Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Minh bạch, công bằng trong tuyển sinh đầu cấp

Từ năm học 2026-2027 tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức áp dụng nguyên tắc “nhà gần trường” để tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 trên phạm vi toàn quốc thay vì theo địa giới hành chính cấp phường như trước đây.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân25/05/2025

Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai từ năm 2023 với hiệu quả bước đầu khá tích cực, thì tại Hà Nội, việc giữ nguyên phân tuyến theo địa giới hành chính cũ đang gây không ít băn khoăn cho phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính.

Hà Nội giữ ổn định tuyển sinh đầu cấp

Chị Đặng Kim Hương, một phụ huynh tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đang chuẩn bị cho con trai vào lớp 1 năm học 2025-2026. Trường tiểu học Yên Sở nằm gần nhà chị, vốn thuộc phường Yên Sở, nhưng theo phương án sắp xếp mới, khu vực này sẽ thuộc một phường khác là phường Hoàng Mai.

“Hộ khẩu hiện tại của gia đình tôi là ở phường Yên Sở. Nhưng khi có chủ trương sáp nhập phường, khu vực nhà tôi nằm giáp ranh, thuộc tổ 15 của phường Yên Sở mới. Điều này khiến gia đình rất lo lắng vì khu vực này không có trường học gần nhà”, chị Hương chia sẻ, giọng đầy trăn trở.

Tương tự, ở bậc trung học cơ sở (THCS), những thay đổi về địa giới hành chính cũng gây không ít băn khoăn. Ông Đỗ Hữu Mẫn, một phụ huynh tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn con được học trường gần nhà để việc đưa đón thuận tiện. Nhất là với những gia đình chỉ có ông bà đưa đón, khoảng cách gần là rất quan trọng”.

Trường trung học cơ sở Mai Động, nơi con ông Mẫn dự kiến theo học, hiện thuộc quận Hoàng Mai nhưng từ ngày 1/7/2025 sẽ nằm trên địa giới phường Vĩnh Tuy, thuộc quận Hai Bà Trưng. Sự thay đổi này khiến nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc liệu con em mình có còn được học tại ngôi trường quen thuộc này hay không.

Tình trạng “gần nhà nhưng thành xa ngõ” cũng từng xảy ra tại quận Nam Từ Liêm. Đầu năm học 2024-2025, hơn 300 phụ huynh đến Trường tiểu học Tây Mỗ 3 phản ánh việc con không được học tại trường trong khi gia đình họ ở gần ngay cạnh trường. Họ phải di chuyển 4km cho con đến học ở Trường tiểu học Lý Nam Đế. Chị Phạm Thị Minh Huyền, một phụ huynh, bức xúc: “Đường đi lại khó khăn, gia đình tôi tốn gần 1 triệu đồng/tháng để thuê xe đưa đón con”.

Trước những lo lắng của phụ huynh, ngành giáo dục Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp để bảo đảm công tác tuyển sinh diễn ra suôn sẻ. Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Mai Động chia sẻ: “Học sinh ở khu vực giáp ranh, bao gồm một phần các phường: Mai Động cũ, Vĩnh Hưng, Hoàng Văn Thụ và Vĩnh Tuy cũ, vẫn có thể đăng ký học tại trường như các năm trước. Hiện tại, chưa có thay đổi gì trong chỉ đạo, phụ huynh có thể tham gia tuyển sinh trực tuyến đúng lịch từ ngày 7/7 như bình thường”.

Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Sở cho biết: “Việc tuyển sinh năm học tới sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến, thủ tục rất đơn giản và thuận tiện. Nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ hỗ trợ để giải đáp mọi thắc mắc. Phụ huynh hoàn toàn không cần lo lắng về công tác tuyển sinh”. Theo cô Hồng, các trường đã được yêu cầu công khai kế hoạch tuyển sinh chậm nhất là 30 ngày trước khi bắt đầu, thay vì 15 ngày như các năm trước, nhằm giúp phụ huynh có thêm thời gian chuẩn bị.

