Theo đó, sau khoảng 8 giờ bay, một nam hành khách 61 tuổi, quốc tịch Việt Nam bị xuất hiện triệu chứng khó thở, thiếu oxy. Ngay lập tức, tổ tiếp viên đã phát đi thông báo kêu gọi hỗ trợ từ các bác sĩ, nhân viên y tế tự nguyện có mặt trên chuyến bay. Với sự phối hợp của một hành khách là bác sĩ, tổ bay đã tiến hành sơ cứu và cung cấp bình oxy cho hành khách.
Tuy nhiên, trước diễn biến sức khỏe nghiêm trọng của hành khách, tổ bay đã quyết định chuyển hướng và hạ cánh xuống sân bay gần nhất là Erzurum (Thổ Nhĩ Kỳ) để kịp thời tiếp nhận hỗ trợ y tế từ mặt đất.
Các đơn vị tại sân bay đã phối hợp nhanh chóng tiếp cận máy bay ngay sau khi hạ cánh.
Hành khách được chuyển tới bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị, đi cùng có người thân.
Sau khi làm thủ tục cần thiết và xin cấp phép từ nhà chức trách, chuyến bay VN37 đã cất cánh trở lại lúc 15 giờ ngày 6/5/2025 (giờ Việt Nam) để tiếp tục hành trình đến Frankfurt.
Dù bị chậm hơn 6 tiếng so với kế hoạch, quyết định điều chỉnh hành trình để hỗ trợ y tế kịp thời cho hành khách đã nhận được sự chia sẻ và đồng thuận từ toàn bộ hành khách trên chuyến bay.
![]() |
Hành trình chuyến bay. |
Mặc dù điều chỉnh hành trình bay phát sinh nhiều chi phí liên quan nhiên liệu, mặt đất và sắp xếp lại lịch trình, nhưng sự an toàn và sức khỏe của hành khách luôn là ưu tiên hàng đầu mà Hãng hàng không Quốc gia cam kết theo đuổi.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã nhiều lần thực hiện chuyển hướng hạ cánh để hỗ trợ hành khách gặp sự cố sức khỏe.
Gần đây nhất, vào ngày 11/1/2025, chuyến bay VN1602 từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội đã phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng để cấp cứu hành khách cần trợ giúp sức khỏe. Hay vào tháng 12/2024, chuyến bay VN307 của Vietnam Airlines từ Tokyo (Narita, Nhật Bản) đến Thành phố Hồ Chí Minh phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đào Viên (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc) để cấp cứu hành khách.
Nguồn: https://nhandan.vn/may-bay-vietnam-airlines-ha-canh-xuong-tho-nhi-ky-cap-cuu-hanh-khach-post877744.html
Bình luận (0)