Sự kiện là dấu mốc quan trọng, khởi động một giai đoạn mới đối với NAFOSTED trong bối cảnh hệ sinh thái khoa học đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng mở, minh bạch, đồng hành cùng nhà khoa học và gắn với khát vọng phát triển quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Các thành viên HĐKH NCCB lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) và lĩnh vực khoa học tự nhiên và kinh tế (KHTN&KT) nhiệm kỳ 2022 - 2024 chụp ảnh kỷ niệm.
NAFOSTED: Điểm tựa học thuật cho cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam
Phát biểu khai mạc, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc NAFOSTED gửi lời tri ân tới các thành viên HĐKH nhiệm kỳ trước vì những đóng góp bền bỉ, tâm huyết, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ thống xét chọn và đánh giá nhiệm vụ NCCB. Đồng thời cảm ơn các thành viên nhiệm kỳ mới, những "người gác cổng học thuật", sẵn sàng đồng hành cùng Quỹ trong sứ mệnh bảo vệ chuẩn mực và đạo đức khoa học.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) vừa được thông qua, mở ra nhiều đột phá thể chế quan trọng, như: Thừa nhận đầy đủ vai trò của các quỹ KH&CN công lập; Chính thức hóa quyền được thất bại trong nghiên cứu; Lần đầu tiên quy định rõ việc đánh giá hiệu quả đầu tư KH&CN phải dựa trên sản phẩm đầu ra và tác động kinh tế - xã hội; Khuyến khích mạnh mẽ cơ chế tự chủ học thuật, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì, đồng thời tăng quyền tiếp cận tài trợ cho các nhà khoa học trẻ, các tổ chức KH&CN ngoài công lập…
Ông Đào Ngọc Chiến cho biết, năm 2025, Cơ quan điều hành Quỹ sẽ triển khai đồng bộ một số định hướng trọng tâm, như: Hoàn thiện hệ thống số hóa quy trình tài trợ, tích hợp toàn bộ vòng đời của đề tài từ nộp hồ sơ - xét duyệt - nghiệm thu - theo dõi tác động; Triển khai các mô hình tài trợ linh hoạt; Hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ, thông qua cơ chế khuyến khích riêng, kết nối với các chương trình quốc tế, và đào tạo kỹ năng làm hồ sơ, quản lý nhiệm vụ; Thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phản biện khoa học, tiếp tục mở rộng đối tác song phương và ba bên với các Quỹ quốc tế.
Song song với đó, Quỹ sẽ tăng cường các hoạt động đồng hành - từ tập huấn chuyên môn đến phân tích dữ liệu đầu tư khoa học. Đặc biệt là sử dụng dữ liệu hơn 4.000 đề tài đã tài trợ để xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, hướng đến hệ sinh thái mà ở đó nhà khoa học được bảo vệ khi dấn thân với rủi ro học thuật.
Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc NAFOSTED phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Trần Quang Tuyến, Phó Chủ tịch HĐKH ngành Kinh tế nhiệm kỳ 2022 - 2024 khẳng định, NAFOSTED là thiết chế học thuật kiểu mẫu, được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận về tính minh bạch, khách quan và liêm chính trong tài trợ nghiên cứu. Quỹ đã góp phần nuôi dưỡng niềm tin vào một hệ sinh thái nghiên cứu nghiêm túc, chuyên nghiệp và đáng tin cậy, nơi mà các nhà khoa học có thể toàn tâm toàn ý cống hiến vì sự tiến bộ của khoa học Việt Nam.
PGS.TS. Trần Quang Tuyến cũng đưa ra hai khuyến nghị quan trọng đối với HĐKH trong định hướng tài trợ thời gian tới, gồm: Ưu tiên tài trợ các đề tài liên ngành, nhất là nghiên cứu về tác động của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số tới kinh tế, xã hội, môi trường nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách phát triển bền vững; Đầu tư nghiên cứu hiệu quả cải cách hành chính và đổi mới mô hình quản trị nhà nước bằng các phương pháp định lượng để làm rõ cả tác động tích cực, hạn chế, qua đó góp phần hoàn thiện thể chế quốc gia và có thể công bố quốc tế.
PGS.TS. Trần Quang Tuyến, Phó Chủ tịch HĐKH ngành Kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc NAFOSTED đã Công bố Quyết định thành lập HĐKH NCCB KHTN&KT nhiệm kỳ 2025 - 2027 và HĐKH NCCB KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2026. Theo đó, tành viên các HĐKH là những nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc, đáp ứng tiêu chí chuyên gia theo Thông tư 37/2014/TT-BKHCN, được cộng đồng học thuật tín nhiệm và đề xuất.
Đặc biệt, Quỹ đã mời đặc cách một số nhà khoa học người Việt Nam đang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học ở nước ngoài, có thành tích xuất sắc tham gia các HĐKH trong nhiệm kỳ 2025 - 2027 nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn mực đánh giá khoa học của Quỹ theo thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc NAFOSTED công bố Quyết định thành lập HĐKH NCCB KHTN&KT nhiệm kỳ 2025 - 2027 và HĐKH NCCB KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2026.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Ngô Đức Thành, Chủ tịch HĐKH ngành Khoa học Trái Đất - Khoa học Biển nhiệm kỳ 2025 - 2027, đại diện cho các HĐKH gửi lời cảm ơn tới cộng đồng khoa học đã tín nhiệm bầu chọn và NAFOSTED đã tin tưởng giao nhiệm vụ. Đồng thời, khẳng định quyết tâm đồng hành cùng Quỹ với tinh thần trách nhiệm, minh bạch và chuẩn mực học thuật cao nhất.
Theo PGS.TS. Ngô Đức Thành, Việt Nam hiện đang đứng trước những bước ngoặt có tính bản lề đối với sự phát triển của KH&CN. Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia, cùng với những chuyển biến tích cực trong cơ chế hoạt động và quy mô tài trợ của Quỹ NAFOSTED đang mở ra một giai đoạn phát triển mới cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản.
Để chương trình tài trợ NCCB ngày càng hiệu quả, PGS.TS. Ngô Đức Thành đề xuất bốn định hướng lớn: Có những chương trình tài trợ dài hạn, theo định hướng nghiên cứu; tiếp tục xem xét tăng cường cơ chế hỗ trợ nhà khoa học trẻ, đặc biệt là Postdoc; triển khai các buổi làm việc, các phiên họp để các HĐKH ngành mở rộng, đưa ra các bài toán lớn, định hướng, mang tính đột phá; tôn vinh nhà khoa học và thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
PGS.TS. Ngô Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học Trái Đất - Khoa học Biển nhiệm kỳ 2025 - 2027 phát biểu tại Hội nghị.
Hướng tới một nền khoa học đột phá, minh bạch và hội nhập quốc tế
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý NAFOSTED nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng đánh dấu bước chuyển từ một Quỹ nghiên cứu cơ bản sang một hệ thống Quỹ quốc gia toàn diện, hoạt động theo mô hình mở, linh hoạt và tiệm cận thông lệ quốc tế. Trên tinh thần kế thừa những giá trị cốt lõi của NAFOSTED - sự minh bạch, liêm chính, tự do học thuật - mô hình mới sẽ mở rộng bao phủ toàn bộ lĩnh vực khoa học: từ NCCB đến ứng dụng, công nghệ chiến lược và ĐMST.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, vai trò của Quỹ trong giai đoạn mới không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, mà sẽ đóng vai trò thiết kế hệ sinh thái khoa học. "Quỹ sẽ là nơi tạo dựng môi trường, bảo đảm thủ tục, còn ‘cuộc chơi’ phải do chính các nhà khoa học dẫn dắt".
Với một số chương trình dài hạn, HĐKH không chỉ xét chọn đề tài, mà còn đảm nhiệm vai trò "tổng công trình sư", từ định hướng, triển khai đến đánh giá kết quả cuối cùng trong vòng 5-10 năm.
Một trong những điểm đột phá được Thứ trưởng chỉ rõ, đó là việc Luật KHCN&ĐMST sửa đổi đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho cơ chế "trao quyền - khoán chi - chấp nhận rủi ro". Theo đó, tổ chức chủ trì được toàn quyền sử dụng kinh phí theo cách tối ưu nhất, miễn không vi phạm pháp luật, không bị bó buộc vào dự toán chi tiết như trước. Đặc biệt, nếu đề tài nghiên cứu không đạt kết quả kỳ vọng nhưng quy trình triển khai tuân thủ đúng quy định, nhà khoa học sẽ không bị thu hồi kinh phí, không phải chịu trách nhiệm hành chính, dân sự hay hình sự. Thứ trưởng nhấn mạnh, "đây là điểm cốt lõi để khoa học dám bước vào những lĩnh vực khó, rủi ro cao nhưng giá trị lớn, nơi có thể tạo nên những đột phá thực sự".
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho biết, toàn bộ hệ thống nghiên cứu khoa học đang được tái cơ cấu triệt để. Sáu chương trình quốc gia được giữ lại sẽ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi; các đề tài nghiên cứu cơ bản sẽ chuyển sang hình thức tuyển chọn định kỳ, không gắn theo chương trình, đảm bảo sự linh hoạt và mở rộng cơ hội tiếp cận cho các nhà khoa học. Đặc biệt, Luật KHCN&ĐMST đã bổ sung bốn chính sách đột phá dành riêng cho nghiên cứu cơ bản, đó là:
Thứ nhất, áp dụng cơ chế block funding - tài trợ theo gói, trao quyền chủ động xây dựng đề tài cho các viện, trường.
Thứ hai, cho phép đề tài tuyển dụng nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên trong thời hạn 36 tháng với đầy đủ chế độ.
Thứ ba, xây dựng chương trình dành riêng cho Postdoc - lực lượng nòng cốt triển khai nghiên cứu tại nhiều quốc gia phát triển.
Thứ tư, mở các gói nhiệm vụ nghiên cứu độc lập cho nghiên cứu sinh, tạo điều kiện học thuật và tài chính để hoàn thiện luận án tiến sĩ.
Cùng với đó là sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức triển khai và quản lý nhiệm vụ KH&CN. Toàn bộ hoạt động của Quỹ sẽ được thực hiện trên nền tảng điện tử, từ tuyển chọn, thẩm định đến ký hợp đồng, giám sát tiến độ nhằm tối giản thủ tục, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch. Bộ KH&CN cũng đang kiến nghị thay thế "Hội đồng nghiệm thu" bằng "Hội đồng đánh giá chất lượng", với mục tiêu đưa hoạt động khoa học đến gần hơn với chuẩn mực quốc tế.
Đề cập tới nghiên cứu KHXH&NV, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh yêu cầu định hướng rõ vào các lĩnh vực pháp luật, chính sách công, thể chế, làm nền tảng học thuật cho các đề án của Đảng và Chính phủ.
Với các đề tài ứng dụng, kết quả cần gắn với chuyển giao, tác động cụ thể đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Mô hình tài trợ mới sẽ khuyến khích hình thành các cụm đề tài, chuỗi nghiên cứu liên kết, gắn với nhóm nghiên cứu mạnh và phòng thí nghiệm hiện đại.
Thứ trưởng cũng kêu gọi các nhà khoa học cùng Bộ KH&CN và Quỹ tham gia góp ý cho các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chung tay định hình hệ sinh thái KH&CN mới mang tính đột phá, liêm chính và hội nhập quốc tế. "Đây không chỉ là cuộc cách mạng về thể chế mà là cuộc cách mạng về tư duy, về cách chúng ta đầu tư, tổ chức và đánh giá khoa học. Rất mong được sự đồng hành của các thầy cô - những người đang làm nên sức sống của khoa học Việt Nam hôm nay và ngày mai."
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý NAFOSTED phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã nghe những chia sẻ sâu sắc từ bà Nguyễn Thị Hoàng Hà,- Phó Giám đốc Chương trình Aus4Innovation về kinh nghiệm của Chính phủ Úc trong việc xây dựng và vận hành các hội đồng khoa học. Trong nội dung phát biểu, bà Nguyễn Thị Hoàng Hà cũng giới thiệu phương pháp Giám sát, Đánh giá và Học tập (Monitoring, Evaluation and Learning - MEL), một công cụ quản trị tiên tiến đang được Chính phủ Úc và nhiều tổ chức quốc tế áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình khoa học - đổi mới sáng tạo. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Hà, MEL không chỉ giúp theo dõi tiến độ và kết quả của dự án, mà còn là nền tảng để liên tục cải tiến cách thức thực hiện, thúc đẩy học tập nội bộ và bảo đảm trách nhiệm giải trình với các bên liên quan.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Hà, Phó Giám đốc Chương trình Aus4Innovation phát biểu tại Hội nghị.
Nguồn: https://mst.gov.vn/nafosted-kien-tao-he-sinh-thai-khoa-hoc-doi-moi-minh-bach-hoi-nhap-197250708222046342.htm
Bình luận (0)