Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn trước khi bị khách tham quan bẻ gãy - Ảnh: NHẬT LINH
Vụ việc bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn bị khách tham quan vượt rào, leo lên ngồi rồi bẻ gãy khiến dư luận cả nước rúng động.
Vụ việc đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, bảo vệ những di tích, di sản và bảo vật không chỉ gói gọi trong địa bàn TP Huế mà còn trên cả nước. Đáng chú ý, việc này không chỉ mới được đề cập gần đây.
Riêng với Huế, đã có nhiều bảo vật quốc gia đã, đang bị xâm hại bởi con người.
Bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn
Ngai vàng triều Nguyễn là bảo vật quốc gia được công nhận năm 2015. Chiếc ngai là biểu tượng quyền lực cho vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam, kéo dài hơn 143 năm.
Ngai vàng này làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng.
Phần lưng ngai là phần cao nhất, gồm một tấm bảng gỗ hẹp hình chữ nhật có bề rộng khoảng 18cm đặt theo chiều dọc; mỗi bên có hai song tựa cạnh vuông. Trên tấm bảng gỗ có chạm nổi đề tài "Long hàm thọ".
Đường diềm xung quanh chạy theo tay ngai được chạm lọng đề tài "Lá hóa dơi". Tay ngai được uốn cong, lượn theo lưng ghế sang hai bên thành hai đầu rồng.
Trong các sách sử triều Nguyễn không ghi rõ chiếc ngai vàng này được làm từ khi nào. Tuy nhiên có giả thuyết cho rằng chiếc ngai vàng bảo vật này từng được vua Khải Định cho sửa lại vào năm 1923 khi triều đình chuẩn bị làm lễ "Tứ tuần đại khánh" cho nhà vua.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đặc biệt là nhiều cuộc chiến tranh, chiếc ngai từng bị hư hại ở phần tay. Theo hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia lưu tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế vào năm 2015, các chỗ ghép mộng của ngai bị long và hở.
Phần sơn thếp bị bám bụi bẩn. Các ô kính tráng thủy trang trí phía dưới bệ ngai bị hư hỏng. Tay ngai bên phải bị gãy rời, đã được gia cố tạm bằng dây thép. Một mảng ván của đế ngai bị mục và bong lớp sơn son thếp vàng.
Hôm 24-5, phần bệ tì tay của chiếc ngai vàng bị ông Hồ Văn Phương Tâm - khách tham quan điện Thái Hòa - vượt rào bảo vệ, ngồi lên rồi bẻ gãy thành nhiều khúc.
Bảo vật quốc gia bia đá "Ngự kiến Thiên Mụ tự"
Bia đá "Ngự kiến Thiên Mụ tự" hiện đang đặt tại chùa Thiên Mụ (quận Phú Xuân, TP Huế) được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2020.
Bia do chúa Nguyễn Phúc Chu cho dựng lên vào năm 1715.
Bia đá "Ngự kiến Thiên Mụ tự" được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020 - Ảnh: NHẬT LINH
Bia cao 3,89m, rộng 1,68m, dày 0,25m. Đế bia có hình rùa đội bia dài 2,24m, rộng 1,65m, cao 0,66m. Bệ bia mỗi cạnh dài 1,73m, cao 0,52m. Bia được ghép từ hai tấm đá lớn, thuộc hai loại đá khác nhau. Trán bia làm bằng cẩm thạch trắng, chạm nổi đồ án "long vân", "thủy ba".
Phần trung tâm phía trên theo chiều ngang chạm nổi hai chữ Hán: 御建 (Ngự kiến) và ba chữ Hán: 天姥寺 (Thiên Mụ tự) ở phía dưới theo chiều dọc, trong khung hình chữ nhật đứng. Khắc chồng lên hai chữ 天姥 (Thiên Mụ) là hình dấu ấn khắc 9 chữ Hán theo lối chữ triện: 大越國阮主永鎮之寳 (Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo).
Phần đầu rùa của bia đá bị khách tham quan dùng vật nhọn khắc chữ - Ảnh: NHẬT LINH
Phần thân bia làm bằng sa thạch màu xám, có hình chữ nhật. Lòng thân khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán. Đế bia được tạo hình theo kiểu thức rùa đội bia.
Rùa được tạc từ đá hoa cương nguyên khối, tạo hình rất sinh động đầu ngẩng lên cao, vươn ra ngoài và có kích thước rất lớn, cân đối hài hòa với chiều cao của bia. Bốn chân rùa đặt trên bệ đá, được chạm trổ uyển chuyển như đang bơi.
Bia Ngự kiến Thiên Mụ Tự của chúa Nguyễn Phúc Chu là hiện vật gốc độc bản - một trong số những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn còn giữ được gần như nguyên vẹn, có nhiều giá trị về mặt mỹ thuật. Đây là tác phẩm điêu khắc đá Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII với kích thước đồ sộ nhất trong số các bia đá thời chúa Nguyễn.
Một nét khắc chữ của du khách trên phần rùa làm bằng đá hoa cương nguyên khối của bảo vật quốc gia "Ngự kiến Thiên Mụ tự" - Ảnh: NHẬT LINH
Tuy là bảo vật quốc gia nhưng tấm bia này từng bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều du khách tham quan chùa Thiên Mụ đã dùng vật nhọn, cứng khắc chữ trực tiếp lên phần bia và con rùa. Nhiều người còn sử dụng bút xóa ghi tên lên tấm bia bảo vật quốc gia.
Sau đó tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) đã cho làm hàng rào gỗ cao khoảng 60cm dựng lên tại khu vực nhà bia để ngăn chặn du khách tiếp cận quá gần với bảo vật này.
Bảo vật quốc gia Đại hồng chung chùa Thiên Mụ
Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013.
Quả chuông làm bằng đồng, cao 240cm, nặng gần 2.000kg và do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710 để cúng dường cho chùa Thiên Mụ.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, quả chuông có hình dáng cân đối, hoa văn và những mô típ trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét. Quả chuông được xem là hiện vật tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Sau hàng trăm năm tồn tại, chuông còn rất tốt, không xảy ra hiện tượng ăn mòn hóa học.
Đại hồng chung tại chùa Thiên Mụ được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013 - Ảnh: NHẬT LINH
Phần thân của quả chuông Đại hồng chung bị du khách dùng vật nhọn khắc chữ - Ảnh: NHẬT LINH
Chữ từ bút tẩy do du khách viết còn lưu lại trên phần giá đỡ của quả chuông - Ảnh: NHẬT LINH
Tuy nhiên thân chuông có 2 vết thủng ở phía trên biểu tượng quẻ Càn. Vành miệng chuông có một vết khoét dài khoảng 15cm, rộng 1,5cm. Văn tự và hoa văn chạm khắc trên thân chuông bị ăn mòn nghiêm trọng.
Nguyên nhân ăn mòn là sự bào mòn cơ học bởi tác động trực tiếp của khách tham quan. Có nhiều vết bẩn, chữ viết, hình vẽ bằng mực, bút chì và sơn trên chuông.
Tương tự như tấm bia "Ngự kiến Thiên Mụ tự", chuông chùa Thiên Mụ được bảo quản trong một ngôi nhà hình lục giác, có rào chắn bằng gỗ để hạn chế người dân tiếp cận quá gần quả chuông.
Bảo vật quốc gia Cửu vị thần công
Cửu vị thần công là 9 khẩu súng thần công, vua Gia Long sắc phong tên là Thần oai vô địch Thượng tướng quân cửu vị, được đúc bằng đồng từ tháng 1-1803 đến tháng 1-1804, dưới thời vua Gia Long, được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Vật liệu đúc súng là toàn bộ vũ khí của nhà Nguyễn thu từ quân Tây Sơn sau khi vua Gia Long lên ngôi, thống nhất giang sơn.
Bảo vật quốc gia Cửu vị thần công được đặt tại khu vực cửa H
Cửu vị thần công đúc không nhằm mục đích chiến đấu và thực tế chưa bao giờ khai hỏa. Các khẩu thần công này tượng trưng cho các vị thần bảo vệ vương triều, là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho kinh thành, hoàng cung thêm phần oai nghiêm.
9 khẩu thần công chia làm 2 nhóm: Nhóm "Tứ thời" gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông và nhóm "Ngũ hành" gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Mỗi khẩu thần công có trọng lượng khác nhau, trọng lượng trung bình mỗi khẩu là 11.000kg.
Các khẩu thần công được đặt trên một giá súng bằng gỗ lim - cũng được chạm trổ công phu với những hoa văn hình rồng, mây. Mỗi giá súng có 4 bánh xe bằng gỗ bọc sắt dùng để di chuyển. Trọng lượng trung bình mỗi giá súng là 900kg.
Họng súng thần công bảo vật quốc gia trở thành nơi chứa rác của những du khách thiếu ý thức - Ảnh: NHẬT LINH
Đây được xem là tác phẩm điêu khắc đỉnh cao, thể hiện trình độ đúc đồng đạt đến tuyệt mỹ của các nghệ nhân dưới triều Nguyễn. Trải qua hàng trăm năm với nhiều bể dâu lịch sử, 9 khẩu thần công này vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Hiện nay thần công được đặt tại hai nhà đặt pháo ngay cửa Quảng Đức và cửa Thể Nhơn, hai lối ra vào Kinh thành Huế.
Tương tự như các bảo vật đặt lộ thiên, 9 khẩu thần công hiện nay được bảo vệ bởi một lớp hàng rào gỗ ngăn cách du khách tiếp cận. Tuy nhiên nhiều nòng pháo của các khẩu thần công lại trở thành họng chứa rác của những du khách không có ý thức.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngai-vang-trieu-nguyen-khong-phai-la-bao-vat-quoc-gia-dau-tien-bi-xam-hai-o-hue-20250528140534645.htm
Bình luận (0)