Một góc trung tâm xã Mường Chanh.
Mường Chanh đã làm được, thưa bác!
Xã Mường Chanh chuyển mình từ Nghị quyết 11 hiện ra trước mắt chúng tôi, không phải bằng báo cáo thành tích với những con số, mà từ nhịp sống vùng nông thôn no ấm. Dọc đường biên 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh, người nông dân miệt mài trên những ruộng dưa, lúa nếp Cay Nọi thêu dệt lên những dải khăn xanh non quấn quanh các ngọn núi. Thi thoảng thấp thoáng những chòi lá bán dưa, kinh doanh giải khát, tiếng nhạc sập xình, vui nhộn.
Cuộc sống rộn ràng này là ước mơ bao đời của người dân Mường Chanh, Quang Chiểu từng quanh năm lam lũ, vất vả mà vẫn đói ăn, đói mặc khi chỉ có ruộng khát, đất cằn. Còn nhớ, tháng 9/2011, trong chuyến công tác đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Thanh Hóa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm Mường Lát. Đến thăm các bản làng người Mông ở xã Trung Lý, người Thái ở Quang Chiểu và xã Mường Chanh, với tình cảm và sự tin tưởng đặc biệt, cố Tổng Bí thư đã “chọn” Mường Chanh làm xã điểm thoát nghèo, gắn với XDNTM ở khu vực biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa nói chung, Mường Lát nói riêng.
Thời điểm đó, toàn xã Mường Chanh có khoảng 3.000 hộ dân, nhưng có tới 30% hộ đói, còn lại chủ yếu là hộ nghèo. Người đứng đầu Đảng ta khi ấy dặn dò: "Hôm nay, bác giao nhiệm vụ cho tập thể cán bộ và Nhân dân, phải đưa Mường Chanh về đích NTM. Các cậu có làm được không?". Khi ấy, ông Lộc Văn En, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh đã trả lời bác: “Cán bộ và Nhân dân xã Mường Chanh làm được, thưa bác!”.
Cô và trò Trường Mầm non Nhi Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND, ngày 02/3/2012 về việc phê duyệt đề án xây dựng xã Mường Chanh thành xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng NTM đến năm 2015. Để hiện thực hóa nội dung của nghị quyết và quyết định của tỉnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp và các đoàn thể huyện Mường Lát tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện.
Đồng thời, vận động người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; khuyến khích người dân chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình về củng cố, xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho Nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế trên địa bàn huyện.
Dự định năm 2019, xã Mường Chanh sẽ đạt chuẩn NTM, thế nhưng cuối năm 2018 và 2019, huyện Mường Lát chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, khiến mọi thứ trở về vạch xuất phát. Trăn trở với lời hứa chưa hoàn thành, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Mường Chanh lại chung sức, đồng lòng vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa hoàn thiện các tiêu chí NTM. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và hành động của Nhân dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, chú trọng triển khai, lồng ghép các chương trình, dự án; làm đường giao thông, cải thiện vệ sinh môi trường, xóa nhà tranh tre dột nát... Cùng với đó, xã đã phối hợp với các đoàn thể chính trị, các cơ quan đóng trên địa bàn phát động và triển khai các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi tại 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh.
Năm 2024, dù trái tim cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập nhưng những lời căn dặn của ông vẫn được Đảng bộ, Nhân dân huyện Mường Lát nói chung và xã Mường Chanh nói riêng khắc ghi, quyết tâm phấn đấu. Đầu năm 2025, sau hơn một thập kỷ lỡ hẹn, xã Mường Chanh cuối cùng cũng cán đích thành công xã NTM. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 46,4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 11,73%. Nhận thức của người dân về chủ động phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào được nâng lên rõ rệt.
Chủ tịch UBND xã Mường Chanh Bùi Văn Nhân, chia sẻ: "Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh; sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành địa phương, đoàn thể cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh; đặc biệt là sự quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Mường Chanh đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Tới đây, xã sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được và từng bước nỗ lực đưa xã Mường Chanh trở thành xã NTM nâng cao".
Bước chắc để tiến xa
Thi đua với xã Mường Chanh, các địa phương trong huyện Mường Lát đang tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng xã NTM; phấn đấu đến hết năm 2025 huyện có thêm 2 xã Quang Chiểu và Nhi Sơn được công nhận là xã NTM.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt những người nông dân xã Quang Chiểu khi dưa được mùa, được giá.
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 11, khoảng 500 công trình hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng tại 8/8 xã, thị trấn được sửa chữa, xây dựng mới giúp huyện Mường Lát khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới, phục vụ đắc lực cho đời sống và sản xuất của người dân. Đến hết năm 2024, 100% các xã có trạm y tế, trường học được kiên cố hóa; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được thảm nhựa và bê tông hóa; hơn 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn, bản; trên 70% thôn có điện lưới quốc gia.
Huyện cũng đã hỗ trợ cho trên 45.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nhà ở, gần 14.000 hộ chuyển đổi ngành nghề; xây dựng và đưa vào sử dụng trên 3.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 22 trung tâm cụm xã, trên 200 công trình nước sinh hoạt tập trung thôn, bản... Do vậy, đã góp phần hoàn thiện hạ tầng tại các xã, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.
Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được quan tâm hàng đầu đối với huyện Mường Lát. Trong 2 năm, toàn huyện đã triển khai 56 lớp đào tạo nghề cho 1.242 lao động; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ), các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các hội nghị tư vấn học nghề, việc làm trực tiếp tại UBND các xã, thị trấn, thu hút trên 1.500 lao động tham gia; hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 400 lao động/năm, trong đó đối tượng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt trên 100 lao động/năm.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%.
Đường nhựa, đường bê tông đã về đến tận các bản làng sâu và xa nhất.
Kết quả sau hơn 2 năm không chỉ được thể hiện qua những con số thống kê đơn thuần, mà thành quả quan trọng nhất của Nghị quyết 11 là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đặc biệt là sự thay đổi về nhận thức của người dân vùng “rốn nghèo” về vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai nghị quyết.
Đích đến cốt lõi của Nghị quyết 11 chính là hướng tới giảm nghèo bền vững, tạo sức bật để vùng “rốn nghèo” của tỉnh phát triển, rút ngắn khoảng cách vùng miền trong tỉnh và gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM. Do đó, song song với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu tạo động lực cho hộ nghèo chủ động vươn lên làm ăn, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại; cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, huy động sự chung tay vào cuộc thực sự của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để giải quyết các “nút thắt” về lao động, việc làm, thị trường - để Nghị quyết 11 tiếp tục đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/muong-lat-vuon-minh-hanh-trinh-thay-doi-tu-nghi-quyet-11-nq-tu-bai-2-hoan-thanh-loi-hua-voi-co-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-247480.htm
Bình luận (0)