Bà Lường Thị Duyên, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, thông tin: Theo đánh giá năm 2024 (Mường Giôn và Pá Ma Pha Khinh cũ), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người. Hiện nay, xã đang rà soát, đánh giá tiềm năng, lợi thế từng vùng để có định hướng phát triển phù hợp. Theo đó, khu vực xã Mường Giôn (cũ), tập trung trồng cây ăn quả, trồng rừng, phát triển chăn nuôi gia súc; khu vực Pá Ma Pha Khinh (cũ) phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, chăn nuôi gia súc; phát triển du lịch lồng hồ.
Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xã tập trung lồng ghép hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp; tạo điều kiện người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề lao động nông thôn... Vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên, nhân dân tham gia.
Hiện nay, nông dân xã Mường Giôn đang tập trung trồng, chăm sóc 787 ha cây trồng trên nương; 528 ha cây ăn quả các loại; gần 400 ha cây quế, mắc ca; duy trì 200 lồng cá; nuôi 79.600 con gia súc, gia cầm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn trên 6%; không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Tại bản Mấc Líu, nhân dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập. Ông Tòng Văn Kiên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Trên cơ sở định hướng của xã, bản đã vận động bà con chuyển đổi diện tích ngô sắn, kém hiệu quả sang trồng cây mít, xoài, lê; phát triển nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Đến nay, bà con trồng 40 ha cây ăn quả; khoanh nuôi bảo vệ hơn 400 ha rừng; nuôi hơn 300 con trâu, bò. Bản chỉ còn 6 hộ nghèo. Bên cạnh đó, nhân dân trong bản đóng góp vật liệu, ngày công đổ bê tông 200 m đường nội bản; xây dựng công trình nước sinh hoạt và công trình thủy lợi.
Ngoài ra, xã tuyên truyền, vận động các hộ liên kết thành lập 4 HTX về cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, xã thu hút được Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel vào đầu tư, khai thác hiệu quả 2 điểm du lịch trên lồng hồ thủy điện Sơn La, gồm: Vịnh Uy Phong và đảo Đà Giang, mỗi năm đón 15.000 lượt khách đến tham quan và trải nghiệm, tạo việc làm và thúc đẩy kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Năm 2018, ông Lừ Văn Quý, bản Pá Le đã liên kết với 9 hộ trong bản thành lập HTX thủy sản Thủy Sinh. Ông Quý thông tin: Hiện nay, HTX nuôi hơn 80 lồng nuôi cá trắm, chép, lăng, rô phi... Nguồn thức ăn chủ yếu là lá sắn, lá chuối, các loại cá nhỏ tự nhiên, nên thịt cá thơm và chắc, sản phẩm được tiêu thụ các nhà hàng, thương lái trong và ngoài xã. Ngoài nuôi cá lồng, các thành viên còn tham gia đánh bắt thủy sản; thu nhập bình quân của thành viên đạt 4,5 triệu đồng/tháng.
Kinh tế phát triển, từ năm 2023 đến nay, nhân dân tích cực tham gia đóng tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông, sửa chữa các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ đường ngõ bản được cứng hóa đạt 85,7%; 100% số bản có nhà văn hóa...
Nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã Mường Giôn tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; vận động các hộ dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, HTX, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/muong-gion-lua-chon-phat-trien-cac-mo-hinh-kinh-te-phu-hop-dxlT3nUHg.html
Bình luận (0)