Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính mà còn là bước cải cách mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và phục vụ nhân dân.
Dưới đây là những chia sẻ, góc nhìn tâm huyết, thể hiện sự kỳ vọng vào hiệu quả thực tiễn của mô hình chính quyền 2 cấp trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Xuân Hộ:
Phân quyền hiệu quả, phục vụ kịp thời

Những ngày này, tôi cũng như người dân xã Cao Xuân Dương, huyện Thanh Oai (cũ) rất hào hứng chờ đón ngày mô hình chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Qua nghiên cứu các tài liệu, văn bản liên quan, tôi nhận thấy mô hình chính quyền địa phương 2 cấp có nhiều điểm mới so với chính quyền 3 cấp trước đây. Đơn cử như việc phân cấp, phân quyền cho cấp cơ sở mạnh mẽ hơn, góp phần xây dựng một chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Đặc biệt, bộ máy hành chính 2 cấp được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân tốt hơn. Không chỉ vậy, mô hình chính quyền 2 cấp còn tạo điều kiện và cơ hội để các địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành, giải quyết các thủ tục hành chính… Sự phân cấp mạnh mẽ và phân quyền triệt để hơn cho chính quyền cơ sở sẽ giúp giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vấn đề của người dân. Tôi rất kỳ vọng vào những kết quả tích cực mà mô hình chính quyền 2 cấp mang lại.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Tự Cấp:
Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở

Tôi cũng như đông đảo người dân Thủ đô rất phấn khởi khi Hà Nội “nhấn nút” vận hành chính thức mô hình chính quyền 2 cấp. Trong bối cảnh thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều yêu cầu cấp thiết về cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, mô hình chính quyền 2 cấp được triển khai giảm thiểu bộ máy hành chính, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từ đó tạo sự thông suốt, minh bạch, đồng bộ trong tổ chức thực thi, tăng cường hiệu quả công tác quản lý và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình này còn giúp chính quyền thành phố có điều kiện tập trung hơn vào công tác quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng trong khi cấp cơ sở có thể chủ động hơn trong giải quyết các vấn đề sát với đời sống dân sinh. Trong quá trình triển khai sẽ còn không ít thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Song với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của nhân dân và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng mô hình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam:
Quyết định lịch sử, kiến tạo tương lai

Việc triển khai chính quyền 2 cấp, bỏ cấp trung gian không chỉ là rút gọn đầu mối mà thực chất là cuộc cách mạng hành chính mạnh mẽ, cắt giảm những tầng nấc không cần thiết, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc cho dân. Là người từng công tác tại cơ sở, tôi hiểu rõ sự chồng chéo, phân tán và thiếu hiệu lực khi bộ máy cồng kềnh. Giờ đây, khi quyền lực được phân định rõ ràng, trách nhiệm được gắn chặt, người dân sẽ được thụ hưởng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả hơn. Đặc biệt, tôi đánh giá cao việc chính quyền không chỉ sắp xếp tổ chức mà còn chăm lo chính sách cho cán bộ dôi dư một cách nhân văn, nhân đạo, thấu tình đạt lý. Đây là cách làm thể hiện chiều sâu quản trị, vừa giữ được sự ổn định bộ máy, vừa bảo đảm quyền lợi cho những người từng cống hiến. Điều đáng trân trọng hơn cả, chính là việc nhiều cán bộ, đảng viên đã thể hiện tinh thần “8 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, dám hành động vì lợi ích chung và dám hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chính tinh thần này đã thổi luồng sinh khí mới vào quá trình sắp xếp bộ máy, giúp chuyển đổi không trở thành trì trệ mà là động lực đổi mới mạnh mẽ từ bên trong. Là người lính, tôi rất đồng cảm với tinh thần “8 dám” ấy vì trong Quân đội, đó cũng chính là cốt lõi của bản lĩnh, kỷ luật và cống hiến.
Bà Âu Thị Thường, nguyên Chủ tịch HĐND phường Việt Hưng, quận Long Biên (cũ):
Bước tiến phù hợp với thời đại

Trước khi nói đến mô hình mới cần khẳng định rằng, chính quyền 3 cấp từng đóng vai trò to lớn trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, mô hình 3 cấp bộc lộ nhiều bất cập, đó là bộ máy cồng kềnh, chức năng chồng chéo, quy trình xử lý công việc còn chậm và thiếu linh hoạt. Do đó, việc tinh gọn bộ máy theo mô hình 2 cấp là bước đi phù hợp và cần thiết. Là một cán bộ phường đã nghỉ hưu, tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình này. Khi bỏ cấp huyện, nhiều thủ tục sẽ được rút ngắn, quyết định hành chính được ban hành nhanh hơn, giảm trung gian và tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp. Tuy nhiên, tôi cũng có một số băn khoăn. Đó là khi chuyển sang mô hình 2 cấp, khối lượng công việc tại cấp xã, phường chắc chắn sẽ tăng lên. Do đó, tôi cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất cũng như phân định rõ ràng về thẩm quyền, đồng thời có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ cấp xã, phường.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-ky-vong-tu-thuc-tien-707523.html
Bình luận (0)