Dự kiến nhiều trường sẽ tổ chức hội thảo trực tuyến và bàn tư vấn tuyển sinh vào cuối tháng 6 để hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh. Thành phố đã xây mới 1.200 phòng học trong năm 2024-2025, nâng tổng số phòng học lên 85.000 phòng, đáp ứng nhu cầu cho 95.000 trẻ mẫu giáo, 155.000 học sinh lớp 1 và 161.000 học sinh lớp 6. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến một số khu vực vẫn quá tải cục bộ.

Hướng tới tuyển sinh với nguyên tắc "nhà gần trường"

Theo kế hoạch được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trong Công văn số 759/ SGDĐT-QLT ngày 14/3/2025, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2025-2026 sẽ được thực hiện từ ngày 1/7.

Cụ thể, tuyển sinh lớp 1 diễn ra từ ngày 1/7 đến 3/7, mầm non 5 tuổi từ ngày 4/7 đến 6/7, và lớp 6 từ ngày 7/7 đến 9/7. Tuyển sinh trực tiếp sẽ được tổ chức từ ngày 13/7 đến 18/7.

Phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến do ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quy định, và Hà Nội sẽ tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để bảo đảm minh bạch, công bằng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh: “Dù đơn vị hành chính thay đổi, Hà Nội vẫn giữ nguyên phương án và lịch tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi học sinh, giảm thiểu xáo trộn”.

Điều này nhằm giải tỏa lo lắng của phụ huynh, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng từ việc sáp nhập đơn vị hành chính, như quận Hoàng Mai, nơi số đơn vị hành chính cấp phường sẽ giảm từ 14 xuống còn 7 phường, gồm: Hoàng Mai, Yên Sở, Định Công, Hoàng Liệt, Tương Mai, Vĩnh Hưng và Lĩnh Nam. Nhìn xa hơn, từ năm học 2026-2027, Hà Nội và cả nước sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh mới: “nhà gần trường”.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Sở đang triển khai hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phân tuyến tuyển sinh theo khoảng cách thực tế từ nhà đến trường, thay vì theo địa giới hành chính. “Hệ thống này bảo đảm học sinh học trường gần nhất, thuận tiện cho việc đi lại”, ông Cương nhấn mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong áp dụng mô hình này từ năm 2023 và đạt được nhiều kết quả tích cực, như giảm tình trạng “chạy” hộ khẩu hay học trái tuyến. Hà Nội dự kiến sẽ triển khai đồng bộ hệ thống GIS từ năm học 2026-2027, đánh dấu một bước chuyển đổi số quan trọng trong giáo dục, hướng tới công bằng và tiện lợi hơn cho người dân.

Năm học 2025-2026, Hà Nội dự kiến đón khoảng 95.000 trẻ mẫu giáo, 155.000 học sinh lớp 1 và 161.000 học sinh lớp 6. Để đáp ứng nhu cầu này, thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát cơ sở vật chất, bảo đảm đủ chỗ học và tránh tình trạng quá tải. Các trường cũng được yêu cầu công khai kế hoạch tuyển sinh với năm tiêu chí rõ ràng: tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu, thời gian, phương thức và trách nhiệm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm các trường thu các khoản ngoài quy định trong quá trình tuyển sinh, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc bảo đảm tính minh bạch và nghiêm túc.

Với những bước đi này, Hà Nội không chỉ giải quyết bài toán tuyển sinh năm 2025- 2026 mà còn đặt nền móng cho một hệ thống giáo dục hiện đại, công bằng. Phụ huynh cần đồng hành, tin tưởng vào những nỗ lực của thành phố để cùng xây dựng một môi trường học đường tốt đẹp hơn.

Nguồn: https://nhandan.vn/minh-bach-cong-bang-trong-tuyen-sinh-dau-cap-post882142.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm