Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Mổ xẻ” hàng loạt vấn đề nhức nhối của ngành văn hóa, du lịch 6 tháng đầu năm

Tại họp báo thường kỳ Bộ VHTTDL chiều nay, lãnh đạo các cơ quản lý trả lời nhiều vấn đề nóng của ngành, trong đó có nội dung liên quan tới việc xử nghệ sỹ sử dụng chất cấm, vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long.

VietnamPlusVietnamPlus24/07/2025

“Sáu tháng qua, cơ quan quản lý đã chặn hơn 30.000 tài khoản cũng như sử dụng thuật toán AI để gỡ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, Tiktok, Youtube. Tuy nhiên, tình trạng tái diễn vẫn phức tạp.”

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, ông Lê Quang Tự Do cho biết như vậy trong khuôn khổ họp báo thường kỳ Quý II năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, diễn ra chiều nay, ngày 24/7, tại Hà Nội.

Đặc biệt, lãnh đạo các cơ quản lý trực thuộc Bộ cũng trả lời nhiều vấn đề nóng của ngành thời gian qua, trong đó có nội dung liên quan tới việc xử nghệ sỹ sử dụng chất cấm, vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long...

Hàng loạt vấn đề nhức nhối

Thời gian qua các hình thức lừa đảo trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ cả về quy mô và mức độ tinh vi. Đáng chú ý là tình trạng xuất hiện các tài khoản giả mạo doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, người nổi tiếng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube có dấu hiệu gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi đã khiến không ít người dân mất tiền oan, thậm chí phá sản.

Đánh giá từ các cơ quan chức năng, hiện tượng này nổi lên mạnh mẽ trong khoảng ba năm trở lại đây và đã trở thành một hình thức lừa đảo có tổ chức, thậm chí mang tính xuyên quốc gia.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết, để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, đã triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm truy vết và gỡ bỏ tài khoản giả mạo. Ba nền tảng mạng xã hội phổ biến là Facebook, YouTube và TikTok cũng đã được yêu cầu siết chặt thuật toán AI để quét và gỡ tài khoản vi phạm.

lua-dao-3330.jpg
Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, triển khai các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ, song ông Lê Quang Tự Do cho rằng các biện pháp kỹ thuật chỉ mang tính tạm thời, giải pháp lâu dài và bền vững vẫn là nâng cao “sức đề kháng” của mỗi người dân đối với vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang ngày càng tinh vi.

Trước thực trạng người tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nghệ sỹ vướng bê bối sử dụng ma túy, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Trần Hướng Dương cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Bộ Quy tắc ứng xử nhằm nhắc nhở các nghệ sỹ cần phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh, đạo đức làm nghề nghiệp. Tuy nhiên, cá nhân nào vi phạm pháp luật thì đã có quy định của pháp luật xử lý.

Ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quan điểm là ai vi phạm pháp luật đều phải xử nghiêm và đúng quy định. Không có vùng cấm, không có sự ưu ái với bất kỳ ai.”

“Quy tắc ứng xử do Bộ ban hành cũng dựa trên các quy định của pháp luật để nâng cao ý thức trong giới hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Riêng xử lý trong vi phạm nghệ thuật biểu diễn cũng đã có Nghị định 38. Ngoài ra, nghệ sỹ, người nổi tiếng cần phải có ý thức trong việc bảo vệ hình ảnh của mình, phải có lối sống lành mạnh và có trách nhiệm với sự nghiệp.”

vnp-vinh-ha-long-2.jpg
Vịnh Hạ Long những ngày bình yên. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Với sự việc tàu Vịnh Xanh 58 bị lật trên vịnh Hạ Long tuần qua, Chánh Văn phòng Bộ, ông Cao Lê Tuấn Anh cho rằng đây là thiên tai, trường hợp hy hữu bất khả kháng và là tai nạn không ai muốn.

Ông Cao Lê Tuấn Anh bày tỏ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh nên biết hiện tượng dông lốc ở trên biển rất khó dự đoán. Chúng ta đều đau với nỗi đau chung của đồng bào, buồn chung nỗi buồn với các nạn nhân. Tuy nhiên, chúng ta không vì hoang mang mà làm ảnh hưởng chung đến du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng tôi mong muốn mọi người có cái nhìn và đánh giá khách quan. Trên thế giới, du lịch tàu biển được ưa chuộng và an toàn.”

Theo lãnh đạo ngành, trong sự việc này, địa phương cũng đã phản ứng nhanh nhạy và trách nhiệm khi tập trung khắc phục sự cố, xây dựng kế hoạch để truyền thông nhằm giữ tình yêu của du khách với biển, vịnh.

“Sau sự việc đáng tiếc vừa rồi, chúng ta cần nâng cao việc tuyên truyền, không lơ là và chủ quan đối với các hoạt động du lịch trên biển, vịnh… Cần phải hoàn chỉnh lại quy trình an toàn khi đi du lịch trên biển, vịnh. Giống lên máy bay có ban hành quy trình an toàn thì giờ lên tàu có cần phải ban hành quy trình đó không,” ông Cao Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Về nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy cho biết toàn ngành cũng đã triển khai phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó và khắc phục hiệu quả trước thiên tai và rủi ro. Tại các địa phương, việc xử lý luôn được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

z6836699738257-fc7ad96e4698187bc2a3ff663cda20a9.jpg
Quang cảnh họp báo chiều nay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bốn nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng cuối năm

Nhằm triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tập trung thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, nhiệm vụ chính là tập trung nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cho nhân dân, nhằm chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Truyền thông phải đi trước một bước, góp phần quan trọng để chuyển hóa nhận thức thành hành động, đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Triển khai các hoạt động, sự kiện trọng đại của đất nước: Bộ được giao chủ trì tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Đây không chỉ là dịp quan trọng để tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao mà còn là cơ hội để kích cầu du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước, lan tỏa các giá trị truyền thống gắn với tinh hoa văn hóa nhân loại và nghệ thuật đương đại, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của nhân dân.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch chủ động phối hợp, xác định lại những sản phẩm đặc trưng, xây dựng hệ thống tour, tuyến liên kết vùng rõ nét.

greg-norman-3.jpg
Tuần qua, “Cá mập trắng” làng golf thế giới chính thức “nhậm chức” Đại sứ Du lịch Việt Nam. Mục tiêu của đại sứ du lịch Việt là tạo ra những "kết nối mềm" giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế thông qua thể thao, văn hóa và du lịch.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh các hình thức quảng bá sáng tạo như xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh. Việc các đoàn làm phim quốc tế khảo sát tại Hải Phòng, Ninh Bình... chính là cơ hội tốt để lan tỏa quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu. Toàn ngành cần vào cuộc với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón 25 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các Giám đốc Sở chủ động bám sát 10 thị trường quốc tế trọng điểm (là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga), tích cực tham mưu các giải pháp kết nối thị trường, thúc đẩy tăng trưởng thực chất và bền vững để chạm được tới cảm xúc của du khách.

Song song với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa cần được thúc đẩy với trọng tâm là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; xây dựng các chương trình nghệ thuật quy mô, hiện đại, mang dấu ấn sáng tạo, kế thừa thành công của các sự kiện như “Anh trai Say Hi,” “Anh trai vượt ngàn chông gai”…/.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/mo-xe-hang-loat-van-de-nhuc-nhoi-cua-nganh-van-hoa-du-lich-6-thang-dau-nam-post1051616.vnp


Chủ đề: TP Hà Nội

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm