Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mở lối du lịch từ biển xanh đến đại ngàn

Không còn là “viên ngọc ẩn mình” nơi duyên hải miền Trung, một Phú Yên thanh bình trước đây, vùng đất miền Đông của Đắk Lắk hôm nay bước vào hành trình mới, nơi biển xanh nối đại ngàn, nơi “hoa vàng trên cỏ xanh” hòa điệu cùng thác đổ rừng sâu để hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk20/07/2025

Từ năm 2015, khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ ra rạp, vùng đất Phú Yên – nay là miền Đông của tỉnh Đắk Lắk bỗng trở thành hiện tượng. Một hiện tượng không chỉ của điện ảnh mà còn của du lịch, văn hóa và tình yêu quê hương.

Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh check-in ở gành Ông – Bãi Xép, quần thể bối cảnh chính trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Bộ phim không chỉ lay động người xem bằng câu chuyện tuổi thơ mộc mạc mà còn khiến khán giả ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp bình dị, trong trẻo, xanh ngát của cánh đồng, bãi biển, gành đá - tất cả như bước ra từ giấc mơ. Những thước phim quay tại gành Ông - Bãi Xép đã đưa cụm từ “hoa vàng trên cỏ xanh” trở thành biểu tượng sống động cho vẻ đẹp Phú Yên, vùng đất êm đềm hoang sơ, dịu dàng nhưng đầy sức sống.

Điện ảnh Việt Nam tiếp tục trở lại với Phú Yên qua bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” (năm 2023) như một sự tiếp nối cảm xúc. Ở đó, những đồi cỏ trải dài, làn khói lam chiều, những con suối lặng lẽ hòa vào nhau, biến thiên nhiên thành một nhân vật thứ tư, phản chiếu nỗi niềm và tâm trạng nhân vật.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng chia sẻ: “Phú Yên có nhiều cảnh đẹp. Mỗi lần quay là một lần khám phá mới. Và tôi tin rằng, dù có thêm 10 bộ phim nữa, chúng ta vẫn chưa kể hết vẻ đẹp của nơi này”.

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “hoa vàng trên cỏ xanh” đã vượt ra khỏi một tựa phim để trở thành danh xưng văn hóa, biểu tượng cho vùng đất Đông của Đắk Lắk. Bởi đây là vùng đất có sự hòa quyện tuyệt vời giữa núi – đồng – biển. Những bãi cỏ ven biển phủ sắc hoa dại vàng rực mỗi độ xuân về, hòa cùng sóng gió đại dương và vách đá đen huyền bí của gành Đá Đĩa, gành Ông tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Du khách chụp ảnh tại bãi rêu ở kè chắn sóng thuộc khu vực Xóm Rớ, phường Phú Yên.

Cỏ xanh là màu của sự bình yên, của miền quê dịu mát. Hoa vàng là sắc điểm tô của nắng, của những giấc mơ trẻ thơ. Tất cả cộng lại làm nên một Phú Yên vừa thơ, vừa thật, và là nơi người ta tìm về để chạm đến ký ức nguyên sơ nhất trong tâm hồn mình: “Nằm im trong gió nghe tim rớt/ Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nguyễn Nhật Ánh).

Điện ảnh Việt Nam đã, đang và sẽ là kênh truyền thông hữu hiệu để lan tỏa vẻ đẹp của quê hương Đắk Lắk mới và cả đất nước Việt Nam vươn tầm thế giới. Từ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đến “Ngày xưa có một chuyện tình”, rồi mai này có thể là hành trình từ “biển xanh sóng vỗ đến đại ngàn thác đổ”- một câu slogan mà kiến trúc sư nổi tiếng Hà Sơn, một người con của xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” vô cùng tâm đắc.

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 đến nay, đã có gần 20 dự án phim điện ảnh và truyền hình chọn vùng đất phía Đông tỉnh Đắk Lắk làm bối cảnh quay. Rất kỳ vọng mối lương duyên điện ảnh – du lịch sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa mang đến những hình ảnh đẹp, ấn tượng của quê hương, đất nước, con người đến với bạn bè trong nước và quốc tế, từng bước biến vùng đất này thành điểm đến thân thiện cho điện ảnh.

 

Điện ảnh Việt Nam đã, đang và sẽ là kênh truyền thông hữu hiệu để lan tỏa vẻ đẹp của quê hương Đắk Lắk mới và cả đất nước Việt Nam vươn tầm thế giới. Từ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đến “Ngày xưa có một chuyện tình”, rồi mai này có thể là hành trình từ “biển xanh sóng vỗ đến đại ngàn thác đổ”.

Sau khi Phú Yên hợp nhất với Đắk Lắk, một cánh cửa mới mở ra: kết nối du lịch biển – rừng, với mô hình “biển xanh sóng vỗ - đại ngàn thác đổ”. Đây không chỉ là sự cộng gộp địa lý mà là sự cộng hưởng về sinh thái và cảm xúc, mở ra một hành trình du lịch độc đáo, giàu trải nghiệm.

Miền Đông của Đắk Lắk – tức vùng Phú Yên (cũ) nổi tiếng với bờ biển dài gần 190 km, với hàng chục bãi tắm hoang sơ, đầm, phá trù phú, đảo nhỏ kỳ thú. Trong khi đó, phía Tây của Đắk Lắk là vùng đại ngàn hùng vĩ, với rừng cây, thác nước, buôn làng và văn hóa cồng chiêng huyền thoại.

Một tour kết nối từ biển Bãi Môn - Mũi Điện (nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam), qua đèo Cả, rồi vượt qua thảo nguyên M’Drắk, Ea Kar về đến Buôn Đôn hay hồ Lắk… sẽ là hành trình chạm vào hai thái cực của thiên nhiên: biển – rừng, nắng – sương, sóng vỗ - thác đổ. Một bên là hải sản tươi ngon, bên kia là đặc sản núi rừng; một bên là lễ hội cá Ô Loan, bên kia là lễ hội cồng chiêng…

Với vị thế mới sau hợp nhập, Phú Yên không còn là một địa phương nhỏ lẻ ven biển mà đã trở thành cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk rộng lớn. Vị trí chiến lược này cho phép phát triển một chuỗi du lịch liên kết từ biển đến rừng, từ đồng bằng đến cao nguyên.

Chiều về bên thác Dray. Ảnh: Hữu Hùng

Điều quan trọng là giữ được vẻ đẹp hoang sơ và phát triển có chiều sâu, không bê tông hóa hay “diễn viên hóa” cảnh quan. Du lịch phải được xem là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng không đánh đổi bản sắc, môi trường để đổi lấy sự phát triển nóng. Như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đào Mỹ khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim và các nhà đầu tư du lịch. Nhưng hơn hết, mong muốn lớn nhất là giữ được “tâm hồn”, bảo vệ môi trường vùng đất này, đó mới là giá trị lâu bền”.

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202507/mo-loi-du-lich-tu-bien-xanh-den-dai-ngan-42515d2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm