Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao sức cạnh tranh 4 sản phẩm trái cây chủ lực

Theo ngành nông nghiệp trái cây Việt Nam đang đứng trước áp lực mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định thương hiệu. Theo đó, 4 loại trái cây chủ lực, gồm chanh dây, chuối, dứa và dừa rất có tiềm năng tăng trưởng, tiệm cận móc tỷ USD và đang góp phần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của ngành rau quả.

Báo Vĩnh LongBáo Vĩnh Long20/07/2025

Nhiều lợi thế, tiềm năng xuất khẩu

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhóm cây ăn trái đang ngày càng khẳng định vai trò động lực tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Chanh dây, chuối, dứa và dừa là những đại diện tiêu biểu của nông sản hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.
Chanh dây, chuối, dứa và dừa là những đại diện tiêu biểu của nông sản hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.

Năm 2024, tổng diện tích cây ăn trái khoảng 1,3 triệu hecta, trong đó, 4 loại trái cây là chanh dây, chuối, dứa và dừa, chính là những đại diện tiêu biểu, hội tụ nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu.

ThS Ngô Quốc Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, cho biết: Với chanh dây, Việt Nam hiện đạt 163 ngàn tấn sản lượng/năm, chủ yếu từ vùng Tây Nguyên. Chanh dây đang ở giai đoạn cuối để được Mỹ cấp phép nhập khẩu; đồng thời đã gửi hồ sơ sang Hàn Quốc, Thái Lan. Chuối hiện đạt sản lượng 3 triệu tấn, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Với hơn 625 ngàn tấn xuất sang Trung Quốc năm 2024, ngành chuối được định hướng giữ vững thị phần bằng cách nâng cao chất lượng, mẫu mã và xây dựng thương hiệu.

Còn dứa đạt 860 ngàn tấn, trồng chủ yếu ở ĐBSCL. Đến năm 2030, dự kiến đạt gần 1 triệu tấn, với diện tích mở rộng và trồng rải vụ để phục vụ chế biến, trái vụ. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam- Đặng Phúc Nguyên cho biết, nhu cầu tiêu thụ dứa trên thế giới đang tăng mạnh, với quy mô thị trường toàn cầu đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng kép hàng năm ở mức 6,3%.

Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 50% nhu cầu tiêu thụ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Bên cạnh đó, dừa là loại trái cây có diện tích lớn nhất, 202 ngàn hecta, sản lượng 2,28 triệu tấn, chủ yếu từ ĐBSCL. Năm 2024, xuất khẩu dừa tươi đạt 390 triệu USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư vào công nghệ và sản phẩm mới, từ dừa nguyên trái, dừa gọt kim cương đến dừa cắt khắc bằng laser. Nhờ đó, dừa Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia.

Chiếm hơn 50% diện tích trồng dừa cả nước với gần 120 ngàn hecta, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, diện tích dừa canh tác hữu cơ không ngừng được mở rộng và nâng cao về chất lượng.

Giá bán dừa hữu cơ cao hơn 5-15% so với dừa trồng thông thường. Toàn tỉnh có 171 mã số vùng trồng dừa xuất khẩu, thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, một số ít sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, EU.

Chuỗi dừa công nghiệp sản xuất hữu cơ có 34 HTX, 20 tổ hợp tác với quy mô trên 21.500ha, chiếm 27% diện tích trồng dừa của tỉnh. Và hiện có 7 doanh nghiệp liên kết thu mua, chế biến và xuất khẩu.    

Cần có chiến lược phát triển

Tuy các mặt hàng trái cây có nhiều tiềm năng, lợi thế xuất khẩu, song, theo ngành nông nghiệp, trong bối cảnh nhiều thị trường lớn ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm, 4 mặt hàng trái cây chủ lực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Ngành nông nghiệp nỗ lực tìm giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam.
Ngành nông nghiệp nỗ lực tìm giải pháp nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết: Do tập quán người dân thường tự đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, dẫn đến tình trạng chồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra.

Ngành chế biến dừa còn thủ công, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics. “Để phát triển bền vững, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng. Đồng thời, đòi hỏi sự phối hợp để đưa ra giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất; có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại trái cây khác như: chuối, dứa,... để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam.

Ngoài ra, cần thúc đẩy hệ sinh thái cây dừa thông qua xen canh, tận dụng đặc tính giữ nước, cải tạo đất của dừa để tăng giá trị sinh thái và tín chỉ carbon”, bà Thanh nói.

Trong khi đó, để phát triển bền vững mặt hàng chanh dây, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Nafoods, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, tránh tình trạng trồng ồ ạt khi giá cao dẫn đến rớt giá.

Cần kiểm soát các thương lái Trung Quốc và nhà máy nước ngoài thu mua với giá quá thấp. Tăng cường quản lý giống giả, giống kém chất lượng; cần quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung của nông sản Việt Nam…

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngành trái cây Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu như kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Một số vụ việc vi phạm khiến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị thu hồi (sầu riêng, mít), ảnh hưởng đến thương mại. “Đây là thời điểm để ngành trái cây nhìn lại chiến lược phát triển, chuyển từ sản lượng lớn sang tăng chất lượng, công nghệ và thương hiệu. Chỉ khi đó, trái cây Việt Nam mới có thể bứt phá bền vững trên thị trường quốc tế”- ông Tuấn
nhận định.

TS Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, cho rằng, để khắc phục tình trạng phá vỡ hợp đồng và nâng cao năng lực xuất khẩu trái cây, mô hình HTX chính là điểm tựa then chốt. 

Doanh nghiệp nên liên kết thông qua HTX để quản lý mã vùng trồng, tổ chức vùng nguyên liệu và kiểm soát sản lượng. HTX không chỉ là đầu mối kỹ thuật mà còn là đối tác chiến lược về logistics và chất lượng sản phẩm.

Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường: 4 loại trái cây chanh dây, dứa, dừa và chuối đang có năng lực cạnh tranh, sản xuất và nhu cầu thị trường tiềm năng to lớn. Tổng diện tích canh tác 4 loại trái cây này hiện đạt khoảng 420 ngàn hecta với sản lượng trên 6,3 triệu tấn, cho thấy nguồn lực sản xuất dồi dào. Tuy nhiên, các loại trái cây vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: thiếu giống tốt, giống chống chịu với các loài sâu bệnh hại quan trọng, thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tỷ lệ chế biến thấp, thiếu thương hiệu quốc gia, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vướng mắc trong truy xuất nguồn gốc… Do đó, việc cung cấp giống, phân bón đến bao tiêu sản phẩm không chỉ đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202507/nang-cao-suc-canh-tranh-4-san-pham-trai-cay-chu-luc-0b50918/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm