Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa):
Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất trong dạy học lịch sử không nằm ở việc giúp học sinh ghi nhớ bao nhiêu mốc sự kiện, mà là khả năng nhận thức sâu sắc vị trí và ý nghĩa của những biến cố lịch sử lớn. Trong số đó, ngày 30/4/1975 là một ví dụ tiêu biểu.
Chiến thắng 30/4 không chỉ khép lại một cuộc chiến tranh khốc liệt - một chương đầy đau thương trong lịch sử dân tộc - mà còn mở ra thời kỳ thống nhất và tái thiết đất nước, hiện thực hóa tư tưởng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” và khẳng định chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Việc học sinh hiểu rõ giá trị lịch sử của ngày này sẽ giúp các em hình thành lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm và ý thức xây dựng cộng đồng trong bối cảnh xã hội hiện đại. Tôi kỳ vọng các em hiểu rằng, 30/4 không chỉ là một ngày lễ được nghỉ, mà là ngày chúng ta tưởng nhớ, tri ân hàng triệu người đã hy sinh, và rút ra bài học quý giá rằng: “Tìm hiểu về chiến tranh để trân trọng giá trị của hòa bình”.
Khi nhận thức được như vậy, lịch sử sẽ không còn là một môn học khô khan về quá khứ, mà trở thành nguồn cảm hứng, động lực sống cho hiện tại và tương lai.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lịch sử cần được tiếp cận như một công cụ nhận thức, chứ không chỉ là hệ thống thông tin. Tinh thần đoàn kết, dũng cảm và bao dung được hun đúc từ thời kỳ kháng chiến có thể trở thành nền tảng đạo đức để thế hệ trẻ hôm nay vững vàng vượt qua những thách thức của thời đại mình.
Thầy Hà Minh Thắng, giáo viên môn Lịch sử của Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội):
Lịch sử là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại. Việc học môn Lịch sử có vai trò to lớn trong hình thành tri thức, nhân cách và lòng tự hào dân tộc của mỗi người.
Song, thực tế việc học lịch sử ở các trường phổ thông còn nhiều khó khăn. Không ít học sinh bày tỏ thiếu hứng thú với môn Lịch sử. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, cách dạy và học Lịch sử ở nhiều nơi còn nặng về ghi nhớ sự kiện, ngày tháng, khiến môn học trở nên khô khan, khó tiếp cận. Thay vì truyền cảm hứng về những câu chuyện hào hùng, những bài học sâu sắc từ quá khứ, học sinh lại bị áp lực bởi việc học thuộc máy móc. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số, học sinh có nhiều mối quan tâm khác hấp dẫn hơn như mạng xã hội, game, giải trí hiện đại... Lịch sử, nếu không được đổi mới cách tiếp cận, dễ bị coi là "lỗi thời" và "xa rời thực tế".

Việc học sinh không thích học Lịch sử là một thực trạng đáng lo ngại. Bởi lịch sử không chỉ là những trang giấy cũ kỹ mà còn là bài học về lòng yêu nước, về bản sắc dân tộc và về những kinh nghiệm quý báu cho tương lai. Nếu không hiểu lịch sử, con người dễ mắc lại những sai lầm cũ và đánh mất gốc rễ của chính mình.
Tôi và nhiều thầy cô dạy Lịch sử khác mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, chính quyền đối với việc dạy và học, để bộ môn Lịch sử không còn là ”nỗi ám ảnh” với học sinh.
TS Nguyễn Văn Ninh, Trưởng Khoa Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội:
Tôi luôn trăn trở làm sao để sinh viên học Lịch sử không phải như một môn học khô cứng, mà như một hành trình sống động, gắn liền với trách nhiệm của chính mình đối với quá khứ và tương lai. Học Lịch sử không chỉ để thuộc lòng sự kiện, mà để thấu hiểu những giá trị của khát vọng độc lập, tự do và tinh thần nhân văn cha ông đã gìn giữ.
Tôi mong sinh viên tiếp cận Lịch sử bằng tư duy chủ động, phản biện; đồng thời biết tận dụng sức mạnh công nghệ - từ tài liệu số hóa, bảo tàng ảo cho đến các nền tảng học tập trực tuyến - để làm cho việc học Lịch sử trở nên sinh động hơn, gần gũi hơn. Công nghệ cho phép thế hệ trẻ hôm nay "sống cùng" với Lịch sử một cách sâu sắc, không chỉ qua sách vở mà còn qua trải nghiệm số hóa, truyền thông đa phương tiện.

Ngày 30/4 nhắc nhở chúng ta về sức mạnh kỳ diệu của lòng yêu nước, của khát vọng thống nhất và hòa bình. Tôi mong sinh viên ngày nay không chỉ hiểu, mà còn có thể lan tỏa tinh thần ấy bằng những cách thức mới mẻ: Sáng tạo nội dung lịch sử trên mạng xã hội, tham gia các dự án số hóa tư liệu lịch sử, tổ chức hoạt động tưởng niệm sáng tạo để kết nối cộng đồng.
Tinh thần "giải phóng" trước đây, giờ chính là tinh thần "sáng tạo và khai phóng" hôm nay. Các em cần hiểu học Lịch sử là để nuôi dưỡng bản lĩnh, sự thấu cảm và năng lực hành động trong một thế giới đổi thay không ngừng.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ngay-30-4-nhac-nho-chung-ta-ve-suc-manh-ky-dieu-cua-long-yeu-nuoc-2396484.html
Bình luận (0)