhưng đầy tiềm năng. Dù các tập đoàn như Meta đang đi trước, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chọn hướng đi riêng và tạo ra khác biệt, đặc biệt khi ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực có chiều sâu như văn hóa, giáo dục và du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng Nhà sáng lập mạng xã hội thực tế ảo YooLife - sản phẩm trong hệ sinh thái của YooTek Holdings.

Thứ ba là bán dẫn: Đây là lĩnh vực mang tính chiến lược và dài hạn. Bán dẫn là trái tim của mọi thiết bị phần cứng, từ điện thoại, xe điện đến vệ tinh. Nếu muốn thực hiện đúng tinh thần "Make in Vietnam", thì việc làm chủ được con chip, tức là làm chủ từ gốc là điều tất yếu.

Đây là mảng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nhưng nếu làm bài bản, có thể tạo ra vị thế khác biệt cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cuối cùng là 3D/VR/AR vốn mới mẻ, nhưng đầy tiềm năng. Dù các tập đoàn như Meta đang đi trước, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chọn hướng đi riêng và tạo ra khác biệt, đặc biệt khi ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực có chiều sâu như văn hóa, giáo dục và du lịch.

Đó cũng chính là hướng mà YooLife đang theo đuổi - tạo bản sao số của thế giới thực, nơi di sản, ký ức và giá trị cộng đồng có thể được giữ gìn và lan tỏa bằng trải nghiệm số. Lĩnh vực này không chỉ mang tính công nghệ, mà còn gắn liền với sứ mệnh gìn giữ bản sắc văn hóa Việt bằng chính công cụ của thời đại số, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số mà Chính phủ đang ưu tiên.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!

Ảnh: Quyết Thắng

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/mang-xa-hoi-yoolife-va-loi-di-thach-thuc-giua-bao-chuyen-doi-so-20250509113726428.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm