
Không chỉ trên điện thoại, các sản phẩm như đồng hồ thông minh cũng được hưởng ngôn ngữ thẩm mỹ mới (Ảnh minh họa: Google).
Tại hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển (I/O 2025), Google đã công bố một định hướng quan trọng, vẽ nên một tương lai nơi điện thoại Android vượt xa giới hạn điện thoại thông minh.
Hệ sinh thái của Google đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, không còn bó hẹp trong những chiếc điện thoại Android quen thuộc, gã khổng lồ tìm kiếm đã trình bày một tầm nhìn mới tại hội nghị các nhà phát triển thường niên.
Điểm nhấn chính là sự bùng nổ của các loại màn hình và những phương thức tương tác hoàn toàn mới, tất cả được hậu thuẫn bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
Để cộng đồng phát triển dễ dàng nắm bắt và kiến tạo theo mô hình mới này, Google đã đặt ra những nguyên tắc cốt lõi. Những định hướng này không chỉ dành riêng cho giới lập trình viên mà còn hé lộ triết lý công nghệ số mà Google đang theo đuổi.
Không có gì ngạc nhiên khi AI là "ngôi sao" của định hướng này. Google khuyến khích các nhà phát triển khai thác triệt để sức mạnh của trí tuệ nhân tạo với niềm tin rằng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sẽ giúp ứng dụng trở nên "thông minh hơn, cá nhân hóa hơn và tự chủ hơn".
Google đang mở rộng quyền truy cập vào các mô hình AI của mình. Đáng chú ý, Gemini - mô hình AI tiên tiến nhất của hãng - sẽ được tích hợp sâu vào công cụ phát triển, biến Android thành một nhân tố chủ chốt trong cuộc đua AI toàn cầu.
Một xu hướng lớn khác được nhấn mạnh tại I/O 2025 là sự gia tăng mạnh mẽ của các loại màn hình. Android vẫn là hệ điều hành di động cốt lõi, nhưng giờ đây, nó đã hiện diện trên đồng hồ thông minh, TV, ô tô và sắp tới là cả kính thông minh.
Để các ứng dụng có thể thích ứng hoàn hảo với sự đa dạng này, Google khuyên các nhà phát triển cần phải tư duy "thích ứng".
Lý tưởng nhất, một ứng dụng cần hiển thị mượt mà và chính xác trên mọi thiết bị: Từ TV, máy tính bảng, điện thoại thông minh (cả loại gập và không gập), cho đến kính hoặc tai nghe thực tế tăng cường.
Google khẳng định, đây chính là chìa khóa để "mở khóa khả năng tiếp cận 500 triệu màn hình" - một con số đầy tham vọng.

Ngôn ngữ thẩm mỹ mới trên điện thoại Android (Ảnh: Google).
Đáng chú ý, để hỗ trợ các nhà phát triển trong kỷ nguyên đa màn hình, Google giới thiệu "Material 3 Expressive" - ngôn ngữ thẩm mỹ mới.
Không chỉ đẹp mắt với hình khối và màu sắc nổi bật, Material 3 Expressive còn được thiết kế để "gây cảm xúc, hướng dẫn người dùng rõ ràng đến mục tiêu và mang đến trải nghiệm linh hoạt, cá nhân hóa".
Ngôn ngữ thiết kế này được tối ưu để dễ tiếp cận và phù hợp hơn với cả những màn hình nhỏ, như trên đồng hồ thông minh.
Không dừng lại ở giao diện, dự kiến Android 16 cũng sẽ mang đến những thay đổi trong cách chúng ta tương tác với các thiết bị.
Sự xuất hiện của "cập nhật trực tiếp" - những chấm thông báo nhỏ có khả năng thay đổi theo thời gian thực - và cách quản lý tiện ích (widget) mới hứa hẹn sẽ làm cho trải nghiệm người dùng liền mạch và trực quan hơn.
Tóm lại, Google đang hướng tới một hệ sinh thái công nghệ thống nhất, nơi người dùng được kết nối mọi lúc mọi nơi, và AI đóng vai trò trung tâm trong việc kiến tạo những trải nghiệm đó. Công nghệ có thể không ngừng phát triển, nhưng mục tiêu mang đến sự tiện lợi và thông minh cho người dùng vẫn là kim chỉ nam của gã khổng lồ này.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/nguoi-dung-dien-thoai-android-sap-duoc-lot-xac-giao-dien-20250523100712521.htm
Bình luận (0)