Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em, nhà nghèo, học xong THPT, chị Nguyệt thi đỗ vào Trường trung cấp Kỹ thuật may Hà Nội. Được vào học nghề mình yêu thích, chị tích cực học tập, nắm chắc kiến thức về nghề may. Sau 2 năm miệt mài học tập ra trường, chị xin vào làm việc tại Công ty TNHH May Đức Giang (Hà Nội).
Với đức tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi và sáng tạo, những sản phẩm may của chị đều được đánh giá chất lượng cao, chị luôn được lãnh đạo nhà máy và đồng nghiệp quý mến. Sau một thời gian, nhận được lời mời của Công ty May 10 quân đội, chị đầu quân về làm kỹ thuật viên may với mức lương khá cao tại thời điểm năm 2004. Năm 2005, chị lập gia đình, nên xin về làm công nhân may ở Khu công nghiệp (KCN) Khai Quang (Vĩnh Yên).
Sau 3 năm làm việc tại KCN Khai Quang, chị Nguyệt đã tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng quản lý cũng như kỹ thuật may quần áo xuất khẩu, chị bàn với chồng về quê xã Bàn Giản lập nghiệp.
Với kinh nghiệm tích lũy được sau gần 10 năm bươn chải ở các công ty may mặc, chị Nguyệt tận dụng khu đất thổ cư của gia đình tiếp giáp đường liên huyện mở hiệu dạy may mặc để có điều kiện chăm sóc gia đình và con nhỏ.
Do có tay nghề cao cộng với đức tính chăm chỉ, hiệu may của chị ngày càng nhiều người ở trong xã và khu vực lân cận đến học nghề. Vừa dạy may vừa nhận may gia công quần áo xuất khẩu cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2010, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư 12 máy may công nghiệp hiện đại, mở xưởng may kết hợp dạy may trên máy may công nghiệp. Với sự khéo tay và chăm chỉ, xưởng may của chị thu hút nhiều người đến học may trên máy may công nghiệp để đi làm trong các doanh nghiệp may mặc tại KCN Khai Quang. Sau khi thấy nhu cầu may cần thiết chị liên hệ một số công ty nhận về may gia công tại xưởng may của gia đình và tạo việc làm cho người học việc.
Với phương châm “góp gió làm bão”, lấy uy tín để mở rộng sản xuất, từ buổi ban đầu chỉ có 10 công nhân với sản lượng hàng hóa còn khiêm tốn nhưng do sản phẩm có chất lượng lại giao hàng đúng hẹn, xưởng may của gia đình chị ngày càng có uy tín với người may và người giao nhận hàng.
Đến nay, xưởng may của chị Nguyệt đã thu hút gần 50 công nhân là người địa phương làm việc chuyên may áo Jacket xuất khẩu sang thị trường châu Âu và thị trường Mỹ. Từ năm 2021 đến nay, chị liên kết với 2 doanh nghiệp máy xuất khẩu trên địa bàn huyện và tỉnh Tuyên Quang chuyên may quần áo xuất khẩu cho các đối tác.
Doanh thu trung bình 3 năm gần đây luôn đạt từ 5 - 8 tỷ đồng/năm. Dù sản phẩm gia công xuất khẩu chậm thanh toán nhưng chị Nguyệt vẫn nỗ lực đảm bảo lương công nhân hằng tháng.
Chị Bùi Thị Xuyên, 43 tuổi, đã có hơn 14 năm làm may tại xưởng may của chị Nguyệt chia sẻ: “Gia đình tôi khó khăn, con nhỏ, chồng đau yếu lại nuôi mẹ già, được chị Nguyệt tạo điều kiện giúp đỡ việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Nhiều khi nhà thiếu tiền lúc ốm đau đi viện được chị Nguyệt ứng tiền lương và cho vay mượn thêm để mẹ con tôi có tiền trang trải, ăn học. Tôi chỉ mong chị Nguyệt mở rộng sản xuất để tôi có việc làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống ngay tại quê nhà mà không phải đi xa”.
Được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch cho vay hơn 1,5 tỷ đồng, chị Nguyệt đã mở rộng xưởng may đầu tư dây chuyền cắt - may gần 50 máy may công nghiệp hiện đại, đảm bảo đủ tiêu chuẩn may áo xuất khẩu sang một số thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã của châu Âu và Bắc Mỹ, đặc biệt tạo đủ việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định đạt từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt chia sẻ: Trong thời kỳ hội nhập kinh tế mạnh mẽ, đòi hỏi mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng cao và giá thành hợp lý. Để duy trì việc làm, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ máy móc tiên tiến, đáp ứng các đơn hàng từ các thị trường khắt khe.
Hiện nay, công ty thường xuyên tuyển dụng lao động và kỹ thuật viên nhưng rất khó khăn, do lương ngành may xuất khẩu thấp hơn so với một số ngành khác, công ty rất cần sự giúp đỡ của cơ quan chức năng để phát triển sản xuất và giải quyết việc làm.
Bài, ảnh: Xuân Nguyễn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127961/Nguoi-mang-nghe-may-xuat-khau-ve-lang
Bình luận (0)