Thợ dệt Cơ tu bên khung dệt. Ảnh: T.V |
Từ lâu đời, đồng bào Cơ tu gắn bó với nghề dệt vải thổ cẩm. Nhiều giống bông bản địa như kpay plâng, kpay lao, kpay plưng, hay còn gọi “bông cỏ” được trồng để khai thác nguyên liệu cho nghề dệt. Sau khi bảo quản, người Cơ tu đã sáng tạo ra nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi: đó là công cụ tách hạt (êết); dụng cụ bật bông (tơrơmế); que quấn bông (plau); máy se sợi (chia); hhung quấn sợi thô (trước khi nhuộm); công cụ tạo búp sợi (tra ca)...
Đồng bào còn tìm ra những nguyên liệu để chế biến thuốc nhuộm màu cho sợi bông. Các màu cơ bản xuất hiện trên trang phục dân tộc Cơ tu là màu trắng (bhooc), màu đen (tăm), màu đỏ (prôm), màu xanh (ta viêng), màu vàng (rơk). Ngoài ra còn có các màu phụ như màu nâu (prâu), tím (pơ nghinr)... Càng về sau, bảng màu của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường.
Điều thú vị là ở thời đại công nghệ 4.0, họ vẫn còn bảo lưu kiểu khung dệt cổ sơ nhất của nhân loại, các nhà nghiên cứu gọi là khung dệt Inđônêsiên hay còn gọi là khung dệt dùng sức căng của cơ thể (Body tention loom). Khung dệt này tuy còn thô sơ, năng suất thấp, khả năng dệt hoa văn bị hạn chế, nhưng nó lại có thể dệt được những khổ vải theo ý muốn. Kỹ thuật dệt của người Cơ tu gắn liền với chất liệu, trong đó nổi bật là dệt hoa văn chỉ màu, hoa văn gợn sóng, hoa văn hạt cườm.
Nét đặc sắc nhất trong chế biến sợi và kỹ thuật dệt là nhuộm bao sợi và kỹ thuật ikat. Người ta lấy lá a yâng, một loại cây trong rừng có lá dài như lưỡi kiếm và mỏng, buộc vào sợi vải xanh đã nhuộm rồi tiếp tục mang nhúng vào thuốc nhuộm nhiều lần để sợi chuyển màu đen. Với cách làm này, chỗ sợi đã buộc lá a yâng có tác dụng làm cho sợi giữ nguyên màu xanh mà không bị nhuốm màu đen đậm hơn trong quá trình nhuộm màu. Sau khi nhuộm, trên một đoạn sợi cùng có hai màu xanh và màu đen lẫn lộn, tạo ra hai sắc độ đậm nhạt khác nhau. Khi dệt, người ta bố trí chỗ sợi có màu xanh chàm liền kề với nhau trên nền vải đen thẩm để hiện ra những hoa văn độc đáo và lạ mắt, gọi là hoa văn dợn sóng.
Khi đề cập đến sản phẩm dệt của người Cơ tu, chúng ta không thể không nói đến các hoa văn hạt cườm, là yếu tố đã làm nên giá trị thẩm mỹ của thổ cẩm, trang phục. Arắc hay còn gọi là alùng là từ dùng để chỉ những hạt cườm phối trí thành hoa văn trên tấm tút của người Cơ tu. Đồng bào rất thích dùng những bộ váy áo, khố có trang trí hoa văn hạt cườm. Chèn cườm, kết cườm hay tạo hoa văn bằng cườm là một thao tác đặc biệt. Bằng cách bố trí từng hạt chì hoặc cườm, rất tỷ mỉ và công phu, họ vừa dệt vừa tạo hoa văn thật tài tình. Hạt cườm được làm bằng hạt cây, cỏ, đá, chì và hạt cườm nhựa. Trước đây, người Cơ tu, Tà Ôi sử dụng hạt cườm bằng chì do chính mình chế tạo ra để làm nên hoa văn thổ cẩm.
Nghề trồng bông dệt vải của dân tộc Cơ tu đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm, chủng loại khác nhau. Mỗi sản phẩm đều có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ nhất định. Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Ta có thể phân biệt các sản phẩm thổ cẩm Cơ tu qua những loại hình cụ thể như sau: tấm aduông (tấm dồ); áo (adooh); áo choàng (adây); áo chữ X (chrơ gul, chrơ peng); khố (h’giăl hay g’hul); váy (hđooh); khăn trùm đầu; tấm địu con (aduông kon); túi thổ cẩm (chơ dhung); yếm (xờ nát); túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối)...
Nghề dệt của người Cơ tu thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa tộc người. Mỗi sản phẩm dệt có giá trị về nhiều mặt, nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. Sản phẩm dệt của đồng bào chẳng những có giá trị vật chất, là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của mỗi dân tộc. Những giá trị đặc trưng của nghề thủ công cổ truyền, được kết tinh trên mỗi sản phẩm phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, thẩm mỹ quan của cộng đồng tộc người.
Hoa văn trên vải của dân tộc Cơ tu đạt trình độ cao về nghệ thuật trang trí. Đó là một kho báu về nghệ thuật tạo hình do các nghệ nhân, thợ dệt Cơ tu sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và ngày càng được sáng tạo hơn. Các hoa văn như hoa pơ lơm, h’la atút, ngọn chông (chơ râng), chày (hjêê), đặc biệt là hoa văn Da dá, thể hiện điệu múa của người phụ nữ, hình ảnh thiêng liêng của mẹ lúa, là biểu tượng văn hóa dân tộc Cơ tu.
Người Cơ tu là một tộc người còn bảo lưu được một cách tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề dệt và trang phục. Đây là một trong những thành tố góp phần hình thành không gian văn hóa đặc sắc của tộc người Cơ tu cư trú trên dải Trường Sơn. Nghề dệt thổ cẩm - nghề thủ công truyền thống thực sự là một di sản quý giá còn được bảo lưu, giữ gìn. Chính vì giá trị nổi bật đó, ngày 12-8-2014, tại phiên họp Hội đồng Di sản quốc gia lần thứ 7 đã công nhận nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ tu là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
TRẦN TẤN VỊNH
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202505/nghe-det-tho-cam-cua-dan-toc-co-tu-4006936/
Bình luận (0)