Trong không khí tưng bừng của những ngày tháng Tư, chúng tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Văn Ái ở phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Trong dòng hồi tưởng, ông Chín Ái kể về lần hạ máy bay địch khi còn là du kích của xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Ngày 12-6-1967, khi nghe tiếng máy bay ù ù từ phía xa, lực lượng du kích xã Phước Thạnh tại vị trí phục kích đã sẵn sàng giương nòng súng đón đợi máy bay địch. Với khẩu súng trường trong tay, du kích Nguyễn Văn Ái chớp thời cơ bắn trúng máy bay F-4H của địch khi đang lao xuống cắt bom. Sau thành tích đó, Nguyễn Văn Ái rời quê hương Bến Tre, xung phong tham gia lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, hoạt động bí mật ban đầu ở vùng ven, sau đó hoạt động sâu vào trung tâm Sài Gòn.

Đại tá Nguyễn Văn Ái (bên phải) kể về thời gian tham gia lực lượng biệt động. 

Ngày 21-12-1972, trong trận đánh quân ngụy càn quét ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, đồng chí Chín Ái đã cơ động chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo tiêu diệt 10 tên địch rồi bị thương, nhưng may mắn được đồng đội băng bó, cứu chữa kịp thời. Sau đó, ngày 22-12-1972, 3 chiếc trực thăng của địch quần thảo bắn phá ác liệt. Mặc dù vết thương chưa lành, cơ thể vẫn còn đau nhức nhưng đồng chí Chín Ái đã cơ động sử dụng súng AK bắn rơi 1 chiếc trực thăng. Chiến công đó của đồng chí Chín Ái làm nức lòng người dân địa phương, được đồng đội cảm phục về tinh thần chiến đấu dũng cảm, gan dạ, quyết liệt. 

Sau đó, đồng chí Chín Ái chiến đấu trong đội hình lực lượng biệt động và liên tiếp giành được nhiều thành tích xuất sắc. Tháng 3-1974, khi Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động được thành lập, ông gia nhập đơn vị. Nhiệm vụ của người chiến sĩ đặc công là dẫn đường phối hợp chiến đấu với bộ đội của Trung đoàn Gia Định tiến đánh các đồn, căn cứ của địch ở hướng xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn). Ngày 28-4, Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động đánh tan các đồn, bốt của địch dọc đường hành tiến về Sài Gòn. Sau đó, các địa điểm từ Xuân Thới Thượng đến Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), khu vực quận Phú Nhuận và một phần của sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng được giải phóng. Trưa 30-4, đơn vị của đồng chí Chín Ái cùng Trung đoàn Gia Định đã tiếp quản toàn bộ khu vực Bộ Tổng Tham mưu ngụy. “Không khí Sài Gòn ngày đó rất khó tả. Quân ta tiến vào đến đâu, bà con xuống đường chật kín, hò reo, vẫy tay đón chào bộ đội nồng nhiệt đến đấy. Quân địch bỏ chạy tán loạn để thoát thân, vứt lại mũ sắt, quần áo, súng đạn chất thành đống, ngổn ngang bên đường”, ông Chín Ái nhớ lại thời khắc hạnh phúc trong ngày toàn thắng, đất nước trọn niềm vui. 

Ngày 5-5-1975, ông Chín Ái được điều về làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Tự Đức (nay là phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Nhiệm vụ của ông là cùng với các khóm, ấp rà soát danh sách sĩ quan, binh sĩ của chế độ cũ để tập hợp, tuyên truyền, thông báo kêu gọi các đối tượng ra trình diện, đăng ký học tập, cải tạo.

Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, tình hình trật tự trị an trên địa bàn phức tạp, ông Chín Ái và các đồng chí trong Ban CHQS phường Tự Đức thường xuyên phối hợp với bộ đội chủ lực tuần tra, bảo vệ, tổ chức tuyên truyền, giáo dục để xóa bỏ các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ bình yên từng khu phố trên địa bàn phường.

Bài và ảnh: THẾ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan. 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/nguoi-hai-lan-ha-may-bay-dich-826025