Từ đầu năm 2025 đến nay, xu hướng biến thể SARS-CoV-2 toàn cầu có sự thay đổi với sự xuất hiện của một số biến thể mới, với LP.8.1 thay thế XEC trở thành biến thể chiếm ưu thế vào giữa tháng 3/2025.
Thời gian gần đây, LP.8.1 đang suy giảm khi NB.1.8.1 là một biến thể đang được theo dõi (VUM) có các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn, đang gia tăng về mức độ phổ biến (chiếm 10,7% kết quả giải trình tự gene toàn cầu vào giữa tháng 5/2025).
Biến thể mới ít gây tổn thương phổi nặng hơn
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, các biến thể mới này không có nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể lưu hành khác.
"Hiện nay, các biến thể mới thuộc nhóm Omicron có đặc điểm chung dễ lây lan hơn các biến chủng cũ (Delta, Alpha) nhưng ít gây tổn thương phổi nặng hơn vì chủ yếu tấn công đường hô hấp trên (mũi, họng) thay vì xâm nhập sâu vào mô phổi. Vì vậy, nguy cơ viêm phổi nặng hiện thấp hơn so với chủng Delta, đặc biệt ở người trẻ, khỏe mạnh và đã tiêm đủ vắc xin.
Tuy nhiên, nhóm nguy cơ cao (nêu trên) vẫn có thể tiến triển thành viêm phổi nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt nếu đồng nhiễm vi khuẩn hoặc virus khác hoặc suy giảm miễn dịch", bác sĩ Ngân cho hay.
Chuyên gia hô hấp này cũng khuyến cáo các đối tượng đặc biệt cần đặc biệt lưu ý trước tình hình biến thể mới gồm: Người cao tuổi (trên 60 tuổi), người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dù nguy cơ thấp hơn người lớn nhưng hệ miễn dịch chưa hoàn thiện), người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm nhắc lại gần đây.
Những nhóm này nếu nhiễm biến thể mới có nguy cơ bệnh trở nặng cao hơn, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang nơi đông người, tránh tụ tập khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên và tiêm đủ mũi nhắc vaccine nếu có khuyến cáo.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động liên tục nên sớm nhận ra các ca Covid-19 đến khám. Hệ thống cảnh báo từ việc đưa ra tiêu chuẩn sàng lọc, xét nghiệm, phân luồng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, có bệnh nền... để chia bệnh nhân vào từng khu riêng giúp hoạt động chuyên môn bệnh viện hoạt động bình thường, hạn chế tối đa tác động của Covid-19 gây nên.
Bệnh viện cũng đề nghị các cha mẹ phối hợp để hạn chế thấp nhất lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo chuyên gia này, phòng bệnh không đặc hiệu là yếu tố quan trọng, lưu ý không tập trung đông người, đặc biệt là những người vừa mắc sởi, suy giảm miễn dịch. Việc kiểm soát bệnh nền, bệnh mãn tính đặc biệt cần thiết để có cơ thể khỏe mạnh chống lại tác nhân bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.
"Mọi người cần tuân thủ dự phòng bằng vaccine đối với bệnh đã có vaccine dự phòng, để giúp mọi người có cơ thể khỏe mạnh, tránh tác nhân đồng nhiễm của bệnh truyền nhiễm và Covid-19", bác sĩ Ngãi khuyến cáo.
Không tự ý điều trị bằng thuốc kháng virus
Với triệu chứng nhẹ khi dương tính với SARS-CoV-2, nhiều người tự điều trị bằng thuốc kháng virus tại nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân cần phải đến cơ sở y tế khám để được chỉ định thuốc phù hợp.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay đa số người nhiễm Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ và được điều trị hiệu quả với các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, xịt họng,… thông thường. Những trường hợp này không cần điều trị bằng thuốc kháng virus cũng có thể khỏi bệnh sau 5-7 ngày.
Việc dùng thuốc kháng virus chỉ áp dụng với những nhóm đối tượng có nguy cơ chuyển nặng, như người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ có thai.
"Khi có biểu hiện nặng, người dân có thể đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng, dự phòng điều trị bằng thuốc kháng virus", bác sĩ Hùng nói.
Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện nay đã có 11 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Với thuốc sử dụng trong điều trị Covid-19, Cục Quản lý dược khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc khi được bác sĩ kê đơn. Đồng thời mua thuốc tại nơi uy tín, chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng.
Theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir chỉ được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên, mắc Covid-19 mức độ nhẹ hoặc vừa, có nguy cơ chuyển sang thể nặng. Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không được tự mua thuốc kháng virus như Molnupiravir để điều trị Covid-19. Đây là nhóm thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Nguồn: https://nhandan.vn/nguoi-mac-covid-19-khong-tu-y-dieu-tri-bang-thuoc-khang-virus-post882921.html
Bình luận (0)