Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mùa lúa trổ bông

Chiều quê yên ả, những cánh đồng mướt xanh như tấm thảm trải dài vô tận. Màu xanh ngút ngàn căng tràn sức sống của lúa đương thì con gái khiến người xem như được tiếp thêm nguồn sinh lực sống mạnh mẽ. Hương lúa non quyện hòa trong gió cứ ngòn ngọt, dịu dàng mà vương vấn. Trên con đường làng nhỏ, Mạnh lặng lẽ sải những bước đi chầm chậm, lòng bồi hồi nhớ lại cuộc sống thời thơ ấu từng gắn bó với ruộng đồng lam lũ nơi đây. Thời gian cứ vùn vụt trôi qua theo guồng quay cuộc sống, nhanh đến mức con đường đất đỏ chạy qua cánh đồng làng khi xưa giờ đã được thảm nhựa lúc nào Mạnh cũng chẳng rõ. Bờ mương này ngày xưa anh thường cùng các bạn đắp bùn tát nước bắt cá, giờ cũng đã được kè bê tông hai bên rất kiên cố.

Báo Phú YênBáo Phú Yên25/05/2025

Minh họa: PV
Minh họa: PV

Mạnh là cậu bé bị bỏ rơi tại một sân đình, được chị Liên phụ trách trạm y tế xóm Vạn mang về trạm chăm sóc, nhưng không thấy người thân đến nhận về. Người ta đành dò hỏi xem có gia đình nào trong xóm đủ sức cưu mang cậu bé không nhưng cũng không có ai nhận nuôi bé. Cũng dễ hiểu thôi, bởi cuộc sống người dân xóm Vạn lúc bấy giờ nghèo lắm. Ai cũng sống cảnh ăn buổi hôm lo bữa mai thì lấy gì để nuôi thêm một cậu bé đỏ hỏn đang khát sữa.

Đến ngày thứ mười, Út Nhiên - người phụ nữ nhỏ bé với đôi chân tật nguyền, tập tễnh hướng về trạm y tế thôn. Không ai nghĩ người phụ nữ tật nguyền nghèo nhất xóm Vạn lại dám nhận đứa trẻ sơ sinh ấy về nuôi. Ấy vậy mà, Út Nhiên đã dám làm và làm được thật. Xóm Vạn không hiểu vì sao người phụ nữ chưa một lần làm đàn bà như chị lại có thiên chức của một người mẹ để nuôi lớn một đứa trẻ sơ sinh vừa lọt lòng. Chị đặt tên cho cậu bé là Mạnh với suy nghĩ cậu sẽ luôn mạnh mẽ vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống như chính việc cậu đã sống sót thần kỳ vượt qua cái đêm mưa gió bão bùng ấy để trụ lại với cuộc đời.

Út Nhiên nuôi lớn Mạnh bằng tất cả những gì mình có: nắm gạo nấu cháo loãng pha thêm chút đường thay cho sữa mẹ lúc Mạnh còn bé. Lớn hơn là bát cơm độn khoai ăn cùng cá lẹp, tép kho mà mẹ Út cất rớ được từ con sông cạnh nhà. Nhìn Mạnh hồn nhiên lớn lên, chập chững từng bước đi, bi bô gọi mình “Mẹ… Mẹ Út”, lòng Út Nhiên trỗi lên những cảm xúc thiêng liêng của tình mẫu tử. Đến tuổi đi học, Mạnh được mẹ Út cho đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa bằng những đồng bạc mẹ tích cóp được từ việc may vá thuê. Mạnh cứ thế lớn lên trong vòng tay chở che ân cần của mẹ Út, như mầm lúa non mạnh mẽ vươn lên từ bùn đất, dù khắc nghiệt vẫn vươn lên xanh tốt giữa cuộc đời.

Một lần đi học về, mẹ Út ngạc nhiên khi thấy người Mạnh lấm lem bụi đất, khuôn mặt sưng thâm nhiều chỗ như vừa trải qua một vụ ẩu đả. Mẹ vội gọi Mạnh lại gặng hỏi nguyên do, nhưng Mạnh chỉ cắn môi, cúi gằm mặt như đang cố dồn nén mọi uất ức vào lòng. Mẹ Út ôm Mạnh vào lòng vỗ về, nhỏ nhẹ:

- Con ạ! Dù có chuyện gì xảy ra, mẹ vẫn luôn ở bên con. Hai mẹ con mình sẽ luôn là chỗ dựa của nhau, con nhé!

Lúc này, Mạnh mới bật khóc nức nở. Bao uất ức dồn nén giờ vỡ òa như thác lũ tuôn trào. Cậu nói trong nước mắt:

-  Thằng Minh và thằng Dũng cùng lớp bảo con không phải là con của mẹ… Chúng nó bảo con là đồ… con hoang. Nên… con đã đánh nhau với tụi nó.

Nghe Mạnh nói vậy, mẹ Út thoáng sững người. Rất nhanh, mẹ lấy lại bình tĩnh, nhẹ nhàng lau nước mắt cho Mạnh, rồi khẽ khàng khuyên bảo:

- Các bạn nói sai rồi. Mạnh là con của mẹ Út mà. Chẳng phải mẹ Út rất yêu thương Mạnh đó sao. Con chỉ cần biết mẹ rất yêu thương con là được. Còn những chuyện khác, lớn lên chút nữa rồi con sẽ hiểu. Con à!

Hai mẹ con cứ thế ôm nhau vỗ về. Cho đến lúc mọi cảm xúc được cân bằng, Mạnh không còn bực tức và tủi thân nữa. Chập tối, mẹ bảo Mạnh ở nhà, mẹ đi ra ngoài có việc. Đôi chân của mẹ Út tìm đến nhà cô giáo. Chẳng biết mẹ và cô giáo đã nói với nhau những gì, nhưng hôm sau đi học, hai bạn Minh và Dũng gặp riêng Mạnh nói lời xin lỗi. Cũng từ đó, các bạn trong lớp không bao giờ trêu chọc Mạnh thêm một lần nào như thế nữa.

Càng lớn, Mạnh càng hiểu chuyện. Thương mẹ tật nguyền sớm hôm vất vả để lo lắng cho mình, Mạnh chăm chỉ học tập và luôn là học sinh giỏi của trường. Ngoài giờ lên lớp, Mạnh thường đi nhặt ve chai, tát cá, mò cua bắt ốc bán kiếm tiền phụ thêm với mẹ. Tất cả số tiền kiếm được, cộng thêm khoản tiền thưởng nhận được từ nhà trường, Mạnh mang về đưa hết cho mẹ. Người làng Vạn khen Mạnh chăm ngoan, càng mừng cho mẹ Út được trời thương, bù đắp cho đứa con hiếu thảo. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Mạnh đã chạy một mạch từ nhà ra chợ báo tin vui cho mẹ Út. Xúc động trước thành tích và nghị lực của con trai, mẹ Út rơm rớm nước mắt, dặn dò: 

- Con hãy cố gắng chăm chỉ học hành. Mẹ luôn ở bên đồng hành cùng con.

Mạnh mang theo nghị lực vượt khó và lời dặn dò của mẹ rời quê lên phố học tập và chăm chỉ làm thêm. Ban ngày lên giảng đường, buổi tối Mạnh xin làm thêm ở quán nhậu hay quán cà phê để kiếm sống và tích lũy kinh nghiệm. Gian nan vất vả không làm Mạnh nản chí mà càng giúp cậu có thêm kiến thức, ý chí. Những ngày cuối tuần, Mạnh thường tìm đến những khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống, du lịch để chủ động giao tiếp trau dồi vốn ngoại ngữ. Bốn năm đại học trôi qua nhanh, cuối cùng, cậu tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, được mời làm việc trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương nhiều người mơ ước. Ngày nhận tháng lương đầu tiên, cậu đã mua tặng mẹ Út chiếc điện thoại di động để mẹ con dễ bề liên lạc.

Mỗi ngày, được làm việc trong tòa nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi, lòng Mạnh chưa từng quên mái nhà tranh nhỏ nơi làng quê hẻo lánh đã từng nuôi lớn mình. Cậu luôn gọi điện hỏi thăm mẹ Út mỗi ngày, hỏi bà ăn uống ra sao, đôi chân bà có còn đau nhức như ngày trước, dặn bà nhớ phải uống thuốc đều. Mạnh thầm quyết tâm sẽ mua bằng được căn chung cư ở thành phố để đón mẹ lên phố sinh sống, tiện chăm sóc phụng dưỡng mẹ khi xế chiều.

Mạnh trở lại quê nhà thân thuộc vào một ngày đầu hạ, khi cánh đồng lúa quê hương đang vào mùa trổ bông, mơn mởn xanh. Làng Vạn nay đã thay da đổi thịt nhờ chương trình nông thôn mới, không còn là mảnh đất nghèo khổ khi xưa nhưng người làng Vạn vẫn sống ăm ắp nghĩa tình như cái ngày họ dang tay đón nhận, cứu giúp và che chở cho Mạnh trong đêm mưa ấy. Và mẹ cậu, người phụ nữ tật nguyền giàu lòng nhân hậu, bao dung khi xưa vẫn đang ở trong căn nhà tranh bên sông chờ đợi và ngóng trông cậu mỗi ngày như lúc cậu còn nhỏ. Chỉ khác là giờ đây, mái tóc mẹ đã bạc thêm nhiều phần. Nhìn mẹ ngồi đó, nhỏ bé và cô độc trong bóng chiều tà, chiếc nạng gỗ được dựng ngay ngắn một bên, lòng Mạnh không kiềm được niềm xúc động. Cậu chạy đến đỡ lấy mẹ, nắm lấy đôi tay gầy của mẹ, giọng thốt lên đầy xúc động: “Mẹ ơi! Hôm nay, con đón mẹ lên thành phố sống cùng con nhé ạ. Để con được chăm sóc mẹ mỗi ngày”.

Nhìn con trai đã trưởng thành, trở thành người đàn ông rắn rỏi, chững chạc và thành công, mẹ Út không giấu nổi niềm xúc động, tự hào. Mẹ đồng ý với Mạnh, bảo để mẹ làm mấy mâm cơm mời bà con xóm Vạn đến chung vui trước khi rời làng lên thành phố. Mọi người đều vui mừng thay cho hai mẹ con Mạnh.

Chiều muộn, mẹ Út ngồi ô tô cùng con trai lên thành phố. Xe chầm chậm chạy trên con đường làng quen thuộc, hai bên là cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang đến kỳ ngậm đòng, trổ bông, vươn mình khỏe khoắn sau bao ngày được người nông dân chăm sóc kỹ lưỡng. Mẹ Út đưa bàn tay nhăn nheo của mình nắm lấy bàn tay rắn rỏi của Mạnh, lòng tràn ngập tình yêu thương. Bà không có điều kiện nuôi con bằng sự giàu sang đủ đầy nhưng đã nuôi lớn Mạnh bằng tất cả tình yêu thương, sự chở che của một người mẹ. Và giờ đây, Mạnh của bà đã thực sự trở thành chỗ dựa vững vàng cho bà khi tuổi xế chiều chạng vạng. Mạnh của bà cũng như những bông lúa ngoài kia, lớn lên từ phù sa của ruộng đồng và sự cần mẫn chăm chút của người nông dân hai sương một nắng, trưởng thành từ bão táp mưa sa và mạnh mẽ thai nghén ngậm đòng, trổ bông và cuối cùng buông cần nặng trĩu để kết tinh thành hạt ngọc trắng trong dâng trọn hương thơm cho đời.  

Nguồn: https://baophuyen.vn/sang-tac/202505/mua-lua-tro-bong-d92156e/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm