Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mừng cưới - Nghĩa tình hay phép tính?

Nếu coi việc từng đi mừng cưới và khi cưới bắt buộc phải được mừng lại là một bài toán kinh tế, vô hình trung khiến ngày vui của mình kém vui.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng21/07/2025

Cộng đồng mạng đang nổ ra những tranh cãi trái chiều xung quanh câu chuyện về việc mừng cưới. Cách đây 7 năm, một người từng đi mừng cưới 100.000 đồng, nhưng mới đây khi đến lượt mình cưới, lại không nhận được sự tham dự hay lời chúc nào từ người kia. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi hai bên nhắn tin qua lại, dẫn đến việc đòi lại số tiền đã mừng trước đó. Thậm chí, người đi mời cưới còn đề nghị đối chiếu sổ sách để làm rõ thiệt hơn.

Kết quả, người được mời buộc phải chuyển khoản tiền mừng, dù đám cưới đã diễn ra một thời gian. Sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, với hàng loạt ý kiến trái chiều: người bênh vực, kẻ chỉ trích, ai cũng có lý lẽ riêng. Câu chuyện một lần nữa khơi lại tranh luận cũ: mừng cưới là nghĩa tình hay phép tính?

Tạm gác lại câu hỏi ai đúng, ai sai, bởi trong câu chuyện này, ranh giới đúng - sai của tình cảm chẳng dễ phân định. Thực tế, chuyện mừng cưới từ lâu vốn đã nhạy cảm, phức tạp và đầy sắc thái. Với nhiều người, mừng cưới không chỉ là phép lịch sự, còn là một cách thể hiện sự chúc phúc, gìn giữ mối quan hệ. Chính vì vậy, không ít người cẩn thận ghi chép từng khoản tiền mừng nhận được, như một cách để đảm bảo sau này “đáp lễ” cho công bằng và không thiếu sót.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không ít người nhìn nhận việc mừng cưới theo hướng thực dụng hơn: có đi - có lại. Khi từng mừng đám cưới người khác, đến lượt mình lại không nhận được hồi đáp, cảm giác hụt hẫng là điều khó tránh. Thậm chí, như trong câu chuyện nói trên, việc nhắn tin đòi lại tiền, chẳng khác gì… đòi nợ.

Xung quanh chuyện mừng cưới, hàng loạt câu hỏi vẫn đang được đặt ra: Có nhất thiết phải mời lại những người mình từng đi đám cưới họ? Mừng bao nhiêu thì vừa đủ để không bị cho là “thiếu phép”? Trong thời buổi trượt giá như hiện nay, liệu việc cân đo phong bì có trở thành áp lực? Ngay cả chuyện in mã QR chuyển khoản lên thiệp mời cũng từng làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính tế nhị và ý nghĩa thật sự của lời mời cưới.

Xét cho cùng, bản chất của việc mừng cưới bắt nguồn từ mong muốn chúc phúc và sẻ chia niềm vui. Điều quan trọng là phải hiểu đúng ý nghĩa đó, trước khi biến phong bì thành một phép tính hơn - thiệt. Ai cũng hiểu tiền mừng có thể giúp trang trải phần nào chi phí, nhưng khi chuyện nhiều - ít bị đặt nặng, chính người trong cuộc sẽ chịu áp lực, còn phong bì trở thành rào cản của sự chân thành.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/mung-cuoi-nghia-tinh-hay-phep-tinh-post804664.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm