Bãi bỏ, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với yêu cầu
Tại Tọa đàm “Mở cao tốc" cho kinh tế tư nhân do Báo Tiền Phong tổ chức, sáng 28/5, Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho biết, nhiều chính sách trong Nghị quyết 68 không phải bây giờ mới đề cập mà từng được nêu trong quá trình nghiên cứu chính sách trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, chính sách chưa “chạm” với vấn đề của doanh nghiệp. Chúng ta có nhiều luật, nghị quyết, quyết định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với doanh nghiệp muốn chuyển giao công nghệ. Chính sách đã có nhưng lờ nhờ, không tới được vấn đề doanh nghiệp mong muốn.
Đến Nghị quyết 68, có sự quan tâm ở tầm cao nhất, tư tưởng trong bài phát biểu Tổng Bí thư Tô Lâm là kim chỉ nam, ban soạn thảo nội dung Nghị quyết 68 dám đề cập mạnh mẽ hơn. Ví dụ, nội dung làm rõ không hình sự hóa quan hệ kinh tế dù đã nhắc từ lâu rồi nhưng mấy chục năm chưa thực thi để đạt mức độ yên tâm cho kinh tế tư nhân.
Ngay khi Nghị quyết 68 thông qua, ban soạn thảo chuẩn bị dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Quốc hội ban hành Nghị quyết 198 trong 11 ngày. Trong 1 tuần, ban soạn thảo trình Chính phủ 2 nghị quyết để Chính phủ phân công đầu trách nhiệm từng cơ quan.
Hiện nay, dự thảo Nghị quyết Chính phủ quy định rõ chính sách và thời hạn. Bộ ngành, địa phương trong quý 2/2025 ban hành kế hoạch triển khai. Trong khí thế hiện nay, tôi hy vọng cơ quan bộ ngành triển khai nhanh nhất. Địa phương bắt tay xây dựng kế hoạch hành động.
Các chính sách trong Nghị quyết 68 tương đối rõ, không bị khó hiểu khi triển khai. Chúng tôi kỳ vọng, tới tháng 6, tháng 7/2025 sẽ thể chế hóa nội dung và triển khai ở nửa cuối năm 2025.
Tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, có thể bãi bỏ, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh hơn so với yêu cầu. Nếu thực hiện đầy đủ tinh thần theo Nghị quyết 68 sẽ tạo ra một bước ngoặt phát triển lịch sử của kinh tế tư nhân.
Vấn đề là làm sao thực thi đầy đủ, hiệu quả các nội dung của nghị quyết. Bởi từ chủ trương của Đảng đến thể chế hóa và đưa vào cuộc sống là một quá trình rất khó, thậm chí khó hơn cả làm nghị quyết. Nếu không thể chế hóa được thì nghị quyết vẫn là nghị quyết.
Để thể chế hóa thì phải sửa luật, bãi bỏ luật và các nghị định, thông tư nên cần thời gian. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chính phủ, của Quốc hội, trong vòng 11 ngày sau khi Nghị quyết 68 ra đời, Chính phủ đã trình dự thảo nghị quyết và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để thể chế hóa một số nội dung Nghị quyết 68.
Đây được coi là hành động pháp lý đầu tiên, mang tính cấp thiết để thực hiện Nghị quyết 68. Trong Nghị quyết 198 của Quốc hội nhiều nội dung có thể thực hiện ngay được, như miễn, giảm, thuế, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, còn rất nhiều nội dung cần tiếp tục thực hiện để thể chế hóa.
Nghị quyết cũng đưa ra mốc thời gian Chính phủ phải làm, trong đó có pháp luật về đầu tư, kinh doanh phải ưu tiên thực hiện để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp.
Ví dụ, Nghị quyết 198 có yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Chính phủ hoàn toàn có thể cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh với tỷ lệ cao hơn, thậm chí có thể bãi bỏ hoàn toàn, hoặc cắt giảm đạt 60-70%.
Nếu đã mở cao tốc cần cho số đông đi vào
Theo ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bộ Tài chính, trong những năm qua, hình thức thuế khoán được áp dụng như một giải pháp hỗ trợ, phù hợp với điều kiện quản lý và khả năng tuân thủ của hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu về minh bạch, công bằng và hiện đại hóa quản lý ngày càng cao, hình thức khoán đã bộc lộ một số hạn chế, cũng như chưa đem lại động lực cần thiết để các hộ kinh doanh phát triển quy mô sản xuất kinh doanh.
Có thể nói, việc xóa bỏ hình thức thuế khoán là một bước ngoặt mang tính cách mạng trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Việc chuyển đổi từ hình thức khoán sang kê khai không chỉ là sự thay đổi về phương thức tính thuế, mà là sự chuyển đổi căn bản về tư duy quản lý, về cách thức cơ quan thuế đồng hành với người nộp thuế.
Việc xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế tư nhân cũng như trong quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group cho hay cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đơn vị cung cấp dịch vụ cuối cùng cho người tiêu dùng trong xã hội. Nghị quyết 68 tạo ra luồng gió mới.
Chúng tôi hy vọng với bước đột phá về thể chế, hội doanh nghiệp nhỏ và vừa có cần cơm đi câu chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, có sản phẩm chất lượng dịch vụ tốt hơn, giá cả phù hợp hơn.
Ngoài ban hành thể chế, cần làm mạnh hơn nữa công tác truyền thông, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền Nghị quyết 68 mà còn phổ biến kinh nghiệm thành công của doanh nghiệp nhỏ và vừa, để cộng đồng doanh nghiệp đi vào cao tốc kinh tế tư nhân như thế nào.
Bên cạnh Nghị quyết 68, chúng ta có thể xem xét ban hành 1 nghị quyết hay thể chế cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Nếu đã mở cao tốc cần cho số đông đi vào, không chỉ là tập đoàn, doanh nghiệp lớn mà cần mở nghị quyết riêng biệt cho cộng đồng doanh nhỏ và vừa để họ được bảo vệ, được tạo động lực phát triển.
Chúng ta cần cụ thể hóa hơn nữa bằng nghị quyết, thể chế để chuyển được 5 triệu hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp phát triển bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/mo-cao-toc-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-253865.html
Bình luận (0)