Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày mới ở Xuân Thượng

Mặc dù đã đến Xuân Thượng (Bảo Yên) không ít lần, nhưng lần nào vùng đất này cũng cho chúng tôi những cảm giác mới mẻ.

Báo Lào CaiBáo Lào Cai09/05/2025

Lần này cũng vậy, đang giai đoạn sắp xếp lại đơn vị hành chính, chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã - Cổ Văn Chuông đi xe máy theo con đường cấp phối từ trụ sở UBND xã về bản 2 Thâu. Dọc đường, Bí thư Cổ Văn Chuông kể rất nhiều về sự đổi thay ở nơi này.

Xuân Thượng cách trung tâm huyện lỵ (tức thị trấn Phố Ràng) không xa, chỉ khoảng 4 km. Điều kiện tự nhiên của xã thuận lợi hơn nhiều so với một số địa phương trong huyện, như đất đai màu mỡ, có sông Chảy và hệ thống suối dày đặc, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp… Vậy nhưng trong suốt thời gian dài, Xuân Thượng loay hoay, luẩn quẩn với bài toán phát triển kinh tế, trong khi những địa phương lân cận có những bước đột phá. Nguyên nhân cơ bản là do người dân chỉ quen sống tự cung tự cấp, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, trong khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ hoạch định chính sách, chỉ lối, định hướng cho chính địa phương mình.

Bước ngoặt lớn được tạo ra từ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, với những mục tiêu rất cụ thể và những giải pháp xuất phát từ thực tiễn. 2 trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là phát triển giao thông nông thôn và trồng cây vụ đông.

Thời điểm đó, đưa 2 vấn đề này thành nhiệm vụ trọng tâm của địa phương cho cả giai đoạn, những người không hiểu sâu về Xuân Thượng sẽ thấy buồn cười, nhất là việc trồng cây vụ đông. Không ít người cho rằng, trồng cây vụ đông là điều “xưa như trái đất”, những nơi khác đã làm từ lâu. Thậm chí qua các mùa vụ, nhiều nơi đã từng gieo trồng các loại cây vụ đông khác nhau để lựa chọn loại có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rộng… nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, với người dân Xuân Thượng, làm vụ đông vẫn là thứ “xa xỉ”.

“Nguồn cơn” dẫn đến việc nghị quyết đặt ra vấn đề này là từ ý tưởng “muốn làm giàu thì phải có đường”, “càng muốn giàu to thì đường phải càng to”; trồng rau, màu là nhằm khai thác tối đa lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên của xã, quan trọng hơn là “đánh” mạnh vào tư tưởng cố hữu, bảo thủ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân…

Bí thư Cổ Văn Chuông dừng xe máy bên đầu cây cầu tràn liên hợp bản 3 Thâu. Cách đó khoảng 30 m là 1 cây cầu dân sinh làm bằng những thanh sắt thuộc bản 2 Thâu. Anh Hoàng Văn Điều, nhà ở ngay đầu cầu sắt, bảo: Cây cầu này được làm năm 2016 và từ năm đó đến tận năm 2023, gần như là lối đi duy nhất cho người dân bản 2 Thâu, bản 3 Thâu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nhất là vào mùa mưa lũ. “Giờ Nhà nước đã quan tâm làm cầu tràn liên hợp ngay phía dưới, người dân đi lại thuận tiện, an toàn, nhưng một số hộ có rừng phía trên kia vẫn vận chuyển lâm sản, đặc biệt là gỗ rừng trồng, qua cây cầu sắt này. Cầu sắt rất chắc chắn, cây trên đồi chỉ cần chặt ngã rồi lao xuống, kéo qua cầu là về đến bờ bên này, tiện lắm” - anh Điều cho biết.

Cây cầu sắt ở bản 2 Thâu là 1 trong 11 cây cầu dân sinh kết nối các thôn, bản của xã Xuân Thượng. Xuất phát từ thực tế địa phương dân cư sinh sống không tập trung, giao thông không thuận tiện, đường tới các thôn, bản của xã bị chia cắt bởi suối, khe nhỏ, dẫn đến hạn chế trong việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, cả việc đến trường của con trẻ, rồi công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh... Khó khăn nhất là thôn Vành, từ Quốc lộ 279 muốn đến thôn này phải 7 lần lội suối. Xã có 11 thôn, bản, cần 11 cầu dân sinh. Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Xuân Thượng nhiệm kỳ 2015 - 2020, đầu năm 2016, ông Nguyễn Văn Dũng, thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng, đã đề xuất ý tưởng vận động người dân làm 11 cây cầu và được Thường trực UBND, Đảng ủy xã thông qua, được huyện nhất trí.

Để có vật liệu làm cầu, ông Dũng đã trực tiếp lên xin huyện số sắt, thép của cầu Cốc Lếu được thanh lý. Ông Nguyễn Văn Dũng nhớ lại: Xin được sắt, thép rồi, tôi chạy đôn chạy đáo huy động bà con địa phương và nhờ vả một số doanh nghiệp giúp phương tiện, máy móc vận chuyển sắt, thép về và làm cầu qua suối. Vất vả lắm, sắt, thép rất khó vận chuyển, trong khi địa hình phức tạp, không nhiều người có kinh nghiệm thi công cầu bằng sắt, thép. Ông Dũng và các đồng chí trong xã đã tìm hiểu trên nhiều kênh như báo, đài, internet… hỏi bạn bè có chuyên môn về xây dựng cầu, cả các nhà thầu chuyên nghiệp.

“Tôi và anh em phải tính toán rất kỹ. Ngay tại bãi tập kết ở huyện, chúng tôi phân loại sắt, thép, chọn những thanh to làm dầm cầu, phần đầu thừa đuôi thẹo không sử dụng được vào việc gì thì đưa vào làm phế liệu đem bán, lấy tiền đó thuê vận chuyển dầm cầu về công trình. Rồi vận động các tổ chức hỗ trợ, cán bộ, công chức, người dân địa phương ủng hộ kinh phí mua được tổng cộng 2 tấn xi măng, đồng thời tham gia ngày công lao động. Cát, sỏi thì chúng tôi tận dụng vào điều kiện tự nhiên gần sông Chảy để tự khai thác. Máy móc thì nhờ doanh nghiệp hỗ trợ...” - ông Dũng cười xòa.

Ngay trong năm 2016, toàn bộ 11 cây cầu (dài nhất 30 m, ngắn nhất 4 m) đã làm xong, nối 11 thôn bản với trung tâm xã, với Quốc lộ 279, đảm bảo xe tải trọng từ 8 tấn trở xuống chạy qua an toàn. Nhờ vậy, Xuân Thượng đã có sự thay đổi căn bản, phá vỡ vòng luẩn quẩn của cách làm ăn tự cung, tự cấp, mở cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới. Cứ như vậy, 11 cây cầu dân sinh đã song hành với địa phương trên con đường phát triển cho đến năm 2023, khi nhà nước đầu tư hàng loạt cầu tràn liên hợp trên địa bàn xã Xuân Thượng, những cây cầu dân sinh đó mới kết thúc “sứ mệnh”…

Sau một hồi đắm chìm trong suy tư về một giai đoạn lịch sử của địa phương mà những cây cầu dân sinh đóng vai trò rất quan trọng, ông Cổ Văn Chuông, Bí thư Đảng ủy xã chợt nhớ về việc trồng cây vụ đông. Chỉ tay ra xung quanh, ông bảo: Anh xem, hễ chỗ nào có đất mà có thể trồng rau được là bà con trồng các loại rau, màu. Đặc biệt, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của Xuân Thượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và địa phương. “Buổi chiều hôm trước, khi tan họp huyện, tôi dạo một vòng chợ thị trấn Phố Ràng, đếm sơ sơ thấy gần 40 người dân Xuân Thượng bày bán các loại rau xanh. Hỏi ra thì được biết đó là những hộ trực tiếp mang bán rau của gia đình mình” - ông Cổ Văn Chuông cho hay.

Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã khởi nguồn phát triển sản xuất vụ đông ở Xuân Thượng. Từ chỗ hoàn toàn không trồng cây vụ đông, đến vụ đông năm 2024 - 2025, Xuân Thượng đã có hơn 40 ha, chủ yếu là ngô và rau xanh các loại.

Quả thật, trên những rẻo đất ven sông, ven suối, trong vườn nhà đều được bà con trồng rau, thành luống, thành hàng, một số loại rau, màu được làm giàn leo, thể hiện rất rõ sự chuyên nghiệp trong canh tác rau hàng hóa. Bên mảnh ruộng rộng chừng 0,5 ha bên sông Chảy thuộc bản 3 Là, bà Nông Thị Phải đang chăm rau. Thấy chúng tôi, bà dừng tay, nói: Vợ chồng tôi với 4 nhân khẩu của gia đình con trai sống nhờ trồng rau trên mảnh ruộng này. Quanh năm chúng tôi trồng rau, mùa nào thức nấy, đặc biệt là vụ đông, đều tự mang ra chợ Phố Ràng bán hoặc cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở thị trấn theo đặt hàng.

Nói rồi, bà Phải nói với với Bí thư Cổ Văn Chuông một hồi bằng tiếng Tày, rồi cả hai cùng cười vang. Bí thư Cổ Văn Chuông bảo: Bà ấy khoe nhờ trồng rau mấy năm qua mà gia đình bà đã có 1 quyển sổ tiết kiệm trị giá gần trăm triệu đồng…

Xuân Thượng đã tháo gỡ được những băn khoăn, trăn trở rằng nuôi con gì? Trồng con gì? Kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ, đặc biệt là từ nhiệm kỳ 2015 - 2020 với việc đặt ra những mục tiêu tưởng như rất đỗi bình thường nhưng lại có ý nghĩa quyết định. Tiến từng bước vững chắc, Xuân Thượng đã sẵn sàng hợp nhất với một số xã lân cận để địa phương mở rộng hơn về quy mô, tầm vóc, tiềm lực, tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới…

Nguồn: https://baolaocai.vn/ngay-moi-o-xuan-thuong-post401514.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm