Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngoại giao kiến trúc Israel-Iran: Nốt thăng trong bản nhạc trầm

Đi qua bao thăng trầm trong lịch sử, những tòa nhà tại Iran ngày nay vẫn trường tồn như minh chứng sống động cho một "giai đoạn vàng" trong quan hệ hợp tác với Israel.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế10/07/2025

(Nguồn: Getty)
Các kiến trúc sư Israel từng tham gia thi công các dự án hạ tầng quan trọng tại thủ đô Tehran, Iran vào thập niên 60 của thế kỷ trước. (Nguồn: Getty)

Giữa lúc căng thẳng giữa Israel và Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày, ít ai có thể hình dung được vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, chính các kiến trúc sư và doanh nghiệp Israel đã từng góp những viên gạch đầu tiên giúp Tehran quy hoạch cơ sở hạ tầng.

Thời kỳ vàng son

Vào những năm 1950, Iran chính thức công nhận Nhà nước Do Thái, đổi lại, Israel hỗ trợ Tehran trong các dự án an ninh và công nghệ. Tiến sĩ Neta Feniger, Viện Công nghệ Israel nhận định, đây là cơ hội để Tel Aviv vun đắp niềm tin giữa hai nước, thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng của Iran dựa trên kinh nghiệm xây dựng khu định cư sau khi thành lập Nhà nước năm 1948.

Các công ty Israel như Solel Boneh đã thực hiện nhiều dự án hạ tầng lớn tại Iran, bao gồm hệ thống thoát nước, mạng lưới cấp nước và xây dựng cầu đường trong khoảng thập niên 60. Năm 1972, chính quyền Iran triển khai dự án lớn, biến 2 thị trấn có cảng biến chiến lược ở Vịnh Ba Tư là Bushehr và Bandar Abbas thành căn cứ quân sự. Các khu dân cư cho binh lính cùng người thân gia đình sinh sống tại đó do kiến trúc sư Israel, lúc bấy giờ là ông Dan Eytan thiết kế.

Dự án gồm 2 khu dân cư lớn với quy mô ban đầu khoảng 1.200 căn hộ, sau đó mở rộng gấp 10 lần, có tổng ngân sách 1,25 tỷ USD. Với khả năng thích ứng với khí hậu và động đất, các khu dân cư được thiết kế theo phong cách hiện đại, có tường cách nhiệt, cửa sổ lõm giảm nắng và các hành lang mái che kết nối khu dân cư với khu thương mại.

Theo Tiến sĩ Feniger, kiến trúc sư người Israel Dan Eytan đã nghiên cứu kỹ văn hóa Iran để phác thảo mô hình thiết kế phù hợp, không chú trọng họa tiết trang trí mà ưu tiên tiện ích đáp ứng nhu cầu lối sống địa phương.

Trong bối cảnh lệnh cấm vận dầu vào thập niên 1970 gây suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia, Iran lại có tốc độ tăng trưởng nhanh và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt khi Tehran mở cửa, cho phép kiến trúc sư nước ngoài tham gia quá trình quy hoạch, mở rộng các thành phố. Các kiến trúc sư, nhà thầu Israel tìm thấy thời cơ "có một không hai" để gia nhập ngành xây dựng phát triển mạnh với nguồn lực dồi dào ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

Một trong những dự án nổi bật là hệ thống tòa nhà cao cấp 30 tầng tại trung tâm Tehran, do hai kiến trúc sư từ công ty Solel Boneh (Israel) thiết kế. Khác với xu hướng tiết kiệm chi phí của Israel, các dự án ở Iran sử dụng bê tông cốt thép kiên cố, lắp điều hòa Tadiran, bếp Regba, hệ thống tưới nhỏ giọt Netafim, cho thấy Tehran sẵn sàng chi mạnh tay để hiện đại hoá đất nước.

Ngoại giao kiến trúc Israel-Iran: Nốt thăng giữa bản nhạc trầm
Các kiến trúc sư Israel giới thiệu với quan chức Iran về công trình tại thành phố Bandar Abbas năm 1972. (Nguồn: Ynetnews)

Những "chứng nhân lặng lẽ"

Sau Cách mạng Hồi giáo 1979, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Người Israel buộc phải rời Iran, nhiều dự án dang dở hoặc bị hủy bỏ, quan hệ hai nước rơi xuống mức thù địch.

Thế nhưng, rất nhiều tòa nhà, khu dân cư, hệ thống hạ tầng do kiến trúc sư và kỹ sư Israel thiết kế, xây dựng vẫn còn tồn tại đến ngày nay như những "chứng nhân lặng lẽ" cho một giai đoạn hợp tác từng rất thịnh vượng giữa hai quốc gia Trung Đông.

Nhiều dự án nhà ở, tổ hợp thương mại, khách sạn và hệ thống hạ tầng do người Israel thực hiện đã đưa vào Iran các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như chống động đất, điều hòa không khí, tưới nhỏ giọt – những chuẩn mực mới cho xây dựng đô thị thời bấy giờ. Dù sau này, nhiều công trình bị đổi tên hoặc thay đổi công năng, nhưng phần lớn vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc và tiếp tục phục vụ cộng đồng địa phương.

Khi trở về Israel, các kiến trúc sư từng làm việc tại Iran đã mang theo nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tư duy phát triển hiện đại. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi của thị trường bất động sản Israel sang giai đoạn “tân tự do”.

Đây là thời kỳ mà mô hình phát triển đô thị chuyển từ sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước sang cơ chế thị trường mở, khuyến khích cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và thu hút đầu tư tư nhân.

Nhờ những bài học từ môi trường quốc tế, các kiến trúc sư Israel đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phát triển các khu phức hợp đa chức năng tích hợp nhà ở, thương mại, văn phòng và không gian công cộng. Họ cũng chú trọng quy hoạch tổng thể, tiện ích cộng đồng và tối ưu hóa không gian sống hiện đại.

Chính sự đổi mới này đã góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới cho Tel Aviv, Haifa, Jerusalem trong thập niên 1980–1990, đưa Israel trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa và phát triển bất động sản năng động hàng đầu khu vực.

Có thể thấy, giữa lúc quan hệ song phương đang "căng như dây đàn", câu chuyện về những kiến trúc sư Israel tại Iran thế kỷ trước đã gợi mở về quá khứ hợp tác tốt đẹp cần được thế hệ hai nước gìn giữ.

Những công trình tồn tại đến tận ngày nay đã trở thành minh chứng sống động cho di sản chung chứa đựng tình cảm hữu nghị sâu sắc giữa Israel và Iran, gửi gắm niềm tin và hy vọng về một tương lai không còn xung đột và nền hòa bình đứng vững qua thời gian.

Nguồn: https://baoquocte.vn/ngoai-giao-kien-truc-israel-iran-not-thang-trong-ba-n-nhac-tra-m-320238.html


Chủ đề: Israel-Iran

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm