Một nhóm nghiên cứu quốc tế bao gồm Cơ quan khoa học và công nghệ Biển-Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) đã phát hiện ra rằng các hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương phân bố sâu rộng, từ gần bề mặt biển đến biển sâu.
Dữ liệu thu thập từ khoảng 1.900 địa điểm trên khắp thế giới trong giai đoạn 2014-2024 bao gồm các vùng biển như Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Kết quả cho thấy nồng độ vi nhựa ở vùng cửa sông, ven biển cao hơn rất nhiều so với vùng xa bờ, với nồng độ trung bình cao hơn 30 lần so với ngoài khơi. Người ta cho rằng thực vật phù du và sinh vật khác bám vào vi nhựa rồi chìm xuống, khiến chúng lưu lại lâu ở vùng ven biển.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa độ sâu và kích thước vi nhựa. Họ thấy rằng những hạt tương đối nhỏ, kích cỡ 1-100 µm (micromet), phân bố rộng và trôi nổi trong nước lâu hơn, từ mặt biển đến độ sâu khoảng 5.000m. Trong khi đó, các hạt lớn hơn từ 100 µm đến 5mm chủ yếu chỉ gần mặt biển hoặc chìm xuống đáy biển.
Ông Xie Zhao, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tác động môi trường sinh vật biển của JAMSTEC, nhận định rằng đại dương đang trở thành một kho chứa vi nhựa khổng lồ.
Tuy nhiên, do phương pháp phân tích vi nhựa khác nhau giữa các nhà nghiên cứu nên việc nắm bắt chính xác thực trạng vẫn còn khó khăn. Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng phương pháp khảo sát tiêu chuẩn trong thời gian tới để cải thiện độ chính xác.
Việc vi nhựa tồn tại ở mọi độ sâu đại dương và được sinh vật biển hấp thụ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-moi-cac-hat-vi-nhua-ton-tai-o-moi-do-sau-trong-dai-duong-post1036207.vnp
Bình luận (0)