Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết tại Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, sáng 11/5.
Theo ông Phạm Thanh Hà, tính đến nay, các ngân hàng đã thực hiện chuyển khoảng 154 tỷ đồng trong chương trình cam kết ủng hộ 220 tỷ đồng. Trong đó, 4 ngân hàng đã hoàn thành việc chuyển tiền về Quỹ Vì người nghèo Trung ương và địa phương gồm: Agribank, VietinBank, BIDV và VPBank.
2 ngân hàng khác là Ngân hàng Quân đội (MB) và Sacombank đã chuyển một phần và đang tiếp tục phối hợp với địa phương để chuyển phần còn lại.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về chương trình quy mô 1.000 tỷ đồng do Thủ tướng Chính phủ phát động từ tháng 10/2024, theo báo cáo, đến nay các ngân hàng đã chuyển được 715 tỷ đồng cho các địa phương theo phân bổ tại Công văn số 5935 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Số tiền chưa chuyển là 285 tỷ đồng.
Trong số này, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Techcombank đã sẵn sàng chuyển tổng cộng 180 tỷ đồng (ACB 80 tỷ đồng, Techcombank 100 tỷ đồng) cho tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, vào tháng 2/2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm dừng chuyển số tiền này vì Đắk Lắk đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hỗ trợ. 2 ngân hàng cam kết sẽ chuyển số tiền trên vào đợt tiếp theo khi có hướng dẫn và địa chỉ mới.
Bên cạnh đó, 2 tỉnh Hòa Bình và Sóc Trăng vẫn chưa hoàn tất thủ tục nhận kinh phí hỗ trợ dù các ngân hàng liên quan gồm VietinBank, SeaBank và HDBank đã sẵn sàng giải ngân. Cụ thể, Hòa Bình còn 95 tỷ đồng và Sóc Trăng còn 10 tỷ đồng chưa được chuyển.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động làm việc với các địa phương theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối tháng 4, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ và dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/6.
Trên cơ sở triển khai thực tế, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm có hướng dẫn để ACB và Techcombank có thể chuyển kinh phí đến địa phương khác thay cho Đắk Lắk. Đồng thời, đề nghị các tỉnh chưa nhận kinh phí như Hòa Bình và Sóc Trăng khẩn trương phối hợp với các ngân hàng để giải ngân nốt số tiền cam kết.
Liên quan đến cơ chế tài chính, ông Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến hướng dẫn bổ sung đối tượng hộ cận nghèo là đối tượng được thụ hưởng chương trình để khi các ngân hàng chuyển tiền thì khoản chi này được tính vào chi phí hợp lý, đảm bảo ý nghĩa hỗ trợ của chương trình.
Nguồn: https://congthuong.vn/ngan-hang-giai-ngan-gan-1000-ty-dong-de-xoa-nha-tam-387058.html
Bình luận (0)